Người cựu chiến binh nặng tình với quê hương
Cựu chiến binh Nguyễn Tứ Hùng
Bài liên quan
Giữ vững và phát huy phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu
Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì
Xứng danh bộ đội cụ Hồ
Cựu chiến binh Nguyễn Tứ Hùng sinh năm 1945. Ông mồ côi từ nhỏ, lớn lên trong sự đùm bọc, yêu thương của người thân, họ hàng, bà con nơi xóm nhỏ ở ngoại thành Hà Nội. Trong thời buổi loạn lạc, chiến tranh, nhờ ý chí quyết, nghị lực của bản thân, ông Hùng đã xuất sắc tốt nghiệp ngành nuôi trồng Thủy sản, trường Trung cấp Thủy sản.
Sau tốt nghiệp, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Tứ Hùng đã hăng hái đăng ký lên đường nhập ngũ, cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Năm đó là năm 1965, năm khởi đầu cho giai đoạn khốc liệt nhất của cả cuộc kháng chiến bằng việc Mỹ khởi động chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.
Nhớ lại thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ngày ấy, ông Hùng không kìm nổi cảm xúc: “Cái thời cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm nhưng tất cả vì tiền tuyến. Các bà, các mẹ, các chị trong làng đã gom nhặt từng hào, từng bao thuốc lá để động viên trai tráng trong làng lên đường nhập ngũ…”.
Trong thời gian tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông chiến đấu ở nhiều mặt trận và đều hoàn thành nhiệm vụ được cấp trên giao phó. Ông trở về địa phương năm 1974. Đến tháng 10/1978, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, ông làm đơn xin tái ngũ trở lại quân đội lên biên giới phía Bắc bảo vệ Tổ quốc và đến 12/1980, ông được phục viên. Giai đoạn từ năm 1994 - 1999, ông Hùng được bầu vào Hội đồng nhân dân xã Tân Lập.
Trải qua nhiều cuộc kháng chiến đầy khốc liệt, bản thân ông Hùng luôn cảm thấy bản thân mình may mắn bởi nhiều đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường. Vì vậy, ông đã tích cực chăm lo phát triển kinh tế gia đình và tham gia công tác xã hội tại địa phương. Ông tự nhủ khi có điều kiện, ông sẽ góp sức xây dựng quê hương, làng xóm.
Điều ông mong ước đã thành hiện thực. Kể từ khi nhà nước thực hiện chế độ khoán 10, kinh tế gia đình phát triển, có của ăn, của để, gia đình lại được đền bù đất giải phóng mặt bằng, ông Hùng đã dành số tiền đó để cống hiến, đóng góp xây dựng quê hương.
“Qua hai cuộc kháng chiến, tôi luôn tha thiết tình yêu với quê hương và kính trọng với những người dân. Nhất là những bà, những mẹ - người nuôi dưỡng chúng tôi từng nắm cơm, ngụm nước. Việc tôi làm chỉ là việc nhỏ đền ơn đáp nghĩa với quê hương mình”, ông Hùng chia sẻ.
Cựu chiến binh Nguyễn Tứ Hùng bên bờ kè mới ở khuôn viên ao Sau Đình |
Cựu chiến binh “hồi sinh” ao tù
Đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, ông Hùng vẫn mãi ghi nhớ cái thời gia cảnh còn nghèo khó, được Đảng, Nhà nước, nhân dân địa phương nuôi nấng từ thuở bé cho đến khi trưởng thành, trở thành người công dân có ích cho xã hội. Xuất phát từ tấm lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ, ông đã động viên con cháu, người có nhiều góp nhiều, người có ít góp ít, đóng góp xây dựng quê hương, xây dựng Nông thôn mới.
Trong những câu chuyện của mình, ông Hùng luôn nhắc đến lời dạy của Bác Hồ nói về vấn đề bảo vệ môi trường: “Muốn lao động sản xuất tốt thì phải giữ gìn sức khỏe. Muốn thế phải giữ gìn vệ sinh, ăn uống sạch sẽ, nhà cửa, vườn, đường sá phải sạch sẽ, ao tắm giặt, giếng nước ăn phải phân biệt và chăm sóc cẩn thận. Những ao hồ không cần thì lấp đi, cho đỡ muỗi”.
