Vỉa hè Hà Nội: Sáng làm “đường đua”, tối hóa “phố ẩm thực”
Tăng cường xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường Vỉa hè bỗng hoá thành “chợ ẩm thực” Vỉa hè “nghẹt thở”, người dân than trời |
Các phương tiện vẫn bất chấp lao lên vỉa hè mặc cho mức phạt tăng gấp 10 lần |
Vỉa hè của những “tay đua” không chuyên
Sau hơn một tuần kể từ khi Nghị định 168 có hiệu lực, với mức phạt cho hành vi điều khiển xe máy đi trên vỉa hè tăng gấp 10 lần, nhiều người vẫn bất chấp vi phạm vì cho rằng mức phạt này chưa đủ sức răn đe. Thực tế, tình trạng xe máy leo lên vỉa hè vẫn diễn ra phổ biến trên nhiều tuyến phố tại Hà Nội, gây nguy hiểm cho người đi bộ và làm hư hỏng cơ sở hạ tầng giao thông.
Người thì muốn đi đúng luật, người thì lao lên vỉa hè tạo nên cảnh hỗn loạn tại ngã ba Xuân Thủy qua phố Trần Quốc Vượng |
Những ai thường đi qua các tuyến đường như Hồ Tùng Mậu, Hoàng Quốc Việt hay Xuân Thủy hẳn không khỏi bất ngờ trước cảnh tượng xe máy lao lên vỉa hè, vọt qua những lối đi vốn dĩ dành cho người đi bộ. Vỉa hè, một không gian công cộng được quy định dành riêng cho người đi bộ, dường như đã bị "biến tướng" thành một "đường đua" tạm thời cho những tay lái thiếu kiên nhẫn, sẵn sàng bất chấp các quy định giao thông để tìm kiếm một con đường tắt.
Tại đường Nguyễn Phong Sắc, tình trạng xe máy di chuyển trên vỉa hè vẫn diễn ra phổ biến |
Ghi nhận tại đường Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy) trong khung giờ cao điểm từ 7 đến 8 giờ sáng, tình trạng xe máy leo lên vỉa hè vẫn xảy ra phổ biến. Ông Nguyễn Đình Tiến, một người dân sống tại khu vực này, chia sẻ: “Hễ đi bộ lên vỉa hè là phải dành nhau từng bước đi với xe máy. Nhiều lần tôi đã suýt bị xe máy va phải, cảm giác lo lắng, bất an luôn thường trực.”
Cùng bức xúc về tình trạng trên, bà Trần Thị Lan, chủ một cửa hàng gần khu vực, bày tỏ: “Tình trạng này vẫn diễn ra hàng ngày, đặc biệt là vào buổi sáng các phương tiện lao vù vù lên vỉa hè, khói bụi mù mịt chưa kể phần gạch trước cửa hàng tôi đã bị biến dạng. Nếu không có biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn từ cơ quan chức năng, tôi e rằng tình trạng này sẽ không bao giờ được cải thiện.”
Ngay tại ngã tư Xuân Thủy (Cầu Giấy), chỉ cần thiếu sự giám sát của lực lượng chức năng là các phương tiện liền lao ngay lên vỉa hè khiến nhiều người đi bộ bức xúc |
Vốn là không gian được quy định riêng cho người đi bộ, vỉa hè giờ đây lại trở thành nơi người dân phải luồn lách, tránh né những chiếc xe máy chạy loạn xạ. Một số người thiếu ý thức phi xe máy từ lòng đường lên vỉa hè, bấm còi inh ỏi, tranh giành lối đi của người đi bộ. Tình trạng này không chỉ khiến việc đi lại của người dân trở nên khó khăn, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.
