Ngành Du lịch Bình Dương từng bước phát triển và tăng trưởng đều
Công nghệ là chìa khóa khởi động lại ngành du lịch |
Những năm qua, cùng với cơ chế, chính sách thông thoáng của tỉnh trong thu hút đầu tư, kết hợp với việc cải cách thủ tục hành chính của Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã mạnh dạn đến Bình Dương đầu tư phát triển các khu du lịch.
Bức tranh rực rỡ sắc màu của du lịch Bình Dương những năm qua |
Có thể kể đến Khu du lịch sinh thái MêKong Golf & Villas (DN 100% vốn FDI), “Dự án Trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ rừng, kết hợp với phát triển Tổ hợp Du lịch, phát triển vườn thú bán hoang dã tại hồ Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng” (vốn đầu tư trong nước).
Đặc biệt trên địa bàn tỉnh có khu du lịch văn hóa, thể thao Đại Nam đưa vào khai thác phục vụ khách tham quan du lịch từ năm 2008 cho đến nay, hàng năm đón trên 2.000.000 lượt khách đến tham quan, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng. Đây là một khu du lịch có quy mô và giá trị đầu tư lớn, với nhiều loại hình dịch vụ du lịch đa dạng, hấp dẫn đáp ứng được nhu cầu tham quan, vui chơi, giải trí của du khách.
Tính đến tháng 6/2020, trên địa bàn tỉnh có 9 khu, điểm du lịch đã và đang hoạt động phục vụ du khách như: Khu du lịch văn hoá, thể thao Đại Nam; Khu Phương Nam Resort; Khu du lịch Xanh Dìn Ký - phường Vĩnh Phú và Chi nhánh Bình Nhâm; An Lâm Retreats Saigon River; Sài Gòn Park Resort; Khu du lịch Thuỷ Châu; Khu giải trí Đọt Chămpa. Các khu du lịch này do các thành phần kinh tế trong nước đầu tư.
Ngoài các khu du lịch nêu trên, trên địa bàn tỉnh còn một số khu, điểm du lịch đang triển khai hoặc đang hoàn tất các thủ tục pháp lý để triển khai xây dựng như: Dự án trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ rừng kết hợp với phát triển tổ hợp du lịch, phát triển vườn thú bán hoang dã tại khu vực rừng phòng hộ Núi Cậu - Dầu Tiếng và bán đảo Tha La; Khu du lịch Làng Bà Lụa; Khu du lịch Phước Lộc Thọ; Khu du lịch sinh thái Vườn Vũ.
Để ngành Du lịch tỉnh phát triển sôi động, hoạt động lữ hành và hướng dẫn viên du lịch đã được lãnh đạo ngành hết sức chú trọng. Trên địa bàn tỉnh có 27 đơn vị, trong đó có 10 đơn vị hoạt động lữ hành quốc tế và 4 văn phòng đại diện; Tỉnh đã cấp được 8 giấy phép kinh doanh hoạt động lữ hành nội địa cho các đơn vị.
Tính đến tháng 6/2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp được 149 thẻ hướng dẫn viên du lịch, trong đó có 32 thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Đây là cơ sở để các hướng dẫn viên làm nghề đúng theo tiêu chuẩn, chất lượng, đảm bảo chuyên nghiệp nhất, mang sự hài lòng đến cho khách hàng.
Hiện trên địa bàn tỉnh có Khu du lịch văn hóa, thể thao Đại Nam được đánh giá là một trong những khu vui chơi giải trí lớn nhất của tỉnh, với nhiều loại hình vui chơi, giải trí như: Tham quan vườn thú, xem đua ngựa, đua chó, đua xe mô tô phân khối lớn, phim 4D, phim vòm, nhà băng nhân tạo, biển nhân tạo, ngũ hành sơn, các trò chơi cảm giác mạnh, quảng trường nước...
Sự xuất hiện của Khu du lịch Đại Nam đã đánh dấu sự chuyển biến về chất lượng trong quá trình phát triển du lịch ở Bình Dương được chứng minh qua sự tăng đột biến về lượt khách, từ năm 2007 trở về trước, lượng khách đến Bình Dương chưa đạt 500.000 lượt khách/năm.
Sau khi Đại Nam đi vào hoạt động, từ ngày 1/9/2008 cho đến nay, lượng khách đến Bình Dương ngày càng tăng, năm 2019 Bình Dương đón được 5.150.000 lượt khách, trong đó Đại Nam chiếm 40,8% lượt khách (2.100.000 lượt).
Bên cạnh đó, nhà hàng, cơ sở ăn uống phát triển khá mạnh như nhà hàng Như Ý, Làng Ẩm Thực, nhà hàng Tây Hồ, nhà hàng Kim Dung, nhà hàng 18, 18E… cũng như các nhà hàng trong các khu du lịch, nhà hàng trong các khách sạn xếp hạng từ 3 sao đến 5 sao và các nhà hàng, cơ sở ăn uống ở các huyện, thị xã, thành phố. Nhìn chung hệ thống nhà hàng, cơ sở ăn uống khá đa dạng đáp ứng được nhu cầu ăn uống của người dân cũng như du khách.
Ngoài nhu cầu vui chơi, du khách nào cũng muốn trải nghiệm ẩm thực đặc trưng của địa phương. Một trong những món ăn nổi tiếng hút khách khi đến nơi đây là “Bánh bèo bì Mỹ Liên”. Nhà hàng nằm gần chợ Búng, không chỉ là thương hiệu nổi tiếng trên 100 năm nay qua, mà còn trở thành niềm tự hào của người dân Bình Dương trong nghệ thuật ẩm thực. Đây là món ăn được nhiều du khách nhớ đến mỗi khi có dịp đến Bình Dương.
Ngoài ra, các món bánh bèo bì, gỏi cuốn, còn có gà nướng sầu riêng, gỏi gà măng cụt cũng đặc biệt thơm ngon hấp dẫn, lạ miệng. Các loại đặc sản của địa phương như măng cụt, sầu riêng, bòn bon, mít tố nữ… cũng là những loại trái cây khách du lịch yêu thích khi đến xứ này.
Khai thác tất cả các tiềm năng du lịch, Bình Dương còn có các làng nghề truyền thống phục vụ du khách đến tham quan, kết hợp mua sắm như: Trung tâm thương mại Minh Sáng Plaza, Lò lu Đại Hưng, làng gốm Tân Phước Khánh hay các cơ sở sơn mài như: Sơn mài Tư Bốn, sơn mài Định Hòa, sơn mài Thanh Long... hoặc cơ sở điêu khắc gỗ như: Phi Lệ, Đức Khanh và các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ du khách tham quan kết hợp mua sắm như Co-op Mart, Big C, Lotte Mark, AEON Mall Bình Dương Canary...
Chính bởi vậy, doanh thu du lịch và lượt khách đến Bình Dương có sự tăng trưởng qua từng năm, năm sau cao hơn năm trước. Kết quả doanh thu du lịch năm 2011 đạt 830 tỷ đồng, đến năm 2019 đã đạt 1.440 tỷ đồng; Năm 2011, tỉnh đón 3.836.000 lượt khách, đến năm 2019 đón 5.150.000 lượt khách. Mức tăng trưởng bình quân là 6% về lượt khách và 5% về doanh thu.
Tất cả những điều đó cho thấy tư duy làm du lịch, khai thác du lịch của lãnh đạo tỉnh, ngành Du lịch cũng như nhân dân rất đúng đắn, mang lại nguồn thu lớn cho Bình Dương.