Người trẻ chi thêm tiền để tránh nắng nóng
Ấn tượng chương trình “Tự hào Việt Nam: Khát vọng tuổi trẻ" Bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng xã hội |
Mùa hè “tốn kém”
Công việc yêu cầu thường xuyên phải gặp khách hàng và ra đường trong ngày nắng nóng khiến Thu Huyền (26 tuổi, sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) "cắn răng" chi thêm tiền để đổi lấy sự thoải mái, trong đó đắt đỏ nhất là di chuyển bằng taxi. Công ty của Huyền có chính sách hỗ trợ chi phí di chuyển bằng taxi dành cho nhân viên tuy nhiên cô hiếm khi sử dụng hết khoản trợ cấp này.
Dù vậy, tình hình thay đổi từ khi TP Hà Nội bước vào mùa nắng nóng. Chưa hết một tháng, nữ nhân viên marketing đã tiêu quá hạn mức hỗ trợ. Ngại trình bày với phòng nhân sự, cô gái trẻ dành tiền riêng để chi trả cho các chuyến đi gặp mặt khách hàng, đối tác.
Thu Huyền cho biết thời tiết nắng nóng, oi bức trong mùa hè là nguyên nhân chính khiến chi phí sinh hoạt của cô tăng lên đáng kể. Trong đó, số tiền cho việc đi lại bằng taxi, xe hơi công nghệ chiếm phần lớn khoản đội lên.
Thời tiết nắng nóng khiến nhiều người trẻ phải chi tiêu nhiều hơn |
"Mình thường xuyên di chuyển trong ngày để gặp gỡ khách hàng. Cái nắng gay gắt khiến việc đi lại thật sự vất vả. Mình cũng không thể tới gặp đối tác với cái lưng ướt đẫm mồ hôi, mái tóc bết và gương mặt đỏ bừng vì nắng nóng được", Thu Huyền nói.
11h30 trưa, Hương Linh (27 tuổi, nhân viên ngân hàng) lau mồ hôi, bước ra khỏi văn phòng để chuẩn bị đi ăn cùng đối tác. Nhìn con số 40 độ C hiển thị trên màn hình điện thoại, cô quyết định đặt xe hơi công nghệ dù trước đó dự định gọi xe ôm. Công việc yêu cầu Hương Linh thường xuyên phải gặp đối tác và khách hàng. Cảnh ùn tắc, nóng bức, không khí ngột ngạt, nhiều khói bụi khiến cô gái trẻ đành chi thêm tiền nhằm đổi lấy sự thoải mái.
“Nếu dùng váy áo chống nắng, mình cảm thấy khó thở, mồ hôi nhễ nhại, tóc rối bời. Mình ngại gặp khách hàng với hình ảnh thiếu chỉn chu”, Hương Linh nói.
Chỉ sau một tuần nắng nóng gay gắt, Hương Linh nhận thấy mục “Chi phí đi lại” trong ứng dụng quản lý tài chính cá nhân tăng hơn 1 triệu đồng.
“Tưởng số tiền chỉ lắt nhắt, nhưng đến khi cộng lại mới thấy rất tốn kém. Đặt xe vào giờ cao điểm vốn đắt hơn đáng kể so với khung giờ thông thường. Mà mình lại thường xuyên phải ra ngoài vào khung giờ đó”, cô gái trẻ bày tỏ.
Ngoài ra, việc ra, vào liên tục các tòa nhà bật điều hòa khiến cô vài lần sốc nhiệt. Bên ngoài nắng nóng khiến nhiệt độ chênh lệch lớn. Thậm chí, việc đang ngồi trong taxi rồi bước ra ngoài cũng khiến cô vài lần gặp nóng đột ngột.
Chi phí đi lại khi đặt ô tô để ngồi điều hòa khiến không ít người trẻ cảm thấy choáng váng |
Với Linh Chi (24 tuổi, sống tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), cô gái trẻ thừa nhận mùa hè là thời điểm mịnh chi tiêu nhiều nhất. Ngoài chi phí sinh hoạt tăng cao vì sử dụng máy lạnh liên tục, làm việc ở quán cà phê và di chuyển bằng taxi, cô còn tốn kém đặt đồ ăn trưa về văn phòng.
Trước đây, nhân viên này thường xuyên đi bộ đến các quán ăn cách công ty tầm 500 m và có rất nhiều sự lựa chọn quanh khu vực này. Song, kể từ khi nắng nóng thường xuyên, đặc biệt là vào thời điểm nghỉ trưa, cô cùng nhiều đồng nghiệp đặt đồ ăn bên ngoài để tránh phải di chuyển.
