Người mù quận Thanh Xuân diễn kịch
Tặng quà người khiếm thị quận Thanh Xuân |
Ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân cho biết: “Sau sự thành công của các tiểu phẩm được cán bộ, hội viên trình diễn trong hội nghị truyền thông dân số và kế hoạch hoá gia đình, chúng tôi nhận thấy người khiếm thị Thanh Xuân có năng khiếu khá đặc biệt. Họ hoàn toàn có khả năng diễn kịch, cả về hài kịch và chính kịch. Việc thành lập Câu lạc bộ Kịch Thanh Xuân đánh dấu sự sáng tạo, đổi mới của các cán bộ, hội viên trong công tác hoạt động Hội”.
Câu lạc bộ Kịch Thanh Xuân |
Câu lạc bộ Kịch Thanh Xuân sinh hoạt theo chủ đề nhất định và bám sát với hoạt động của tổ chức Hội hàng tháng. Các thành viên trực tiếp xây dựng kịch bản, dàn dựng sân khấu phù hợp với người khiếm thị. Nội dung các tiểu phẩm xoay quanh công việc học tập, lao động và cuộc sống trong gia đình nhưng lời thoại sẽ được diễn viên phát triển mang tính hài hước, tích cực, vui vẻ.
Ông Trần Minh Quân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kịch Thanh Xuân, chia sẻ: “Đây là chất “gia vị” mới trong hoạt động của Hội Người mù quận Thanh Xuân, góp phần không nhỏ nâng cao đời sống tinh thần cho các cán bộ, hội viên. Đồng thời, các hội viên tham gia vào câu lạc bộ sẽ thêm tự tin, mạnh dạn hơn khi đứng trước đám đông”.
Cũng theo ông Trần Minh Quân, để khắc phục điểm hạn chế của người khiếm thị trong việc kiểm soát sân khấu thì khi xây dựng kịch bản, nghiêng về chất lượng lời thoại và sự diễn xuất hướng tới một cách tự nhiên nhất, diễn mà như không diễn.
Các thành viên câu lạc bộ diễn kịch |
Chị Nguyễn Hương Giang, một hội viên gia nhập Hội Người mù quận Thanh Xuân đã nhiều năm nay nhưng còn rụt rè khi đứng trước đám đông nhưng sau lần diễn xuất đầu tiên, chị dường như đã thoát ra khỏi sự e ngại.
Chị Giang bày tỏ: “Trước đây nói chuyện với một người, tôi đã cảm thấy dè dặt, chưa nói là lên sân khấu trước nhiều người. Tuy nhiên, được sự động viên của các anh chị trong Ban Chấp hành tham gia vào câu lạc bộ kịch, tôi phát hiện thêm một mặt mạnh của mình, đó là diễn. Hy vọng những tiểu phẩm của chúng tôi sẽ được mọi người đón nhận một cách nồng nhiệt”.
Còn đối với ông Nguyễn Thế Vâng, 79 tuổi thì việc trở thành một thành viên của câu lạc bộ kịch đã làm đời sống tinh thần của ông thêm thú vị.
Ông Vâng vui vẻ nói: “Khi tập các tiểu phẩm hài kịch, được tiếp xúc với các bạn hội viên trẻ, được cười đùa, dường như tôi trẻ ra nhiều tuổi. Cảm ơn Ban Chấp hành Hội đã cho chúng tôi một “sân chơi” ý nghĩa”.
Theo kế hoạch, vở kịch đầu tiên mang tên “Hội là mái nhà chung” sẽ được các thành viên trong Câu lạc bộ Kịch Thanh Xuân trình diễn trong hội nghị kỷ niệm ngày Quốc tế người khuyết tật (3/12) sắp tới.