Nhiều giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND
Hôm nay, diễn ra Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND Phương thức hoạt động mới của HĐND mang lại hiệu quả cao "Đòn bẩy" để các chính sách đặc thù phát huy giá trị |
Xem xét tăng đại biểu chuyên trách của HĐND cấp tỉnh
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Nhuần bày tỏ thống nhất với nhiều nội dung đại biểu đã phát biểu và cảm ơn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lắng nghe, thấu hiểu và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn hoạt động của Hội đồng Nhân dân. Những nội dung trong các văn bản này giúp HĐND các cấp thực hiện thuận lợi nhưng hoạt động thực tế còn một số bất cập.
Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Nhuần đề nghị làm rõ và quy định cụ thể việc phân cấp giữa các cấp chính quyền địa phương |
Vì vậy, Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Nhuần đề nghị làm rõ và quy định cụ thể việc phân cấp giữa các cấp chính quyền địa phương. Thực tế hiện mới chủ yếu tập trung vào việc phân cấp, phân quyền chính quyền trung ương và cấp tỉnh, chưa quy định rõ ràng, rành mạch phạm vi phân quyền, phân cấp giữa các cấp chính quyền địa phương dẫn đến quá trình thực hiện có một số bất cập.
Bên cạnh đó, Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Nhuần đề nghị cần sớm có quy định hướng dẫn về việc xây dựng nghị quyết không chứa quy phạm để giải quyết một số tình huống cụ thể. Bởi theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Hội đồng Nhân dân cấp huyện, cấp xã chỉ được ban hành nghị quyết để quy định những vấn đề được luật giao. Trong một số trường hợp nhất định, một số địa phương đơn vị cấp huyện và cấp xã sẽ ban hành nghị quyết hỗ trợ một số mô hình cụ thể lại liên quan đến bộ thủ tục hành chính nhưng bộ thủ tục hành chính chỉ được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật.
Cùng với đó, bà Nhuần cho rằng, cần làm rõ vai trò, vị trí các ban của Hội đồng Nhân dân trong các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định liên quan. Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rất rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của các ban Hội đồng Nhân dân nhưng thực tế hầu hết các đơn vị đều bố trí trưởng ban và phó trưởng ban hoạt động chuyên trách, như vậy tương ứng là hai lãnh đạo. Tuy nhiên, các Ban hội đồng chưa được điều chỉnh trong một số văn bản quy phạm pháp luật, cũng như các quy định liên quan đến địa vị pháp lý, chính trị và điều kiện hoạt động của các Ban Hội đồng Nhân dân. Do vậy điều kiện để các Ban Hội đồng Nhân dân thực hiện nhiệm vụ rất khó khăn.
Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Nhuần kiến nghị, cần sớm có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức biên chế của bộ máy tham mưu giúp việc cho HĐND cấp huyện và cấp xã; xem xét tăng đại biểu chuyên trách của HĐND cấp tỉnh trong nhiệm kỳ tới là cán bộ thuộc công chức văn phòng Đoàn Đại biểu quốc Hội và HĐND cấp tỉnh, như vậy không làm tăng thêm biên chế.
Nghiên cứu sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương
Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Yên Bái Triệu Thị Bình cho biết, qua giám sát của Ban Dân tộc, Ban đã xây dựng báo cáo kết quả giám sát, đưa ra các kiến nghị xác đáng, rõ ràng, cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế, giúp các cơ quan liên quan và các địa phương khắc phục những tồn tại, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Nhiều kiến nghị đã được cơ quan chịu sự giám sát quan tâm, chỉ đạo và thực hiện.
Trưởng Ban Dân tộc, HĐND tỉnh Yên Bái Triệu Thị Bình tham luận tại hội nghị |
Nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các Ban HĐND, Trưởng Ban Dân tộc, HĐND tỉnh Yên Bái đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành Quy chế mẫu hoạt động của HĐND làm căn cứ pháp lý để HĐND các cấp triển khai thực hiện nhiệm vụ được thống nhất, đồng bộ.
Cùng với đó, để chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ 2026 - 2031, căn cứ vào khối lượng, nội dung, nhiệm vụ phụ trách của mỗi Ban của HĐND cấp tỉnh, Quốc hội cần nghiên cứu sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng nâng số đại biểu HĐND chuyên trách cho mỗi ban của HĐND cấp tỉnh, nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND.
Ngoài ra, tại khoản 7 Điều 108 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định về các lĩnh vực phụ trách của các Ban HĐND, phần nội dung về Ban Dân tộc HĐND còn quá ngắn gọn, cô đọng, cũng chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện nên khó xác định vai trò, trách nhiệm, lĩnh vực hoạt động của Ban Dân tộc HĐND. Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Yên Bái cho rằng cần sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về những nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách của Ban Dân tộc HĐND.