Nhà văn viết báo - “phân vai” trong từng con chữ
Nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hạnh - tri ân cuộc đời qua những trang viết |
Nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim (Điện ảnh Công an Nhân dân): Mỗi câu chữ đều xuất phát từ trái tim và tình cảm
Nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim là tác giả của hơn 10 tập sách và đã từng đoạt nhiều giải thưởng như: Giải thưởng thơ Tầm nhìn thế kỷ, Giải thưởng thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Giải C giải báo chí quốc gia… Với quân hàm Trung tá, học vị tiến sĩ, chị hiện công tác ở Điện ảnh Công an Nhân dân, Cục Truyền thông Công an Nhân dân.
Nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim |
Với chị, làm truyền hình thì luôn có những chuyến đi xa đầy thú vị cùng cả ê kíp nên vừa vui vừa đạt kết quả nhanh và tốt hơn.
“Mỗi một địa danh là một câu chuyện để người làm văn chương như tôi có những xúc cảm cho trang viết. Thời gian làm truyền hình cũng là thời gian tôi đi được nhiều nhất, gặp gỡ những người thú vị và đến được với nhiều vùng đất vừa xa xôi hẻo lánh, vừa mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa… và từng vùng đất ấy đã cho tôi những cảm hứng thi ca hồi sinh.
Có hàng trăm bài thơ đã ra đời trong những chuyến đi ấy. Sắp tới tôi sẽ in tập thơ về giai đoạn tôi làm truyền hình, tôi tin rằng đó là một tập thơ nhiều ký ức và nhiều kỷ niệm của cuộc đời mình!”, Trần Hoàng Thiên Kim tâm sự.
Tác phẩm của nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim |
Chị cho rằng, thuận lợi của một nhà văn đi viết báo là sự chân thành, mềm dẻo và cầu thị đối với nhân vật mình phỏng vấn hay viết bài. Trần Hoàng Thiên Kim viết báo khá sớm. Từ ngày còn là học sinh năm nhất của trường Viết văn Nguyễn Du, chị đã viết về chính những người thầy của mình, vì họ thực sự nổi tiếng lại gần gũi mình trong suốt cả môn học, sau dần thì mở rộng hơn ở nhiều lĩnh vực khác. Khi ra trường về làm ở báo Công an Nhân dân cũng đã cho chị nhiều cơ hội để thử sức vì đây là một tờ báo lớn, nhiều ấn phẩm nổi bật.
Thiên Kim nói vui rằng, chị khá may mắn vì nhân vật luôn dành cho chị sự ưu ái nhất định. Họ sẵn sàng chia sẻ và cung cấp thông tin để bài báo của chị được tốt nhất. Sau mỗi bài viết, chị còn luôn tương tác, trao đổi nên mỗi nhân vật đều gần như trở thành một người quen biết, thậm chí là thành bạn thân thiết. Đó là điều mà nhân vật cũng thấy tác giả trân trọng và cầu thị ở họ. Có nhiều nhân vật là bậc cha chú đã đưa ra những lời khuyên bổ ích và thiết thực giúp chị có những quyết định hoặc cư xử cho đời sống của mình. Điều này chính là cái “lãi” của nhân vật, của nghề nghiệp mang lại cho chị.
“Nghề báo ngoài là nghề để kiếm sống thì cần có sự đam mê, say mê các nhân vật, sự kiện của mình. Tôi luôn chuẩn bị tâm thế trọn vẹn, một khoảng thời gian trọn vẹn cho các bài viết với đầy sự say sưa để hòa mình vào câu chuyện của nhân vật. Đó là cách để mang lại dấu ấn riêng của từng bài báo. Tôi luôn thấy, nghề báo và văn chương là sự song hành, lẫn vào nhau, tương trợ nhau, vì mỗi câu chữ đều xuất phát từ trái tim và tình cảm mà mình là một phần không thể thiếu trong hành trình ấy!”, Thiên Kim xúc động chia sẻ về nghề và nghiệp.
Nhà văn Hồ Huy Sơn (báo Sài Gòn Giải phóng): Cứ viết nhiều rồi sẽ tự biết đưa mình vào vị trí nào khi cần
Là tác giả của 14 tựa/bộ sách ở nhiều thể loại, Hồ Huy Sơn ngày càng chứng tỏ sức viết của mình trải dài qua tản văn, thơ thiếu nhi cũng như truyện ngắn.
