Một tiếng thơ xuân đầy yêu thương và mê đắm của Ngọc Lê Ninh
Mùa xuân tràn ngập trong tác phẩm của nhà thơ Ngọc Lê Ninh
Bài liên quan
Ngọc Lê Ninh và Hiền Anh tiếp tục kết hợp trong "Đỉnh tình liêu phiêu"
Thơ của Ngọc Lê Ninh liên tiếp được dịch đăng tại nước ngoài
Những vần thơ Jeton Kelmendi qua bản dịch của nhà thơ Ngọc Lê Ninh
Tiến sĩ mỏ - địa chất trên “vỉa quặng” ngôn từ
Xuân
Ơ kìa! Xuân đã về
Mân mê chùm khế ngọt
Líu lo ngàn chim hót
Nhảy nhót mừng xuân sang.
Nặng trĩu cành táo vàng
Mai, đào khoe sắc thắm
Mưa cười rơi lấm tấm
Nắng xuân tràn lên môi.
Xa tít tận trùng khơi
Xuân lần theo nòng pháo
Cùng các anh lính đảo
Giữ bình yên quê nhà.
Xuân bay theo lời ca
Đến nhà nhà gõ cửa
Bao người dậy nhóm lửa
Cùng gió xuân bập bùng.
Xuân vác cuốc ra đồng
Đậu trên lưng mẹ cấy
Mạ xuân cười run rẩy
Chấm xuống bùn xôn xao.
Kìa! Hương xuân dâng cao
Giăng thơm đường đất nước
Mắt xuân mọng đầy sao
Xuân reo cùng em bước.
(Ngọc Lê Ninh)
Mùa xuân từ bao đời vẫn là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca. Trong nền văn học dân tộc từ xưa đến nay, chúng ta đã có không ít những tuyệt phẩm về thơ xuân, trải suốt từ văn học trung đại tới văn học hiện đại.
Những bài thơ xuân gieo vào lòng người đọc biết bao niềm vui, sự lạc quan hy vọng, khiến mỗi chúng ta thêm yêu hơn cuộc sống và con người. Bài thơ Xuân của thi sĩ Ngọc Lê Ninh theo tôi là một thi phẩm hay, đã góp thêm vào dòng chảy văn học dân tộc một tiếng thơ xuân đầy yêu thương và mê đắm.
Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ |
Bài thơ được viết theo thể 5 chữ quen thuộc, chia làm 6 khổ, mỗi khổ 4 câu. Câu thơ mở đầu giống như một tiếng reo vui ngỡ ngàng khi đón chào một mùa xuân mới: "Ơ kìa! Xuân đã về".
Ba câu thơ tiếp theo liên tục xuất hiện những từ láy đứng ở vị trí đầu câu gồm: Mân mê, líu lo, nhảy nhót làm nhịp thơ dường như nhanh hơn, câu chữ nhún nhẩy như từng bước chân của thời gian đang hòa nhịp cùng niềm vui sống rạo rực của con người.
Mọi thứ đều ở trong xu thế vận động. Khế đã đến lúc cho quả ngọt, chim không chỉ hót líu lo mà còn nhảy nhót theo mỗi bước đi của mùa xuân.
Một thế giới của mùa xuân được thi sĩ cảm nhận đủ bằng hình dáng, âm thanh và màu sắc. Khổ thơ thứ hai là sự phát triển những cảm xúc tươi tắn về mùa xuân qua nhiều sắc màu của thiên nhiên xung quanh: Màu vàng của táo, sắc thắm của đào mai và hai yếu tố tưởng chừng như trái ngược, tương phản nhau lại cùng xuất hiện trong hai câu thơ liên tiếp: "Mưa cười rơi lấm tấm/Nắng xuân tràn lên môi".
Những hạt mưa dịu dàng của mùa xuân được diễn tả bằng thủ pháp nhân hóa cùng một từ láy mang tính tượng hình rất cao: lấm tấm. Đã có nhiều tác giả tả về mưa xuân: "Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay" (Nguyễn Bính), "Mưa xuân rắc tận âm thầm" (Trần Nhật Minh) nhưng tả mưa xuân và nắng xuân cạnh nhau như cách Ngọc Lê Ninh làm khá hiếm và độc đáo.
Nhà thơ Ngọc Lê Ninh |
Điểm nhìn của chủ thể bắt đầu có sự thay đổi, không gian xuân được mở rộng ra muôn trùng khơi. Tình cảm của thi sĩ không dừng lại ở chỗ cảm nhận thiên nhiên mà còn nghĩ tới bao con người, những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ngày đêm canh giữ tổ quốc.
Ý thơ vì thế còn thấm đượm cái tình với quê hương xứ sở: "Xa tít tận trùng khơi/Xuân lần theo nòng pháo/Cùng các anh lính đảo/Giữ bình yên quê nhà". Không gian đang từ xa lại trở về gần, đến trong từng mái nhà, cũng có nghĩa là đến với từng con người.