Nhiều phần gạch vỉa hè trên đường Nguyễn Phong Sắc đã bị biến dạng |
Dù biết mình vi phạm nhưng nhiều người tham gia giao thông vẫn bất chấp lao xe lên vỉa hè, bất kể mức phạt đã tăng gấp nhiều lần với lý do “sợ đi làm muộn”. Anh Nguyễn Thanh Tùng (Cầu Giấy) chia sẻ: “Tôi biết đi xe máy lên vỉa hè là sai luật, nhưng nếu không làm vậy thì tôi sẽ bị trễ giờ làm. Đối với tình trạng ùn tắc giao thông như vậy đôi khi tôi không còn lựa chọn nào khác”.
*box: Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ, từ 1/1/2025, người điều khiển xe máy đi trên vỉa hè (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua vỉa hè để vào nhà, cơ quan) sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng, tăng gấp 10 lần so với mức phạt trước đây chỉ từ 400.000 - 600.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị trừ 2 điểm trên giấy phép lái xe.
Đối với các trường hợp thiếu ý thức trong tham gia giao thông, cần có những biện pháp xử lý nghiêm khắc và kịp thời. Việc tăng mức phạt là cần thiết nhưng chưa đủ sức răn đe. Do đó, công tác tuyên truyền văn hóa giao thông cho người dân cần phải được đẩy mạnh hơn nữa.
Lối đi bộ hóa “phố ẩm thực” tự phát
Không còn là “đường đua” của những “tay đua không chuyên”, vỉa hè tại một số khu vực đã được hô biến thành “phố ẩm thực” dù không được cấp phép. Tình trạng lấn chiếm của các cửa hàng, quán ăn và các dịch vụ ăn uống khác khiến không gian dành cho người đi bộ ngày càng thu hẹp.
Nhiều cửa hàng chiếm dụng vỉa hè khiến lối đi dành cho người đi bộ chỉ còn chưa đến 1m |
Vào khoảng từ 8 đến 10 giờ tối, vỉa hè đường Nguyễn Phong Sắc đã được xếp các dãy bàn ghế được sắp xếp san sát nhau, cùng với các xe đẩy, bếp nấu và nguyên liệu thực phẩm bày biện lộn xộn, khiến lối đi vốn đã hẹp nay gần như biến mất hoàn toàn. Người đi bộ phải len lỏi qua các hàng quán, đôi khi phải bước xuống lòng đường để di chuyển. Tình trạng này không chỉ gây khó khăn cho người đi bộ mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Không gian chặt hẹp do các ô tô dừng đỗ, người đi bộ buộc phải luồn lách hoặc đi xuống lòng đường |
Việc lấn chiếm không gian công cộng không chỉ dừng lại ở việc bày bán đồ ăn mà còn mở rộng ra các hoạt động khác, nhiều đoạn vỉa hè sau giải phóng mặt bằng đã rất nhỏ hẹp, chỉ rộng chưa đến 1m, cũng bị tận dụng làm nơi đỗ xe máy, ô tô khiến người đi bộ chỉ còn cách di chuyển xuống lòng đường.
Ông Lê Minh Hoàng (54 tuổi) sinh sống gần khu vực đường Nguyễn Phong Sắc, chia sẻ: “Muốn có không gian đi bộ cũng không thể, vỉa hè gần như bị chiếm dụng cả ngày. Tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm có biện pháp mạnh mẽ để trả lại vỉa hè cho người đi bộ”.
Theo khoản 4 Điều 1 Nghị định 100/2013/NĐ-CP bổ sung Điều 25a Nghị định 11/2010/NĐ-CP đã quy định về việc có thể sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông, tuy nhiên không được gây mất trật tự, an toàn giao thông. Khoản 1, khoản 5 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về mức phạt hành chính đối với các hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường như sau: Đối với hành vi buôn bán lấn chiếm vỉa hè có thể phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức. Để trả lại đúng chức năng của vỉa hè, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ phía chính quyền và các cơ quan liên quan. Bên cạnh việc tăng cường giám sát và xử phạt, công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân cũng cần được chú trọng. Thủ đô Hà Nội cần một giải pháp đồng bộ, không chỉ để giảm thiểu tình trạng lộn xộn hiện tại mà còn để giữ gìn hình ảnh một thành phố văn minh và đáng sống. |