Người “dấn thân” cho nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Dương
Du lịch Quảng Ninh có sự bổ trợ to lớn của ngành Nông nghiệp |
Mở lối đi mới
Bình Dương mùa mưa. Con đường chạy từ thành phố Thủ Dầu Một băng băng như những dải lụa, thấp thoáng xa xa các khu công nghiệp và những nhà dân trồng rất nhiều cây xanh. Gần đến Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái ở huyện Phú Giáo trời bắt đầu mưa sầm sập.
Ấy thế mà, mưa vừa tạnh, bên dường, trong vườn nhãn sai lúc lỉu quả, những chiếc xe chuyên dụng kềnh càng khỏe phăm phăm đang rẽ cỏ, lấn đất ẩm chở nhãn đã thu hái về phân xưởng đóng gói. Còn những hàng chuối thì xanh mướt hơn, buồng nào buồng nấy to vồng, được bao bọc bằng nilon cẩn thận.
Màu xanh bát ngát của chuối ở Unifarm |
Đặc biệt, những nhà kính trồng dưa lưới với mái vòm cao như một khu rừng bí mật. Bên trong, từng “đàn” dưa treo lúc lỉu như những chú lợn con chờ ngày thu hoạch. Bên ngoài, phòng điều khiển tưới tiêu có hiển thị bảng điện tử giúp các kĩ sư theo dõi và thực hiện quy trình chăm sóc cây trái mà không cần phải vào tận bên trong nhà kính.
Anh Phạm Quốc Liêm - người dấn thân cho nông nghiệp ứng dụng cao tại Bình Dương |
May mắn, cơn mưa vô tình đã kiềm chân anh Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp U&I (Unifarm) để chúng tôi và anh có một cuộc hội ngộ có phần bất ngờ nhưng cũng khá thú vị. Với đặc trưng công việc của mình, anh Liêm gần như di chuyển liên tục.
Xe thu hoạch nhãn của Unifarm |
Trong nhiều năm liền, bên cạnh việc điều hành công ty, anh luôn miệt mài với những chuyến đi “du học” và làm việc thực tế tại các quốc gia hàng đầu về nông nghiệp của thế giới như Mỹ, Israel, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Philippines... với quyết tâm mang những kiến thức và kinh nghiệm tốt nhất về nông nghiệp của thế giới về áp dụng tại quê hương.
Cuộc trò chuyện với anh Liêm đưa chúng tôi về thời điểm vào năm 2008, khi tỉnh Bình Dương có định hướng phát triển về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, song song với những thành tựu về phát triển công nghiệp mà tỉnh đã đạt được nhiều năm qua. Sau những nỗ lực chứng minh ý tưởng và cả sự quyết tâm của mình, Công ty CP nông nghiệp U&I (Unifarm) được tỉnh tin tưởng giao thực hiện nhiệm vụ này. Đến năm 2010, khi dự án chính thức đi vào hoạt động, diện tích của khu đất tại Phú Giáo là 411,75ha, hầu như chưa có đường, điện, cơ sở hạ tầng gần như là con số 0.
Những nhà kính trồng dưa lưới của Unifarm |
Tại thời điểm 11 năm về trước, trong điều kiện không có bất cứ một mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nước nào hoạt động có hiệu quả để có thể tham khảo, học hỏi, Unifarm đã phải tự mình khai thông, mở lối ra một hướng đi mới, tiên phong trong lĩnh vực này. Cụ thể, sau những chuyến đi tìm hiểu về nông nghiệp tại Israel, Đài Loan, Nhật Bản, Unifarm đã có quyết định rất táo bạo là đã mời được ông Aviel Sade, một chuyên gia rất giỏi về nông nghiệp công nghệ cao, được liệt vào hàng “già làng” của Arava - một trong những vùng đất khô cằn nhất thế giới nhưng lại chiếm tới trên 60% tổng sản lượng xuất khẩu rau và 10% tổng sản lượng hoa xuất khẩu của Israel.
Aviel Sade lúc đó đã ngoài 60 tuổi, làm việc trực tiếp cho Unifarm hơn 3 năm và tiếp tục cố vấn từ xa những năm sau đó. Chính Aviel đã đề xuất anh Liêm quyết định nhập khẩu toàn bộ hệ thống nhà kính với hệ thống tưới tiêu, bón phân, kiểm soát nhiệt độ, ẩm độ, điều khiển tự động hoàn toàn bằng máy tính và tiến hành trồng thử nghiệm nhiều loại rau quả bên trong nhà kính có quy mô 1ha này.