Dường như ai cũng cảm thấy một bầu không khí của mùa xuân tràn ngập trong từng tế bào, từng hơi thở, từng làn gió thổi, từng hạt mưa rơi. Ngọn lửa ở khổ thơ thứ tư cũng chính là ngọn lửa được nhóm lên trong tim mỗi người: "Bao người dậy nhóm lửa/Cùng gió xuân bập bùng".
Một điểm khá thú vị của bài thơ là cho đến khổ thơ thứ 5, việc phân bố vần, hiệp vần trong từng khổ thơ đều đi theo một mô hình ABBC. Nghĩa là hai chữ cuối của các câu thơ thứ 2 và 3 đều bắt vần với nhau, nhiều nhà ngữ học còn gọi tên cho lối gieo vần này là vần ôm nhau (để phân biệt với vần cách quãng).
Ta có các cặp hiệp vần từ khổ 1 đến khổ 5 như sau: ngọt - hót, thắm - tấm, pháo - đảo, cửa - lửa và cấy - rẩy. Năm cặp vần ôm nhau tạo ra hiệu ứng thú vị về sự quyến luyến, xoắn bện, ấm áp như mọi thứ đều có đôi, đều yêu thương trìu mến và rạo rực một tình xuân.
Mùa xuân tiếp tục có sự vận động qua các cụm động từ: Vác cuốc ra đồng, đậu trên lưng mẹ. Không gian tiếp tục có sự thay đổi theo hướng từ nhà ra cánh đồng, mang đậm nét văn hóa nông nghiệp lúa nước của người Việt.
Tôi tin rằng nhiều người sẽ rất xúc động với hai câu cuối của khổ thứ tư này: "Mạ xuân cười run rẩy/Chấm xuống bùn xôn xao". Mấy câu thơ hiện lên trước mắt chúng ta hình ảnh người mẹ nông thôn tảo tần, lam lũ, bàn chân trần vẫn ngày đêm trên cánh đồng nuôi bao đứa con khôn lớn thành người.
Cái "run rẩy" của mạ xuân ấy đâu chỉ là tiếng cười. Nó còn là giọt nước mắt rơi thầm lặng, là giọt nước mắt của mẹ vui với những bước đường thành công an bình của đứa con, là giọt nước mắt người con lặn vào trong từng câu chữ.
Âm thanh "xôn xao" của từng cây mạ mẹ đang gieo trên cánh đồng như muốn sẻ chia với tất cả những rung động và cảm xúc đang trào dâng trong lòng người. Mạ và bùn như một cặp song hành hô ứng qua cách miêu tả nhân hóa của tác giả.
Chữ "chấm" trong câu thơ "chấm xuống bùn xôn xao" đích thực là một nhãn tự không chỉ của câu thơ mà của toàn bài thơ, khiến thi phẩm bừng sáng và như có cả một cái rùng mình đầy hồn vía.
Từ một điểm có thể được coi là thấp nhất trong những định vị không gian xuất hiện từ đầu bài thơ đến giờ, không gian nghệ thuật bỗng bất ngờ vút lên cao, trong trẻo và tươi sáng: "Kìa! Hương xuân dâng cao/Giăng thơm đường đất nước/Mắt xuân mọng đầy sao/Xuân reo cùng em bước".
Nhịp bước của mùa xuân hòa chung cùng nhịp bước của con người qua đại từ nhân xưng “em”. Em có thể là một thiếu nữ trong tuổi xuân phơi phới, lại cũng có thể là những học trò cắp sách tới trường. Bài thơ vì thế đã thổi về cho tôi một không khí trong lành, sáng tươi như cảm giác của một thời hoa niên còn đi học.
Có thể tổng kết các cấu trúc X + xuân và xuân + X xuất hiện dày đặc từ đầu đến cuối bài thơ, mang lại một cảm giác tràn ngập về mùa xuân. Những cấu trúc X + xuân gắn với các định danh/ danh từ về mùa xuân, bao gồm: Nắng xuân, gió xuân, mạ xuân, hương xuân, mắt xuân.
Còn những cấu trúc xuân + X lại nói với chúng ta những vận động, thay đổi của mùa xuân trong từng nhịp bước thời gian: xuân đã về, xuân sang, xuân lần theo, xuân vác cuốc, xuân reo.
Mùa xuân, có thể nói được cảm nhận bằng đầy đủ các giác quan. Quan trọng nhất, đó là một năng lượng sống, năng lượng yêu thương được lan tỏa, chia sẻ từ trái tim thi sĩ đến với tất thảy mọi người. Bài thơ khiến mỗi chúng ta thêm yêu đời hơn, tấm lòng rộng mở hơn và lắng sâu một tình yêu quê hương xứ sở.