Mở lối thoát hiểm an toàn cho nhà ở kết hợp kinh doanh
Phổ biến pháp luật an toàn lao động đến hơn 200 công nhân |
Liên tiếp xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn
Nhìn lại những vụ cháy nghiêm trọng liên tiếp xảy ra tại Hà Nội trong vài tháng trở lại đây, làm thiệt hại nhiều người, tài sản, có thể thấy hầu hết nguyên nhân của các vụ cháy do sự cố hệ thống thiết bị điện và sơ suất trong quá trình sử dụng nguồn nhiệt. Thêm vào đó, còn do chủ nhà chưa thật sự quan tâm đến an toàn cháy nổ đối với chính ngôi nhà mình đang sinh sống.
Mới đây nhất, khoảng 18h ngày 16/6, trên phố Định Công Hạ, phường Định Công, quận Hoàng Mai (Hà Nội) xảy ra vụ cháy ngôi nhà đang kinh doanh đồ điện và sơn.
Vào thời điểm trên, người dân phát hiện tại khu vực tầng 3 ngôi nhà 6 tầng 1 tum trên phố có khói bốc ra, đã nhanh chóng báo cho chủ nhà đang bán hàng tầng 1 biết. Đồng thời, tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy và người dân cũng nhanh chóng tìm cách tiếp cận, dập tắt đám cháy.
Nhận được thông tin, lực lượng chức năng tại phường, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, Công an quận Hoàng Mai đã nhanh chóng có mặt phối hợp dập lửa.
Vụ hỏa hoạn trên phố Định Công Hạ tối 16/6 khiến bốn người tử vong |
Ngôi nhà bị cháy cao 6 tầng, 1 tum, kinh doanh đồ điện, có nhiều thiết bị nhựa. Ban công lắp "chuồng cọp" gây khó khăn trong việc dập lửa. Đến 19h30 đám cháy đã được khống chế và 20h, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Qua tìm kiếm sơ bộ, các lực lượng đã phát hiện 4 thi thể và đưa ra xe cứu thương đến nhà tang lễ.
Trước đó, khoảng 21h ngày 9/6, tại ngôi nhà kinh doanh thảm số 332 Lạc Long Quân, phường Xuân La, quận Tây Hồ, xảy ra cháy tại khu vực tầng thượng. Đám cháy tạo thành khói lớn khiến người đi đường dừng lại quan sát trên tuyến đường Lạc Long Quân.
Vào thời điểm trên, người dân phát hiện có mùi khét kèm khói đen tại một ngôi nhà trên phố Lạc Long Quân nên đã báo cơ quan chức năng địa phương xử lý, đồng thời gọi điện thoại thông báo cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Ngay sau đó, các tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy tại chỗ và người dân địa phương đã tiếp cận chữa cháy ban đầu, ngăn cháy lan.
Hay như rạng sáng 8/6, đã xảy ra liên tiếp 2 vụ cháy ở số 23 Hàng Vải (phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và số 8 Nguyễn Lân (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) khiến nhiều tài sản bị thiêu rụi.
Vụ hỏa hoạn xảy ra tại số 23 Hàng Vải là ngôi nhà kinh doanh cà phê và tre, trúc, diện tích khoảng 20m2 (tầng 1 bán tre, trúc và cafe, tầng 2 là khu vực bàn uống cafe và quầy pha chế, sân thượng là khu vực để bàn ghế uống cà phê. Sau khi nhận tin báo, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an quận Hoàn Kiếm đã điều nhiều xe chữa cháy và cán bộ chiến sỹ tới hiện trường dập lửa. Sau 30 phút chữa cháy, cảnh sát đã dập tắt được vụ hỏa hoạn. Rất may vụ cháy không gây thiệt hại về người. Nguyên nhân vụ cháy có thể do chập điện.
Vụ hỏa hoạn xảy ra tại số 23 Hàng Vải là ngôi nhà kinh doanh cà phê và tre, trúc |
Vụ hỏa hoạn tại số 8 Nguyễn Lân (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) xảy ra vào khoảng 1h sáng 8/6. Lửa và khói bùng lên từ cơ sở bên ngoài có đề biển hiệu "giao hàng nhanh" (lúc này đã đóng cửa, bên trong không có người). Đám cháy sau đó nhanh chóng được dập tắt, vụ việc không ghi nhận thương vong về người, nguyên nhân xảy ra hỏa hoạn vẫn đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.
Nhân rộng mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy
Theo thống kê của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Công an thành phố Hà Nội, với đặc thù đô thị hóa toàn diện, hiện trên toàn thành phố có khoảng 70% nhà ở là dạng ống và có hàng trăm nghìn nhà ở kết hợp kinh doanh chỉ có lối duy nhất để thoát nạn là cửa ra vào.
Khảo sát một số cơ sở kinh doanh kết hợp nhà ở, hàng hóa được người dân sắp xếp thiếu khoa học, chắn hết lối đi, không có cửa thoát hiểm dự phòng nếu có cháy nổ xảy ra, thiếu hoặc không có thiết bị phòng cháy chữa cháy... Lối thoát hiểm quan trọng nhất là cửa chính tại tầng 1 thường là nơi để ô tô, xe máy, chất hàng hóa, nấu nướng. Còn tầng trên thường là nơi ngủ, sinh hoạt, thậm chí nhiều nhà còn tận dụng các tầng áp mái, tầng sân thượng để làm kho chứa hàng hóa.
Diễn tập phòng cháy chữa cháy tại khu dân cư |
Ðể không lo mất trộm, nhiều hộ làm "chuồng cọp", rào chắn toàn bộ bên trên, không có lối thoát lên sân thượng hoặc không có lối thoát sang nhà bên… Trong khi đó, hạ tầng đô thị nhiều ngõ nhỏ, đông dân cư. Nhiều khu vực, xe chữa cháy không thể tiếp cận, khi xảy ra sự cố, công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn.
Ðể bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy cho các cơ sở kinh doanh kết hợp nhà ở, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, kiểm tra xử lý những vi phạm quy định an toàn phòng cháy, các địa phương cần đẩy mạnh và nhân rộng mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy, điểm chữa cháy công cộng trên toàn quốc để người dân tham gia, đồng tình hưởng ứng.
Mục tiêu mỗi người dân là một chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy, từ đó giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại do hỏa hoạn gây ra. Mỗi hộ dân cần nâng cao ý thức, tự kiểm tra lại nguy cơ cháy ở nhà mình, chủ động chuẩn bị các phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra, dự kiến các lối thoát nạn khác ngoài cửa chính như ban công, sân thượng...; không lắp đặt biển quảng cáo, lồng sắt, lưới sắt tại ban công của nhà; không khóa cửa lên mái, trường hợp cửa có khóa cần quy định vị trí để chìa khóa.
Cùng với đó, người dân cần bố trí, sắp xếp vật dụng, hàng hóa gọn gàng, không che chắn, cản trở lối thoát nạn, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt tối thiểu 0,5 m. Nơi chứa, chất hàng nguy hiểm về cháy nổ phải bố trí tách biệt với nơi ở, sinh hoạt; không tích trữ xăng, dầu, chất lỏng dễ cháy ở trong nhà.
Các gia đình lắp đặt những thiết bị bảo vệ cho hệ thống điện chung của tòa nhà; bố trí riêng biệt hệ thống điện của khu vực sản xuất, kinh doanh và khu vực nhà ở gia đình; tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, trước khi đi ngủ và khi ra khỏi nhà…