Nhà văn Hồ Huy Sơn |
Sinh và lớn lên tại vùng quê nghèo xứ Nghệ, học tập tại Hà Nội và hơn chục năm gắn bó với phương Nam nắng gió, Hồ Huy Sơn có nhiều trải nghiệm văn hóa của các vùng miền để làm dày lên kiến thức và cách hành văn của mình. Anh từng đoạt các giải thưởng văn chương: Giải Nhất văn và Khuyến khích thơ báo Thiếu niên Tiền phong, giải Nhất thơ báo Mực Tím, giải Khuyến khích thơ báo Tuổi Trẻ, giải Ba cuộc thi Truyện ngắn Yume, giải thưởng Hồ Xuân Hương của Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An, giải Tư truyện ngắn “Sáng tác văn học trẻ” do Tạp chí Văn nghệ xứ Thanh tổ chức…
Giống như mọi nhà văn bước chân sang lĩnh vực báo chí, Hồ Huy Sơn có lợi thế về ngôn ngữ để chuyển tải vấn đề một cách mềm mại hơn nhưng cũng theo anh, một may mắn lớn với anh là khi được theo dõi mảng xuất bản. Đây là một lĩnh vực rất gần với văn chương, song hành với văn chương.
Bằng các bài viết của mình, Hồ Huy Sơn cập nhật tình hình xuất bản của TP Hồ Chí Minh và cả nước nói chung. Khai thác những cái hay, cái đẹp của sách thông qua truyền thông mà một cách hữu hiệu để tuyên truyền văn hóa đọc, nâng cao các kênh tiếp nhận vốn kiến thức và nâng cao nhu cầu đọc sách của người dân.
Ngược lại, công việc cho anh được tiếp xúc với những tác phẩm văn chương nhiều hơn. Đó là một điều kiện tuyệt vời đối với người viết văn. Người viết muốn tiến bộ, muốn tạo ra các tác phẩm khác với mình của ngày hôm qua, mới mẻ lên từng ngày thì phải đọc thật nhiều.
Đọc nhiều không phải là để sao chép mà đọc nhiều để gợi mở các ý tưởng, biết đánh giá, tiếp cận những cái hay của người khác và tránh những lối mòn hay những vấn đề tương tự mà người khác đã viết. Làm báo trong lĩnh vực xuất bản, Hồ Huy Sơn có lợi thế hơn cả là được tiếp xúc với những cuốn sách “mới cóng” tại Việt Nam, thậm chí trước khi nó lên kệ để phục vụ bạn đọc.
“Đọc sách bao nhiêu cũng chưa thấy đủ. Thậm chí, càng đọc càng… sợ. Bởi những tác phẩm văn học đồ sộ của thế giới suốt những năm qua và cả những phong cách mới mẻ, hiện đại của những nhà văn trên thế giới hiện nay. Vì thế, đọc để trau dồi mỗi ngày là điều bắt buộc nếu mỗi người viết muốn tồn tại. Ngoài ra, với tôi, đọc còn là cách để duy trì cảm xúc, đam mê, được sống trong bầu không khí của văn chương. Đó cũng là cách giúp tôi giữ nhiệt và cảm hứng cho văn chương”, Hồ Huy Sơn tâm sự.
Tác phẩm của Hồ Huy Sơn |
Với anh, điều này không phải chỉ đúng với người viết văn mà cả người viết báo. Ban đầu, khi viết báo, Hồ Huy Sơn cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Đó là tư duy, hành văn của bài báo khác với cách viết văn. Đó là sự “tràng giang đại hải”, đôi khi thiếu tiết chế nhưng rồi bằng sự chăm chỉ học hỏi, đọc nhiều bài báo, tập luyện qua nhiều năm, hai “nhà” văn và báo đã dung hòa trong anh để khi cần thì “đổi vai” rất dễ.
Về việc viết báo có ảnh hưởng đến viết văn hay không, theo Hồ Huy Sơn cũng có những thuận lợi và khó khăn riêng. Chẳng hạn, tư duy của người làm báo sẽ giúp nhà văn triển khai vấn đề một cách mạch lạc hơn, sắc nét hơn, biết bạn đọc sẽ cần gì để nhấn mạnh vào thay vì chỉ viết cho riêng mình. Ngược lại, cũng sẽ có lúc văn chương bị ảnh hưởng bởi báo chí nhưng quan trọng nhất với người viết là kinh nghiệm. “Cứ viết nhiều rồi chúng ta sẽ tự biết đưa mình vào vị trí nào khi cần”, Hồ Huy Sơn chia sẻ.
