Người dân phấn khởi, mong Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống
Đông đảo người dân quan tâm, chờ đợi
Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, cũng là dự án Luật rất khó và phức tạp. Do đó, khi được thông qua, Luật Đất đai (sửa đổi) được đông đảo Nhân dân đồng thuận, ủng hộ.
Theo dõi sát sao các phiên thảo luận liên quan đến Luật Đất đai (sửa đổi) ông Phan Cao Huy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) là rất quan trọng, bởi góp phần nâng cao về thông tin dữ liệu đất đai để mọi người dân tiếp cận dễ dàng phục vụ đời sống, sản xuất kinh doanh. Có cơ chế tạo thuận lợi hơn cho người dân giám sát việc thực thi liên quan đất đai.
Các đại biểu dự phiên bế mạc |
“Có thể thấy, đây là dự luật lớn, đặc biệt quan trọng, có liên hệ mật thiết, ảnh hưởng trực tiếp tới toàn bộ người dân, nội dung dự thảo Luật khắc phục rất nhiều những vấn đề bất cập, vướng mắc đặt ra trong quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013. Xác định đây là luật chi phối tất cả các luật khác nên việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành nhiều thời gian thảo luận một cách thận trọng, khách quan với sự tham gia đóng góp của nhiều đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học và đặc biệt lấy ý kiến Nhân dân là cực kỳ quan trọng và hết sức cần thiết.
Nội dung góp ý đã được các cơ quan có trách nhiệm tập hợp, tiếp thu, giải trình hết sức kỹ lưỡng, công phu cho thấy tinh thần cầu thị, quyết tâm của Ban soạn thảo, của Chính phủ; sự vào cuộc quyết liệt ngay từ đầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm đảm bảo chất lượng cao nhất của dự án luật”, ông Phan Cao Huy nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với ông Phan Cao Huy, ông Lê Trí Dân (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng: Qua các kỳ thảo luận, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có sự hoàn thiện, nâng cao về chất lượng. Cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý đã rất lắng nghe, chắt lọc đầy đủ, thận trọng các ý kiến tham gia hợp lý của các vị đại biểu Quốc hội, của các chuyên gia, các nhà khoa học và các cơ quan, tổ chức có liên quan, ý kiến của cử tri và Nhân dân cả nước. Đối với những vấn đề lớn, vấn đề khó và còn có ý kiến khác nhau được tiếp thu, giải trình rất thận trọng, thỏa đáng.
Vì vậy, dự thảo Luật đã nhận được sự thống cao từ phía đại biểu Quốc hội. Có thể nói, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình tại kỳ họp lần này đã tương đối hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn đặt ra, cơ bản khắc phục được những hạn chế của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6. Vì vậy, tôi tin tưởng và kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao từ phía doanh nghiệp, người dân để dự Luật sớm phát huy hiệu quả trong quá trình thực thi khi có hiệu lực.
Nhiều điểm mới quan trọng
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 260 điều. Đặc biệt, Luật có 5 nhóm nội dung vấn đề mới. Thứ nhất là các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Biểu hiện rõ nhất qua việc mở rộng quyền sử dụng đất, tiếp cận đất đai của công dân Việt Nam, chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ hai là liên quan đến tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp, có nhiều quy định mới, như: Thiết kế quy định về thu hồi đất phục vụ cho hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ sản xuất kinh doanh, thiết kế mới, thể chế hoá đầy đủ Điều 54 của Hiến pháp là chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật sự cần thiết; mở rộng cơ chế thoả thuận, mở rộng quỹ đất (như cho dự án có hoạt động lấn biển), quỹ đất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng nhà ở xã hội...
Việc thông qua dự Luật nhận được sự quan tâm, chờ đợi của đông đảo người dân và các đối tượng chịu sự tác động |
Thứ ba, nhiều quy định nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất như: Đất sử dụng kết hợp đa mục đích, thu hẹp trường hợp phải xin phép về mục đích sử dụng đất, nhận chuyển đổi đất nông nghiệp để tăng cơ hội tích tụ sản xuất quy mô lớn; nhận chuyển nhượng đất trồng lúa...
Thứ tư là nội dung liên quan tài chính đất đai tách bạch rõ ràng và có một số chính sách ổn định tiền thuê đất.
Thứ năm là quy định nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước. Điểm đáng chú ý là cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân.
Như vậy, Luật Đất đai (sửa đổi) với vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật và sức ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ về mọi mặt. Do đó, việc thông qua dự luật nhận được sự quan tâm, chờ đợi của đông đảo người dân và các đối tượng chịu sự tác động.
Để Luật Đất đai (sửa đổi) khi được thông qua có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 sớm được thực thi, phát huy hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cần quan tâm triển khai kịp thời việc ban hành các Nghị định, văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật; tránh tình trạng để luật phải chờ nghị định;...
Ngoài ra, công tác phổ biến, tuyên truyền về những điểm mới của Luật Đất đai (sửa đổi); nội dung trọng tâm của Luật tới người dân, doanh nghiệp cũng cần phải được tăng cường, đổi mới để các đối tượng chịu sự tác động của chính sách nắm vững và thực hiện theo đúng quy định.