Nguời trẻ "ngại" sinh con
Nhiều người trẻ thích đi du lịch trái mùa Giới trẻ mê mẩn check-in với hoa ban, phong linh giữa lòng Thủ đô Chiến sỹ trẻ với 39 lần hiến máu tình nguyện |
Ảnh hưởng từ môi trường sống
Ở Việt Nam, xu hướng không muốn sinh con có vẻ còn khá mới mẻ. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người trẻ chưa kết hôn ở độ tuổi 20 cho biết không muốn sinh con sau khi kết hôn. Tỷ lệ này ngày càng tăng mạnh hơn cùng sự phát triển của thế hệ gen Z.
Minh Trang (26 tuổi, sống tại quận Hà Đông, Hà Nội) thổ lộ rằng bản thân cô không muốn có con. Là một cô gái sinh ra tại thành phố, Trang lớn lên trong một gia đình cơ bản, công việc tốt, độc lập tài chính. Cô gái trẻ dù có rất nhiều người theo đuổi nhưng không hề có ý định tiến tới hôn nhân và đặc biệt là có con.
"Điều kiện tốt không phải là lý do để quyết định có con hay không mà mình nghĩ, có con là mong muốn hay lựa chọn của bản thân chứ không phải là kết quả tạo ra do sự thúc đẩy của những yếu tố bên ngoài.
Hiện tại, mình vẫn lo cho bố mẹ đầy đủ, vẫn sống rất vui vẻ cùng người yêu, mình cũng không thắc mắc hay buộc ai đó ngoài kia sinh con hoặc dừng sinh con, vậy tại sao họ lại áp đặt mong muốn có con của họ lên mình? Thật vô lý!", cô gái 26 tuổi bày tỏ.
Minh Trang không muốn sinh con chỉ đơn giản vì muốn tận hưởng trọn vẹn đời sống độc thân |
Minh Trang cũng cho biết rằng cô không muốn sinh con không vì lý do gì cả, đơn giản cô chỉ muốn tận hưởng trọn vẹn đời sống độc thân. Song, không ít người trẻ quyết định sẽ không có con vì những vấn đề khác trong góc khuất cuộc sống của riêng mình.
Hà Thu (28 tuổi, nhân viên ngân hàng) lớn lên trong gia đình có bố mẹ ly hôn khi cô mới 2 tuổi. Khi ấy, cô gái trẻ còn quá nhỏ để có thể nhớ về cuộc chia ly xảy ra như thế nào. Nhưng từ khi có nhận thức, điều còn đọng lại trong tâm trí là bố của cô thường đưa cô đến nhà mẹ mỗi cuối tuần, sau đó cố gắng lái xe đi nhanh nhất có thể.
Ở tuổi 28, Hà Thu luôn nghĩ rằng hôn nhân rất vô nghĩa. Ý tưởng này bắt đầu "đóng đinh" trong đầu cô bạn từ 1 lời nói đùa của mẹ khi Hà Thu 11 tuổi: "Đừng bận tâm đến việc kết hôn kể cả khi đã trưởng thành, nó không đáng với những phiền phức phải nhận lại". Vì vậy, mỗi khi bạn bè nói về đám cưới hoặc người chồng tương lai của họ, Hà Thu luôn nghĩ rằng điều đó thật vô nghĩa.
"Ly hôn đã gây ra rất nhiều rắc rối trong gia đình mình. Bố mẹ mình luôn cãi cọ mỗi khi gặp nhau, đến 1 lúc họ quyết định không còn nói chuyện nhau và nó đã kéo dài rất nhiều năm. Đối với mình, hôn nhân là sự chia ly và đau đớn. Mình không có lý do gì để nhảy vào hố lửa đó. Mình cũng không chắc liệu kết hôn và có con thì con mình có phải trải qua một tuổi thơ như bản thân từng có?", Hà Thu chia sẻ.
Khánh Linh (26 tuổi, kinh doanh tự do) - một người cũng không có mong muốn sinh con chia sẻ rằng cô luôn nhìn thấy mặt khác của tình mẫu tử. Mẹ Linh đã trải qua giai đoạn đoạn trầm cảm sau sinh khi sinh cô. Mẹ của cô cũng là người hay lo lắng và luôn nói với cô suy nghĩ của bà. Bà thường nói: “Mẹ sẽ rất lo lắng nếu con quyết định sinh con vì nó không hề dễ dàng”. Chính điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến Khánh Linh.
