Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh ngay đầu kỳ họp thứ 6
Chủ tịch Quốc hội: Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo bước đột phá về thể chế Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Chiều 19/10, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Tại họp báo, một trong những nội dung được báo chí quan tâm là việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo |
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, theo quy định, các chức danh không lấy phiếu tín nhiệm là các nhân sự không còn giữ vị trí được phê chuẩn, các nhân sự đã có thông báo nghỉ hưu, chờ nghỉ hưu và các nhân sự mới được bổ nhiệm trong năm 2023.
Tính đến thời điểm này, Quốc hội khóa XV đã bầu, phê chuẩn 50 chức danh. Hiện có 49 người đang giữ vị trí và 5 người được bầu, phê chuẩn trong năm 2023. Như vậy sẽ có 44 người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6.
Còn 5 trường hợp sẽ không phải lấy phiếu tín nhiệm lần này, bao gồm: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, do mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn trong năm 2023.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Cụ thể, sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm thì báo chí sẽ được tham dự và cung cấp thông tin.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu tại họp báo |
Phó trưởng Ban Công tác đại biểu cũng cho biết, đến thời điểm hiện tại, tất cả các cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm đã gửi báo cáo về Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm báo cáo kiểm điểm công tác và kê khai tài sản.
Đáng chú ý, trong báo cáo kiểm điểm công tác có tiêu chí về trách nhiệm nêu gương của vợ con, người thân.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, đến thời điểm hiện tại, qua hai kênh đại biểu Quốc hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì chưa nhận được thông tin gì liên quan đến phản ánh đối với người được lấy phiếu tín nhiệm.
"Ban Công tác đại biểu tiếp tục theo dõi thông tin, nếu có phát sinh sẽ tổng hợp để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội", ông Nguyễn Tuấn Anh nói.
Lãnh đạo Ban Công tác đại biểu cũng cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày để lấy phiếu, trong thời gian này sẽ có phiên thảo luận tại đoàn và các đại biểu Quốc hội cho ý kiến đối với báo cáo kiểm điểm công tác, báo cáo kê khai tài sản của người lấy phiếu tín nhiệm.
Nói về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn ngay từ đầu kỳ họp, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết việc đánh giá công tác cán bộ được thực hiện xuyên suốt từ đầu kỳ đến nay nên lấy phiếu tín nhiệm là việc làm bình thường.
Cũng tại họp báo, nêu tóm tắt về dự kiến chương trình và nội dung chủ yếu của kỳ họp thứ 6, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà cho biết, kỳ họp sẽ diễn ra từ ngày 23/10 đến 28/11/2023, tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 22 ngày.
Kỳ họp sẽ tiến hành theo 2 đợt, theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Đợt 1 từ ngày 23/10 đến 10/11/2023; Đợt 2 từ ngày 20 đến 28/11/2023.
Dự kiến, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến về 8 dự án luật khác; Xem xét các báo cáo về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; Tiến hành giám sát chuyên đề; Chất vấn và trả lời chất vấn; Lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn...