Người phụ nữ bị teo cơ và hành trình 100% nghị lực sống
“Những đoá hoa khuyết” vươn mình nở rộ 38 thanh niên khuyết tật cùng “Hành trình toả sáng ước mơ” Nghị lực trên xe lăn và khát khao mang tri thức đến trẻ em |
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại Hà Nam, cuộc sống của chị Nguyễn Thị Xuân không mấy êm đềm. Biến cố đầu tiên đến khi cha của chị mắc chứng bệnh teo cơ, khiến ông không thể đi lại và làm việc.
Điều khiến gia đình thêm phần đau đớn là khi chị Xuân, lúc ấy chỉ mới 12 tuổi, cùng em trai mình cũng được chẩn đoán mắc căn bệnh tương tự.
Chị Nguyễn Thị Xuân thiết kế poster "Trạm yêu thương" |
Với một gia đình nghèo khó, sống ở nông thôn, việc chữa trị cho ba người trong nhà trở thành gánh nặng không tưởng đối với mẹ của chị Xuân. Vừa phải chăm sóc gia đình, vừa phải bươn chải kiếm sống, người mẹ đã phải hy sinh rất nhiều. Dù vậy, Nguyễn Thị Xuân vẫn không bao giờ để hoàn cảnh làm lu mờ đi ý chí của mình.
Từ một cô bé khỏe mạnh, việc đối mặt với căn bệnh teo cơ đã buộc chị phải thay đổi cách nhìn nhận cuộc sống. Chị Xuân chia sẻ: "Lúc đầu, tôi thực sự sốc và cảm thấy mình như bị bỏ lại phía sau nhưng rồi, tôi nhận ra rằng thay vì ngồi đó buồn bã, mình phải đứng lên, tìm cách vượt qua để không trở thành gánh nặng cho gia đình."
Từ những ngày đầu phát hiện bệnh, Nguyễn Thị Xuân đã không ngừng nỗ lực học hỏi để tìm ra hướng đi cho bản thân. Ban đầu, chị học nghề may và mây tre đan để phụ giúp gia đình nhưng công việc đòi hỏi sức lực khiến chị không thể duy trì lâu dài. Không bỏ cuộc, chị Xuân quyết định thử sức với công nghệ thông tin và học chỉnh sửa ảnh.
Chị Xuân trải lòng tại chương trình "Trạm yêu thương" |
Khi bắt đầu làm quen với máy tính, chị Xuân nhận ra mình có thể dùng trí óc thay vì cơ thể để tạo ra giá trị trong cuộc sống. Nhờ kiên trì học tập, chị Xuân đã trở thành một chuyên gia chỉnh sửa ảnh và thiết kế quảng cáo. Các sản phẩm của chị không chỉ giúp tạo thu nhập cho gia đình mà còn hỗ trợ em trai - người cũng đang chiến đấu với căn bệnh.
Ngoài công việc cá nhân, chị Xuân còn dành nhiều thời gian cho các hoạt động xã hội. Là thành viên năng động của Câu lạc bộ Khuyết tật tỉnh Hà Nam, chị không chỉ tham gia mà còn tổ chức các hoạt động giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Qua đó, chị đã truyền cảm hứng và mang lại hy vọng cho nhiều người.
Chương trình "Trạm yêu thương" không chỉ là nơi để chia sẻ câu chuyện của chị Nguyễn Thị Xuân, mà còn là cầu nối giúp khán giả hiểu thêm về ý chí phi thường của nhân vật khách mời.
Trong chương trình, khán giả đã được chứng kiến hình ảnh chị Xuân đầy nhiệt huyết khi thuyết trình về sản phẩm do mình thiết kế. Đó là một bức poster mang thông điệp yêu thương, với hình ảnh và màu sắc được chị Xuân sắp xếp tỉ mỉ.
“Sức khỏe có 100% thì mình dốc 100%, mình còn 30% thì mình dốc 30% làm hết khả năng mình có” - chị Xuân chia sẻ trong phần giao lưu - “Không có giới hạn nào là không thể vượt qua, miễn là chúng ta không từ bỏ”.
Gia đình chị Nguyễn Thị Xuân |
Một phần không thể thiếu trong hành trình của chị Xuân chính là gia đình. Dù cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn, mẹ luôn là chỗ dựa vững chắc, người truyền cho chị lòng can đảm để bước tiếp. Với người em trai, anh Nguyễn Như Thủy đã học hỏi được rất nhiều từ người chị gái kiên cường, chị Xuân là động lực để anh cố gắng hơn mỗi ngày.
Những khoảnh khắc cảm động trong chương trình vừa là lời tri ân mà vừa là sự khích lệ lớn lao dành cho chị Xuân, để chị tiếp tục hành trình đầy ý nghĩa của mình. Dù sức khỏe ngày càng yếu đi, chị Xuân vẫn giữ một tinh thần lạc quan. Với chị, cuộc sống là một hành trình mà mỗi bước đi đều cần sự nỗ lực và niềm tin mãnh liệt.
"Hành trình 100%" không chỉ là câu chuyện về nghị lực cá nhân, mà còn là thông điệp mạnh mẽ về sự kiên cường và ý chí vượt khó. Qua những chia sẻ trong chương trình, chị Nguyễn Thị Xuân đã truyền cảm hứng đến khán giả, khẳng định rằng mọi khó khăn đều có thể vượt qua khi chúng ta dành trọn 100% sức lực và niềm tin của mình.
Chương trình "Trạm yêu thương" với chủ đề “Hành trình 100%” được phát sóng lúc 10h thứ Bảy ngày 11/1/2025 trên kênh VTV1.