Những loại cây được chọn là những loại cây mà Israel trồng vào loại tốt hàng đầu thế giới về năng suất và chất lượng, bao gồm: Ớt chuông, cà chua, dưa lưới, cà tím, măng tây… Ngay vụ trồng đầu tiên, Unifarm đã trở thành đơn vị đầu tiên cả nước đạt tiêu chuẩn Global GAP với những sản phẩm kể trên.
Từng bước “gặt hái” thành quả
Trong số những loại cây trồng thử nghiệm nói trên, sau một thời gian được giới thiệu ra thị trường, Unifarm đã quyết định giữ lại đối tượng cây trồng là dưa lưới để mở rộng quy mô. Tại thời điểm này thì hầu như 100% sản phẩm dưa lưới có mặt tại thị trường Việt Nam đều có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Như vậy, với việc trồng dưa lưới thành công bằng công nghệ của Israel, Unifarm không chỉ tạo cơ hội cho người dân của chúng ta được thưởng thức trái cây ngon và sạch do người Việt Nam trồng bằng công nghệ cao, mà còn cổ vũ phong trào “giành lại thị trường sân nhà” cho sản phẩm “made in Việt Nam” sau nhiều năm bị sản phẩm Trung Quốc làm mưa làm gió.
Đến thời điểm này, Unifarm đã phát triển được hơn 12ha nhà kính để trồng dưa lưới, một năm ba vụ với năng suất khoảng 100 tấn/ha/năm. Đồng thời, Unifarm còn chuyển giao, nhân rộng kỹ thuật trồng dưa lưới cho các trang trại trong và ngoài tỉnh, cũng như mỗi năm đón tiếp hàng trăm đoàn khách từ nhiều tỉnh thành bạn về tham quan, học tập, qua đó góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, phát triển về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong xã hội.
Anh Phạm Quốc Liêm (đứng đầu tiên) đang giới thiệu về dưa lưới |
Anh Liêm ví von, nếu như tại thời điểm năm 2010, Unifarm là đơn vị đầu tiên của cả nước mạnh dạn nhập 100% nhà kính từ Israel để trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn Global GAP, qua vài năm sau đó, có một số mô hình trồng dưa lưới trong và ngoài tỉnh phát triển theo mô hình của Unifarm với số lượng còn đếm được trên đầu ngón tay, thì đến nay, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao của cả nước, đặc biệt là mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính đã phát triển như “trăm hoa đua nở”. Nhìn lại việc này, anh Liêm cảm thấy vui vì đã đóng góp được một phần công sức của mình trong việc lan tỏa, truyền cảm hứng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung.
Tại thời điểm 11 năm về trước, anh Liêm cũng biết ở Việt Nam chưa có đơn vị thi công nhà kính chuyên nghiệp, đạt chuẩn quốc tế, do đó, chỉ có một số ít công ty như Unifarm dám mạnh dạn nhập khẩu nhà kính, với hệ thống tưới tiêu, lập trình tự động từ Israel với số tiền vốn lên đến 10 tỉ đồng/1ha. Vì lý do này, Unifarm tự thấy cần phải nghiên cứu những mô hình trồng trọt hiệu quả với chi phí đầu tư phù hợp hơn để có thể chuyển giao rộng rãi cho bà con nông dân, vốn là mục tiêu quan trọng mà các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phải chạm đến.
Sau một thời gian miệt mài nghiên cứu, thực nghiệm hơn 20 loại rau quả khác với nhiều thành công lẫn thất bại (cây trồng tốt thì không có đầu ra còn cây có đầu ra thì không phù hợp với thổ nhưỡng), cuối cùng Unifarm đã phát triển thành công một số mô hình cây trồng khác, mà chuối là một trong số đó. Để làm được việc này, Unifarm đã mạnh dạn thay đổi kỹ thuật trồng và thị trường truyền thống của cây chuối tại Việt Nam bằng cách đầu tư nhân sự và kỹ thuật để tạo ra một đồng chuối đạt tiêu chuẩn quốc tế, xuất khẩu thành công qua các nước khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Sản phẩm dưa lưới của Unifarm |
Trong giai đoạn này, ngoài chuyên gia Israel thì Unifarm còn chiêu mộ các chuyên gia trồng chuối hàng đầu Philipines, quốc gia xuất khẩu chuối số 1 Châu Á, về đầu quân với nhiệm vụ gầy dựng và đào tạo đội ngũ nhân sự chất lượng cao trong ngành chuối này. Có thể nói, đối với từng dự án và những loại cây trồng khác nhau, Unifarm đều có sự phục vụ của những chuyên gia đầu ngành trong ngành đó nhằm ra những sản phẩm chất lượng nhất, theo tiêu chuẩn thế giới và được thị trường quốc tế chấp nhận.