Khánh Linh không muốn sinh con vì ám ảnh hậu sinh con của nhiều người |
Mọi người xung quanh luôn nói về việc sinh con là điều tuyệt vời như thế nào nhưng điều mà Khánh Linh Linh cho rằng cô thấy được là những người bố, người mẹ thậm chí không có thời gian để chải tóc hay đánh răng.
"Mình sẽ không thể làm điều bản thân muốn, cũng không thể có tình yêu thương hay dành tình yêu cho người khác như trước khi con cái đang lấy đi toàn bộ năng lượng từ cuộc sống. Mình thấy rất nhiều người xung quanh quyết định chia tay vì họ phải vật lộn xoay sở với việc chăm sóc em bé, công việc và tất cả những khó khăn trong tài chính", Khánh Linh chia sẻ.
Lo sợ những áp lực
Nhiều gia đình sau khi ly hôn, hay bố mẹ quá bận rộn, việc chăm sóc cho những người em sẽ mặc nhiên là trách nhiệm của anh chị cả. Họ thường cảm thấy nặng nề bởi những "nhiệm vụ" không thuộc về bản thân mình. Từ đó, dẫn đến câu chuyện khi lớn, những người đó thường từ chối quyền làm bố mẹ, bởi vì họ nhớ lại những cảm giác nặng nề khi còn bé.
Hương Trà (26 tuổi, nhân viên hành chính) là một người có câu chuyện như thế. Trong thời điểm khó khăn của gia đình, Trà - người chị cả trong gia đình đã làm tất cả công việc như một… bảo mẫu. Cô phải chăm em từ lúc mở mắt thức dậy cho đến khi cơ thể rã rời lúc leo lên giường ngủ. Trang bị mắc kẹt trong cuộc sống không có tham vọng, không có thời gian cho những hoạt động yêu thích của bản thân từ khi còn niên thiếu.
"Mình đã trở thành mẹ của hai đứa con không phải của mình. Mặc dù mình không phải đối phó với gánh nặng tài chính, nhưng mình vẫn phải gánh chịu những tổn thất về thể chất, tình cảm và tinh thần. Mình trở nên dễ dàng tức giận, khó chịu và khắc nghiệt kể cả trong những chuyện nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống thường ngày", cô gái trẻ bộc bạch.
Còn Minh Ánh (họa sĩ tự do) chia sẻ rằng khi "đồng hồ sinh học" trong việc có con không bao giờ chạy, tức là đồng hồ làm việc đã được kéo dài.
Minh Ánh không sẵn sàng dành thời gian của bản thân cho việc khác |
"Với một người cầng tâm lý thoải mái và không gian riêng để sáng tác, mình thường lo lắng rằng bản thân có thể sẽ bực bội khi phải từ bỏ thời gian rảnh rỗi ít ỏi của mình để chăm sóc 1 đứa trẻ. Khi vẫn còn suy nghĩ đó, mình nhận ra bản thân mình chưa sẵn sàng để có con. Chỉ đơn giản rằng nó không phù hợp với cuộc sống mà mình đang theo đuổi", nữ họa sĩ 28 tuổi chia sẻ.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Trần An Tâm cho rằng khi lựa chọn có con hay không, điều quan trọng cần biết là mong muốn và quyết định của mình là gì.
“Lựa chọn của mọi người không phải lúc nào cũng giống nhau và mục tiêu cũng vậy. Cách hiệu quả nhất để đưa ra quyết định là tạm thời gạt áp lực phải lựa chọn, những lo sợ sang 1 bên và chỉ tập trung vào mong muốn của bản thân, xem đâu là điều phù hợp với mình.
Làm cha mẹ không phải là một điều hiển nhiên cũng không phải là một cuộc tranh luận. Không có sự lựa chọn đúng đắn duy nhất. Chỉ bạn mới có thể biết điều gì phù hợp với mình vì bạn chính là người dẫn dắt cuộc đời mình chứ không phải bất kỳ ai.
Chìa khóa để làm cha mẹ là không đánh mất chính mình. Bởi vì bất chấp mọi thay đổi, vẫn luôn tồn tại 1 thực tế là bạn luôn có thể tận hưởng những điều bạn yêu thích trước khi có con bằng cách tìm được điểm cân bằng giữa con cái và cuộc sống”, chuyên gia tâm lý chia sẻ.