Nhà văn Nguyễn Văn Học (báo Nhân Dân): Hai việc song hành, bổ trợ nhau
Nguyễn Văn Học là tác giả của 11 tập sách và gần 30 giải thưởng các cuộc thi văn chương và báo chí. Có thể kể đến như: Giải Nhì cuộc thi truyện ngắn Đà Nẵng, giải Nhì cuộc thi truyện ngắn xứ Thanh, giải C viết về Hình tượng người chiến sĩ cảnh vệ Công an Nhân dân, giải Nhì phóng sự tạp chí Truyền hình Việt Nam, giải C Hội báo xuân toàn quốc 2019, giải Nhì phóng sự báo Kinh tế & Đô thị, giải Báo chí ASEAN...
Nhà văn Nguyễn Văn Học |
Nhà văn viết báo với anh đó là hai việc luôn song hành, bổ trợ nhau, văn chương phục vụ báo chí và ngược lại. Nguyễn Văn Học cho biết: “Đó cũng có thể nói là một lợi thế trong bối cảnh hiện nay, khi có chất văn trong ngòi bút, tôi sẽ triển khai bài linh hoạt hơn, dẫn dắt vấn đề mềm mại hơn. Ngược lại, báo chí giúp tôi có những chuyến đi để nắm bắt về đời sống, có cái nhìn rộng hơn và sâu hơn về cuộc sống. Từ đó tôi có thể viết ra những tác phẩm giàu chất chiêm nghiệm, chất đời”.
Nguyễn Văn Học thuộc dạng nhà báo chịu đi bởi cứ ngồi lại là anh thấy mình chậm tiến, bị bỏ lại phía sau. Cả văn chương và báo chí đều soi vào nhau và anh soi vào văn chương, báo chí để biết mình đang ở đâu, để tiếp tục làm việc, phấn đấu trong niềm đam mê của mình.
Nhiều nhà báo lão thành, nhà văn hóa cho rằng, cùng với đạo đức, sự dấn thân cho nghề, ứng xử tốt với những tình huống xấu chính là những phẩm chất cần có của người làm báo. Khi biết thấu hiểu, chia sẻ, thì những đôi chân của nhà báo sẽ rút ra khỏi chiếc gầm bàn yên ấm và đôi giầy lười nhác để lên đường bằng đôi chân không biết mỏi. Không cần phải đao to búa lớn, rằng phải cống hiến thế này, thế kia, mà người làm báo chỉ cần có tâm, như vậy là đã làm đẹp nghề báo lắm lắm.
Chia sẻ về nghề, Nguyễn Văn Học rất tâm huyết: “Có hai kiểu viết báo thông thường, một là phải thâm nhập thực tế, thứ hai là bằng sự quan sát, tích lũy vốn sống, người viết vẫn có những bài khái quát, chất lượng. Vậy nên, xin mạo muội nói thêm rằng, không phải tất cả những bài viết từ thực tế đều hay nhưng chắc chắn tất cả bài hay đều phản ánh một sự việc rất thực tế.
Tôi viết bằng cảm xúc dạt dào từ thực tế, bởi không có thực tế tôi không thể viết hay. Thực tế dội vào lòng tôi rất nét chân thực, những gương mặt cuộc sống, gương mặt cuộc đời, qua đó cho tôi có thể chắt lọc những điều mắt thấy tai nghe để có thể viết được nhiều hơn, hay hơn”.
Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Văn Học |
Sự vận động, guồng quay nhanh đến chóng mặt của xã hội, cùng với cả biển người mưu sinh bắt buộc người làm báo phải thích ứng và không ngừng quan sát, không ngừng học hỏi. Nhất là trong kỷ nguyên số, người làm báo nói chung, những nhà văn làm báo nói riêng cũng phải không ngừng cập nhật vốn sống, vốn hiểu biết về công nghệ để có thể bắt tay làm báo dưới nhiều hình thức, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số ở mỗi cơ quan, là làm báo đa phương tiện, đưa nhiều món ăn ngon và mới lạ đến bạn đọc.
Nguyễn Văn Học cũng vậy và anh tin rằng, dù thể hiện dưới hình thức nào, con người sáng tạo vẫn sẽ phát huy được những ý tưởng trong đầu mình và tiếp tục ghi đậm dấu ấn trong lòng độc giả.