Chính ông Hùng là người đề xuất với lãnh đạo xã Tân Lập cải tạo, xây dựng ao Sau Đình, thôn Hạnh Đàn thành ao môi trường. Với diện tích gần 5.000m2, trước khi được cải tạo, ao Sau Đình rất ô nhiễm, nước bẩn quanh năm, cỏ cây mọc rậm rạp, thậm chí là nơi đổ rác của một số hộ dân trong cụm. Ông Hùng cùng với gia đình đã mạnh dạn xin đóng góp để xây dựng bờ kè ao này.
Tổng kinh phí cải tạo xây dựng ao hết 1,8 tỷ đồng được gia đình ông Hùng quyên góp, ủng hộ toàn bộ. Sau khi công trình làm xong, ông Hùng chính là người trông nom, quét dọn ao, mắc điện chiếu sáng, tiền điện cũng là gia đình nhà ông chi trả.
Điều đáng nói, sau khi hoàn thành việc cải tạo ao, tại cụm 13, xã Tân Lập đã lan tỏa phong trào xã hội hóa xây dựng quê hương xanh - sạch - đẹp. Nhiều hộ dân đã tự nguyện mua ghế đá đặt quanh ao để phục vụ nhu cầu vui chơi của chính gia đình mình và người dân.
Giờ đây, công trình ao Sau Đình đã trở thành một “công viên” thu nhỏ, là nơi để người già, trẻ nhỏ khu dân cư quây quần tập thể dục và vui chơi. Khu dân cư trước đây ô nhiễm giờ đã khoác lên mình diện mạo hoàn toàn mới nên bà con ai cũng phấn khởi, vui tươi, cảm thấy như khỏe ra. Công trình này ở làng Hạnh Đàn sau đó trở thành một trong những mô hình “Ao môi trường” tiêu biểu của huyện Đan Phượng.
Con đường làng Hạnh Đàn ngày xưa nổi tiếng vì ổ gà, ổ voi, hàng chục năm trời ngập trong bùn; mùa mưa đến, người già, trẻ em phải xắn quần lên lội vào nhà cũng được ông Hùng đầu tư, ủng hộ hơn 300 triệu đồng để nâng cấp. Giờ đây, con đường đó đã được trải bê tông phẳng lỳ, thẳng tắp, người dân đi lại thuận tiện.
Không dừng lại ở đó, người cựu chiến binh này còn lặng thầm quyên góp, ủng hộ học sinh nghèo trong xã để các cháu có điều kiện học hành tốt hơn. Ông đã dành toàn bộ số tiền mình được khen thưởng đóng góp vào quỹ khuyến học của xã và dành tặng những học sinh nghèo vượt khó.
Cựu chiến binh Nguyễn Tứ Hùng đang ấp ủ dự định sẽ tiếp tục tình nguyện đóng góp xây dựng một con đường nối từ khu di tích Bác Hồ về thăm Tân Lập ra tỉnh lộ 422, với số tiền ước tính khoảng 3 tỷ đồng. Một việc làm mà trong tâm niệm của ông Hùng, đó chính là điều ông học tập từ đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả vì tình yêu quê hương, đất nước.
Với những đóng góp không ngừng nghỉ, nhiều năm liền ông được UBND huyện Đan Phượng tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”. Năm 2017, ông được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng Nông thôn mới”. Đặc biệt, năm 2018, ông Nguyễn Tứ Hùng vinh dự là một trong 10 cá nhân tiêu biểu của Hà Nội được nhận danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú".
Một cựu chiến binh đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để bảo vệ Tổ quốc, nay lại hết mình vì công việc của làng xóm, nhắc đến ông, bà con ai ai cũng tự hào. “Khả năng tài chính có bao nhiêu tôi lại đóng góp xây dựng bấy nhiêu. Tôi muốn làm nhiều việc, tất cả xuất phát từ tình cảm yêu quê hương. Tôi thấy việc làm của tôi là bình thường của một công dân đối với Tổ quốc", cựu chiến binh Nguyễn Tứ Hùng nói.