Đối với cây chuối, dù đã tự trồng rất tốt từ năm 2011, tuy nhiên, với quyết tâm học hỏi, gầy dựng lực lượng để vươn lên top đầu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh chuối có chất lượng cao nhất thế giới, từ năm 2014, Unifarm quyết định hợp tác với Dole, tập đoàn số 1 thế giới về trồng trọt và kinh danh sản phẩm chuối. Qua sự hợp tác này, Dole đã cử thêm nhiều cán bộ kỹ thuật từ Phillippines và các quốc gia mạnh về chuối khác đến hỗ trợ giám chất lượng và đào tạo người cho Unifarm, cũng như nhiều nhân viên kĩ thuật của Unifarm được tham gia huấn luyện, đào tạo tại Phillipines.
Thước đo của mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại
Đến 2016, Unifarm và Dole quyết định nâng tầm hợp tác thông qua việc ký hợp đồng để phát triển thêm 1.200ha chuối, xuất khẩu độc quyền cho Dole Hàn Quốc, Nhật Bản và Malaysia. Riêng Unifarm được Dole tin tưởng trao quyền kinh doanh sản phẩm chuối do Unifarm trồng, được các chuyên gia Dole giám sát chặt chẽ, mang nhãn hiệu Dole tại thị trường Việt Nam, bên cạnh các dòng chuối mang các nhãn hiệu khác của Unifarm.
Có thể nói, việc chọn Dole là đối tác chiến lược không đơn thuần là một quyết định liên quan đến yếu tố kinh tế, mà còn giúp Unifarm có thể thực hiện chiến lược đào tạo con người, hình thành một bộ máy thật sự giỏi để thực hiện công tác chuyển giao kỹ thuật cho người nông dân trồng chuối theo hướng công nghệ cao, góp phần cải thiện thu nhập của người nông dân Việt Nam.
Anh Phạm Quốc Liêm và sản phẩm chuối của Unifarm |
Trong vài năm gần đây, có khá nhiều doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư vào ngành nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, nếu có diện tích không quá lớn, người ta có thể nghĩ ngay đến việc dựng nhà kính trồng dưa lưới; Ngược lại, nếu diện tích đủ lớn, các doanh nghiệp có thể nghĩ ngay đến việc trồng và kinh doanh chuối. Tuy nhiên, tại thời điểm các năm 2010, 2011, việc quyết định trồng dưa lưới và chuối của Unifarm là một quyết định đầu tư chưa có tiền lệ để tham khảo.
Ngay từ đầu tham gia và ngành này, Unifarm đã chọn cho mình một hướng đi riêng là chú trọng yếu tố chất lượng và tính an toàn của sản phẩm, qua đó, sản phẩm của Unifarm đạt tiêu chuẩn để bán vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. So với các doanh nghiệp làm nông nghiệp với định hướng xuất khẩu cho thị trường Trung Quốc, chất lượng sản phẩm của Unifarm là hoàn toàn khác biệt, qua đó, không bị ảnh hưởng bởi những lúc thị trường chuối cần giải cứu với giá cả bấp bênh.
Đối với công tác xây dựng thị trường, anh Phạm Quốc Liêm luôn chú trọng những loại cây có thị trường xuất khẩu và định hướng trồng với tiêu chuẩn cao nhất, tuy nhiên với đích đến đầu tiên lại là thị trường nội địa để người tiêu dùng trong nước có thể sử dụng sản phẩm chất lượng quốc tế “của nhà trồng”, thay vì tìm kiếm các sản phẩm nhập khẩu.
