Người trẻ “mắc kẹt” với “văn hóa hối hả”
Tranh cãi về văn hóa “nằm yên” của giới trẻ Trung Quốc Để vỉa hè trở thành không gian văn hoá của người Hà Nội... Nhà báo và trách nhiệm phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam |
Văn hóa hối hả là gì?
Văn hóa hối hả – Hustle Culture là cụm từ được dùng để chỉ thói quen, phong cách làm việc nhiều nhất có thể. Bắt đầu từ những mục tiêu hết mình khi còn trẻ, hết sức để khi về già không phải hối hận, văn hóa này được đón nhận một cách vô cùng tích cực.
Tuy nhiên, sự hiểu sai, lạm dụng cũng như chạy theo phong trào một cách vô tội vạ đã khiến cho Hustle Culture trở nên độc hại. Các chuyên gia đến từ tổ chức y tế thế giới (WHO) cho rằng sự gia tăng của xu hướng làm việc quá sức cũng có thể là hậu quả của sự gia tăng của nền kinh tế và làm việc từ xa, khiến cho ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân bị xóa nhòa.
Điều tệ hơn là lối sống này đã làm thay đổi quan điểm về việc làm ngoài giờ. “Văn hóa hối hả” mang niềm tin rằng "càng bận thì càng tốt", việc thường xuyên bận rộn sẽ dẫn tới tiền bạc, địa vị, hạnh phúc và lòng tự trọng cao.
"Văn hóa hối hả" đang vắt kiệt sức của không ít người trẻ |
Áp lực từ việc phải làm thêm lớn tới nỗi nhiều người sẵn sàng làm thêm giờ so với quy định chỉ để trở thành một nhân viên "lý tưởng". Khi lối sống hối hả tôn vinh việc làm việc quá sức, nó thường dẫn tới môi trường đầy sợ hãi, tội lỗi và xấu hổ khi bạn không thể theo kịp những người khác.
Mạng xã hội càng khiến cho văn hóa hối hả phổ biến hơn khi nó khiến ta so sánh cuộc sống của mình với cuộc sống "hoàn hảo" của người khác. Một trong những cái giá phải trả từ văn hóa hối hả chính là sự kiệt sức đi cùng với nó.
Dấu hiệu của việc kiệt sức do văn hóa này đến từ việc tốn nhiều thời gian hơn để hoàn thành công việc, trì hoãn hoặc lảng tránh công việc, mắc nhiều sai lầm hơn bình thường, mất cảm hứng làm việc, cảm thấy lo lắng hoặc trầm cảm, gặp khó khăn trong việc lắng nghe và chăm sóc người khác.
Cẩn trọng trước “văn hóa” này
Lối sống hối hả dễ khiến một người rơi vào môi trường làm việc độc hại bởi nó không đề cao sức khỏe tinh thần. Minh Anh (26 tuổi) đã trực tiếp trải nghiệm cảm giác này khi làm trưởng nhóm sales tại một công ty. Đối với cô, môi trường làm việc vốn đã khó khăn và vất vả vì những KPI, nay lại còn có thêm những áp lực đi kèm khác.
"Mình đã từng ở một công ty mà đồng nghiệp mình sẽ làm thêm giờ không lương vào buổi tối và cuối tuần. Bên cạnh đó, đa số những đồng nghiệp khác cũng rất mệt mỏi, luôn luôn tìm kiếm sự công nhận từ người quản lý mà hầu như không để ý tới họ”, Minh Anh nói.
Minh Anh mệt mỏi và uể oải khi chạy theo "văn hóa hối hả" |
Minh Anh nhớ lại rằng từng cảm thấy xấu hổ ở nơi làm việc cũ nhưng vẫn tiếp tục làm, kể cả khi quản lý không có hành động xử lý nào đối với người gây áp lực. Sức khỏe của cô bắt đầu có nhiều dấu hiệu giảm sút như đau đầu hay lo lắng bị quấy rối tại nơi làm việc.
Ban đầu, Minh Anh không muốn nghỉ việc vì điều đó có nghĩa là kẻ bắt nạt chiến thắng. Thế nhưng, một người bạn Minh Anh thuyết phục cô rằng sức khỏe tinh thần là quan trọng nhất, cô quyết định tìm kiếm và chuyển sang một công việc mới ngay khi có cơ hội.
"Có nhiều người thông minh đã từng mắc kẹt ở những công việc tệ hại do áp lực của “văn hóa hối hả”. Điều đó sẽ khiến chúng ta cảm thấy mất động lực làm việc và rơi vào trạng thái “zombie công sở”. Việc bảo vệ bản thân và biết rằng mình đã đạt được điều gì mới là điều thực sự quan trọng, giúp chúng ta cởi bỏ được “gánh nặng” của bản thân", Minh Anh chia sẻ thêm.
Quang Đăng (26 tuổi) là nhân viên trong ngành y tế, thi thoảng cũng nhận các công việc tự do khác. Anh bộc bạch: "Đa số những người tôi học cùng hồi trước bây giờ đều là bác sĩ. Họ đăng lên mạng xã hội về việc họ làm việc 18 tiếng liên tục hay chưa ngủ trong 48 tiếng vừa qua. Chỉ nhìn những bài viết đó khiến mình cảm thấy mình làm chưa đủ, phải làm thêm thật nhiều thứ".
Quang Đăng cho rằng mọi người đang tôn vinh sự kiệt sức bằng việc cho rằng văn hóa làm việc này là tích cực. Bố mẹ và họ hàng của anh cũng luôn kỳ vọng anh sẽ làm việc nhiều như bạn bè, dẫn tới những ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của Đăng, khiến chàng trai trẻ cảm thấy xấu hổ và thấp kém, như thể thật sai trái khi có thời gian rảnh.
Người trẻ cần cẩn trọng với lối sống này nếu không muốn mất đi sự cân bằng trong cuộc sống |
Dịch bệnh khiến mọi người nhận ra tầm quan trọng của các mối quan hệ thực sự. Họ tìm về với gia đình và bạn bè, tạm thời tránh xa công việc và suy ngẫm về cuộc đời của mình. Hiện tại, đối với chàng trai trẻ, duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống mới là điều quan trọng nhất.
Hãy “giải thoát” bản thân khỏi lối sống hối hả bằng việc kiểm soát mức độ năng lượng của bản thân, lên kế hoạch nghỉ ngơi và giải trí, nhìn nhận những công việc bạn thích và ảnh hưởng tới cuộc đời bạn, đặt ra giới hạn rõ ràng giữa cuộc sống - công việc và đưa ra định nghĩa "thành công" đối với bản thân.