"Các quán ăn quanh công ty mình đều đông đúc từ khoảng 12-14h mỗi ngày. Trước đây, chúng mình còn ngồi chờ đợi, xếp hàng được nhưng giờ thì nóng không chịu nổi", Chi nói.
Ở văn phòng đợi đồ ăn trưa đến cũng không phải viễn cảnh lý tưởng trong mắt Linh Chi. Do giờ ăn trưa là giờ cao điểm, cước phí tăng cao, ngoài ra cô cùng nhiều đồng nghiệp phải chờ đợi 1-1,5 giờ đồng hồ món ăn mới được giao đến nơi trong khi thời gian nghỉ rất hạn chế. "Nói chung là bất tiện và tốn kém hơn rất nhiều khi thời tiết như vậy", Linh Chi bày tỏ.
Bài toán cân đối
Khoảng một tháng qua, Hà Anh (25 tuổi, sống tại quận Long Biên, Hà Nội) cộng thêm 50.000 – 70.000 đồng/ngày vào tiền “văn phòng phí”. Đều đặn mỗi ngày, cô gái trẻ sẽ mua thêm các loại nước giải nhiệt, hoặc nán lại ở quán cà phê máy lạnh để làm việc, chờ qua cơn nắng rồi về. Thông thường, cô không có thói quen như vậy.
Yến Nhi thừa nhận mình không phải người giỏi quản lý tài chính. Mỗi tháng, cô gửi tiết kiệm 5 triệu đồng. Số tiền còn lại, cô tính toán để đủ chi tiêu đến kỳ lương kế tiếp. Thông thường, nhân viên này ít khi phải “thắt lưng buộc bụng” cho các chi phí sinh hoạt cá nhân. Tuy nhiên, khi thời tiết vào giai đoạn cao điểm oi nóng, cô thấy rõ quỹ tiền của mình eo hẹp hơn. Hóa đơn tiền điện “ngốn” ngân sách đáng kể. Ngoài ra, tiền cho cho việc đi lại, ăn uống bên ngoài cũng tăng chóng mặt.
“Đó đều là những hạng mục khó có thể cắt giảm, mình không biết phải tiết kiệm thế nào”, Hà Anh nói.
Nhận thấy tình trạng “vung tay quá trán” trong việc đi lại khiến chi phí sinh hoạt gia tăng là lý do khiến Diễm Ly (26 tuổi, sống tại quận Hà Đông, Hà Nội) quyết định rủ đồng nghiệp ghép chuyến xe đi làm vì có nhiều người ở gần với cô. Khéo xếp lịch và lộ trình, cô chia sẻ chi phí đi lại với 3 người nữa sống gần để tiện đón - trả.
Chi tiền ngồi tại quán cà phê làm việc là một cách nhiều người trẻ lựa chọn để chống nắng |
“Mình cũng sẽ cố gắng hẹn gặp khách hàng tại tòa nhà văn phòng của mình, tránh những khung giờ cao điểm như giữa trưa, chiều tối. Việc này giúp đỡ tốn kém hơn một chút và không phải khách hàng nào cũng đồng ý”, Diễm Ly chia sẻ thêm.
Tương tự nhiều nhân viên văn phòng khác, Bích Hồng (25 tuổi) cũng tìm các giải pháp nhằm tiết kiệm tối đa "văn phòng phí" mùa hè. Việc bất tiện khi mua đồ ăn bên ngoài đã khiến cô gái trẻ đặt mục tiêu nấu đồ ăn trưa tại nhà ít nhất 3 bữa mỗi tuần.
"Một lần nấu, mình có thể ăn 2-3 bữa, tốn khoảng 100.000 đồng. Trong khi đó, một lần đặt ship về công ty đã mất khoảng 65.000 - 100.000 cả phí ship", cô nhẩm tính.
Ngoài ra, để tiết kiệm tối đa ngân sách, cô thường tận dụng mọi mã giảm giá có trên các ứng dụng đặt hàng, các chương trình ưu đãi cho khách hàng sử dụng thẻ, ví điện tử. Bích Hồng cũng ít khi nào chọn đặt món một mình, thay vào đó cô nhắn vào nhóm chat của công ty, gom 5-6 người cùng đặt món ăn để giảm tiền ship.
"Gom đơn 5-6 người tính ra tiền ship chỉ khoảng vài ngàn đồng mỗi người, thậm chí còn miễn phí ship. Đơn chừng đó người cũng vừa đủ, tránh sai sót", Bích Hồng chia sẻ kinh nghiệm.