Công nhân đang chăm sóc chuối |
Sau thị trường nội địa thì “điều kiện đủ” là sản phẩm đó phải có thị trường xuất khẩu, bởi nếu chỉ tập trung thị trường trong nước thì đến một lúc nào đó “cung sẽ vượt cầu”, ắt dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá” hay “được giá mất mùa”, vốn tồn tại nhiều năm qua như một vấn đề nhức nhối của ngành nông nghiệp nước ta.
Với cách làm này, kể cả trong những tình huống khó khăn, khủng hoảng như tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trong thời gian quá, có nhiều thời điểm nhiều mặt hàng nông sản của các đơn vị khác không thể tiêu thụ được, thì sản phẩm của Unifarm với chất lượng và tiêu chuẩn của mình vẫn đang được tiêu thụ tốt trong và ngoài nước một cách ổn định.
Điều đó cho thấy tìm được giống cây trồng phù hợp, có hiệu quả kinh tế cao đã khó, duy trì sự ổn định nguồn cung trên thị trường và mang lại lợi nhuận càng khó, thì để làm được những điều này, vai trò thủ lĩnh và định hướng của những doanh nhân có tầm nhìn chiến lược như anh Phạm Quốc Liêm là điều rất đáng ghi nhận.
Hiện nay, khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương và các ban ngành có liên quan đánh giá là một trong những khu hoạt động hiệu quả trong các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Trong nhiều năm liền, Unifarm là đơn vị sản xuất, kinh doanh tiêu biểu của tỉnh trong ngành nông nghiệp. Hàng chục bằng khen cấp tỉnh được trao cho tập thể và cá nhân điển hình của Unifarm chính là thước đo của một mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Phẩm chất thủ lĩnh Đoàn
Chia tay anh Liêm, chúng tôi đi ngang qua khu nhà ở của công nhân làm việc cho công ty. Gần 400 công nhân (chính thức và thời vụ) được làm việc, sinh hoạt, ăn ở trong điều kiện vệ sinh sạch sẽ. Anh Phạm Minh Tiệp, Phó Giám đốc kĩ thuật cho biết nội quy công ty rất nghiêm, sau 10 giờ tối là công nhân phải trở về nhà để đảm bảo an ninh trật tự.
Những hoạt động mang tính tệ nạn như bài bạc, uống rượu… bị cấm và được kiểm soát chặt chẽ bằng đội ngũ quản lý và bảo vệ của công ty. Trong số những lao động đang làm việc tại đây, nhiều lao động có mang theo con nhỏ và đều được Unifarm hỗ trợ để có thể tham gia học tập tại địa phương, qua đó, giúp các gia đình lao động ổn định cuộc sống và yên tâm lao động sản xuất.
Những buồng chuối được bao bọc cẩn thận |
Nói về anh Phạm Quốc Liêm, hầu như toàn bộ người lao động của Unifarm đều rất nể phục bởi anh là người giỏi chuyên môn cả về nông nghiệp, kinh doanh, lẫn khả năng xây dựng tổ chức. Anh luôn sẵn sàng là người đầu tiên tham gia vào khắp các “mặt trận” của công ty, làm gương cho những người lao động bên dưới. Không những vậy, anh còn là người luôn hòa đồng với mọi người, trong và ngoài phạm vi công việc, luôn xem người lao động như những người anh, người chị, người em của mình.
Rất nhiều nhân viên kỹ thuật khi mới đến Unifarm chỉ là những người mới ra trường, sau một thời gian làm việc đã trưởng thành vượt bậc về chuyên môn lẫn khả năng quản lý để trở thành những thủ lĩnh mới, trong đó, có nhiều bạn trẻ đã xây dựng gia đình và chọn An Thái, chọn Unifarm làm nơi lập nghiệp. Với các bạn trẻ này, anh Liêm vừa là một người lãnh đạo có tâm, vừa là một người anh luôn muốn bồi dưỡng và phát triển những tài năng mới trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Có thể nói, với bản lĩnh của một cựu thủ lĩnh Đoàn Thanh niên, ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết và cả sự chân thành với nghề, với người vẫn không ngừng chảy trong huyết quản của anh, dù trên cương vị là một doanh nhân hay đơn thuần chỉ là một người làm nông theo cách tự gọi chính mình của anh. Đó cũng chính là bí quyết để tạo nên sự thành công của anh Phạm Quốc Liêm, người đầu tiên “dấn thân” cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Bình Dương.