"Ngày đẹp nhất" với những người phụ nữ nghèo nơi “xóm liều”
Lần đầu tiên những người phụ nữ nghèo được mặc áo dài và trình diễn trên sân khấu
Bài liên quan
Làn tái chế từ dây nhựa của phụ nữ phường Xuân La
ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội: Nhiều hoạt động chào mừng ngày 20/10
Phụ nữ hiện đại hưởng thụ cuộc sống bằng cách tiêu dùng thông minh
Hội Người mù TP Hà Nội tổ chức Hội thi cắm hoa nghệ thuật
Nằm ẩn mình dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội) nhiều năm nay là những khu nhà trọ xập xệ, dột nát. Nơi đây vốn vẫn được người ta gọi vui với nhau là “xóm liều”, khu “nhà ổ chuột”. Đây là nơi sinh sống của rất nhiều người lao động nghèo. Trong số họ có nhiều người đã cao tuổi, có những người không còn ai thân thích, hay vì hoàn cảnh quá khó khăn đã phải xa quê ra đây bám trụ nơi góc chợ Long Biên kiếm sống.
Những người phụ nữ này, hàng ngày làm đủ mọi thứ nghề từ nhặt rác phế liệu, gánh hàng thuê, nhặt tôm, bán rau… để kiếm sống. Cuộc sống quá khó khăn, vất vả nên dường như họ chưa bao giờ biết đến ngày 20/10. Cả đời họ chưa từng biết đến mùi son phấn hay diện trên mình những bộ áo dài. Có lẽ vì thế, họ rất háo hức, mong chờ chương trình “Ngày đẹp nhất” do nhóm Tình nguyện thật tổ chức.
Những người phụ nữ nghèo trở nên xinh đẹp hơn khi được trang điểm, mặc áo dài |
Người phụ nữ tên Tuyết (quê Thái Bình) tạm nghỉ công việc bán nước ngoài chợ. Đây là lần đầu tiên trong suốt 70 năm qua, người phụ nữ này mới được trang điểm và khoác lên mình bộ áo dài lộng lẫy.
“Cuộc sống khó khăn, lo chạy ăn từng bữa đã vất vả, chưa bao giờ tôi dám nghĩ đến một món quà, hay lời chúc. Ngày hôm nay, lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nhận được thế nào là không khí của ngày lễ dành cho chính mình. Tôi được mặc áo dài, trìn diễn trên sân khấu. Đây là món quà 20/10 ý nghĩa nhất trong đời mà tôi có được” - bà Tuyết xúc động nói.
Gia đình bà Tuyết là một trong những hộ khó khăn nhất ở xóm trọ Long Biên. Nhà nghèo, chồng lại mất sớm nên để có tiền nuôi các con khôn lớn, bà phải mưu sinh đủ nghề. Ban ngày bà đánh lưới, bắt tôm, cá dưới sông Hồng, rồi đem ra chợ cóc bán, đêm thì gánh nước chè bán cho dân cửu vạn kiếm “đồng ra, đồng vào”.
“Năm nào vào ngày lễ, Tết tôi cũng phải đi làm ngoài đường, ngoài chợ. Nhìn mọi người được tặng hoa, nhận quà, đi ăn uống vui vẻ, bản thân cũng có chút chạnh lòng, tủi thân nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên đành phải chấp nhận sự thiệt thòi”, bà Tuyết nói.
Chị Liên ( quê Bắc Giang) xuống Hà Nội và sinh sống trong xóm trọ nghèo cũng đã lâu. Một mình chị làm đủ mọi việc để sinh sống. Từ ngày con gái bà ốm, vất vả thêm chồng chất, cuộc sống làm chị chả còn dám nghĩ đến ngày 20/10. “Được các bạn trẻ dành tặng cho ngày 20/10 ý nghĩa như này tôi xúc động lắm. Tôi như trẻ lại, được sống với những yêu thương để tạm quên đi những bộn bề cuộc sống” - chị Liên nói.
Theo anh Nguyễn Thành Trung, người sáng lập nhóm Từ thiện thật, trong bộn bề cuộc sống hiện tại không phải ai cũng có điều kiện để có thể tận hưởng hết ý nghĩa của ngày 20/10. Thậm chí không phải ai cũng được nhận dù chỉ 1 bông hoa trong ngày của họ. Vì vậy, chương trình muốn mang đến cho những người phụ nữ kém may mắn này niềm vui nho nhỏ để họ có động lực vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.