Miền Nam trong trái tim Người
Bác Hồ với các thiếu nhi dũng sĩ diệt Mỹ từ miền Nam ra thăm miền Bắc
Bài liên quan
Lễ kỷ niệm 65 năm Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc
Nhân cách người đảng viên theo tư tưởng của Bác Hồ
“Miền Nam yêu quý luôn luôn ở trong trái tim tôi”
Nói về những tình cảm của Bác đối với đồng bào miền Nam đó là sự quan tâm, chăm sóc, là tình yêu thương được hình thành và bồi đắp qua năm tháng. Bác luôn dùng những lời lẽ cao quý nhất, trang trọng và tha thiết nhất để ca ngợi tinh thần bất khuất, sự kiên cường, lòng yêu nước sâu sắc của đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Người tặng danh hiệu "Thành đồng Tổ quốc" cho nhân dân miền Nam, tặng phụ nữ miền Nam tám chữ vàng "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang".
Trong suốt hai cuộc chiến ác liệt, Bác luôn nghĩ về nhân dân miền Nam và quyết tâm cho cuộc chiến đấu thống nhất đất nước. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy cam go, quyết liệt, miền Nam là tiền tuyến, miền Bắc là hậu phương vững chắc, tập trung sức người sức của. Nghe theo lời kêu gọi của Bác, biết bao thanh niên ưu tú miền Bắc bằng ý chí quyết tâm, niềm tin về sự thống nhất đất nước đã xẻ dọc Trường Sơn vào Nam đánh Mỹ.
Các phong trào thi đua "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt"; "Thanh niên ba sẵn sàng"; "Phụ nữ ba đảm đang"; nông thôn thi đua "chắc tay súng, vững tay cày", bảo đảm "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" được đồng bào ở khắp nơi hưởng ứng mạnh mẽ. Công trường, nhà máy làm việc 3 ca, người ở lại làm thay người ra trận. Những đoàn xe hối hả ngày đêm, nối đuôi nhau ra tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt.
Để động viên tinh thần chiến sĩ và nhân dân miền Nam, Bác đã gửi tới miền Nam hàng ngàn bức thư, bức điện, bài nói, bài viết… Trong những bức thư ấy luôn là những lời động viên, thăm hỏi đầy tha thiết: “Bác rất vui lòng gửi đến các cô, các chú lời khen nhiệt liệt nhất, thân ái nhất. Giặc Mỹ đã thua nặng. Nhưng chúng vẫn chưa bỏ dã tâm xâm lược, chưa chịu rút quân ra khỏi nước ta. Vậy ta phải tiếp tục đánh mạnh, đánh đau, đánh cho đến khi Mỹ, ngụy thất bại hoàn toàn, cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng”.
Năm 1969, khi tiếp nhà báo Marta Rojas (báo Granma - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba) Bác đã tâm sự: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi. Tôi nghĩ rằng, tôi chưa làm tròn nghĩa vụ cách mạng của tôi đối với đồng bào miền Nam. Mặc dù vậy, tôi biết rằng, đồng bào miền Nam vẫn yêu quý tôi như tôi yêu quý đồng bào. Ở miền Nam, tôi không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là Bác Hồ”.
Trước khi đi xa, Người đã để lại bản Di chúc với những dòng thiết tha, thương nhớ hướng về miền Nam và khẳng định cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta nhất định thắng lợi hoàn toàn. Trong cuốn sổ tay của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi lại diễn biến những ngày cuối cùng của Bác có viết: "Từ 24/8/1969 trở đi, Bác mệt nặng… Ngày 26/8/1969: Hằng ngày, Bác vẫn hỏi: Hôm nay miền Nam đánh thắng ở đâu?".
Bác Hồ chăm sóc cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi tặng |
“Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà”
Bác tạm biệt bà con nhân dân Nam Bộ lên tàu La-tu-sơ sang Pháp tìm đường cứu nước năm 1911 từ Bến cảng Nhà Rồng. Trải qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, không một phút nào là Bác không nghĩ đến đồng bào miền Nam ruột thịt. Bác mong được vào miền Nam để thăm đồng bào và chiến sĩ. Ước mong đó luôn thường trực trong tâm trí của Người.
Vì hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, chưa thể bố trí Bác vào thăm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam, nên khi có các đoàn đại biểu của miền Nam ra miền Bắc, các đồng chí Văn phòng Trung ương đều sắp xếp để Bác gặp gỡ.
Trong thư gửi bộ đội, cán bộ và gia đình cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954, Bác từng viết rằng đến ngày hòa bình, thống nhất, đồng bào sẽ vui vẻ trở về quê cũ. Lúc đó, Bác có thể sẽ cùng đồng bào vào thăm miền Nam yêu quý. Nhiều lần Bác gửi thư cho Bộ Chính trị yêu cầu bố trí để Người đi thăm hỏi, động viên đồng bào, chiến sĩ miền Nam đang chiến đấu gian khổ. Do tuổi đã cao, sức yếu nên ước nguyện của Bác vẫn chưa thành.
Đầu năm 1968, trong thư gửi đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bác nói rõ ý định, nêu cách đi, thời gian và lịch trình cho chuyến đi vào miền Nam của mình. Đến năm 1969, ở tuổi 79 tuổi, cái tuổi "xưa nay hiếm" nhưng khi gặp các đồng chí Phạm Hùng và Hoàng Văn Thái từ miền Nam ra họp, Bác vẫn nhắc tới việc vào thăm miền Nam.
Trước khi hai đồng chí trở lại chiến trường, Người hỏi: Các chú có thể chuẩn bị cho Bác sớm vào thăm đồng bào miền Nam được không? Đồng chí Phạm Hùng và đồng chí Hoàng Văn Thái đã xúc động thưa: "Chúng cháu nhất định hoàn thành nhiệm vụ để sớm rước Bác vào Nam".
Cho tới những năm cuối đời, tuy sức khỏe đã yếu mệt, Bác vẫn đề nghị tổ chức cho Bác đi vào miền Nam nhưng các đồng chí phụ trách có thưa với Bác rằng theo tiến triển của cuộc chiến thì có thể không bao lâu nữa sẽ thắng lợi hoàn toàn. Lúc bấy giờ Bác sẽ đi thăm đồng bào miền Nam. Sau khi nghe xong Bác chỉ nói: “Chính bây giờ Bác cần và tha thiết cần đi miền Nam để cùng đồng bào miền Nam chiến đấu, chứ còn đến ngày thắng lợi, lúc đó mới vào thì còn nói làm gì!”.
Tại Phủ Chủ tịch, nơi Bác sống và làm việc trong 15 năm, lưu giữ rất nhiều hình ảnh hiện vật, tài liệu in sâu tình cảm của Bác với đồng bào miền Nam. Từ những hình ảnh quen thuộc như cây vú sữa, cây dừa miền Nam đến những cuốn sách nói về gương các anh hùng dũng sĩ miền Nam như: “Người con gái Bến Tre” viết về nữ anh hùng Tạ Thị Kiều, cuốn “Rừng núi diệt thù” viết về gương dũng cảm của anh hùng A Vai ở Tây Nguyên, cuốn “Người trinh sát trí dũng song toàn” viết về anh hùng Trần Dưỡng... Tất cả những hiện vật trên phần nào thể hiện nỗi “nhớ nhà” của Bác.
Bác từng nói: “Nếu không có đường nào khác thì tổ chức cho Bác đi bộ, các chú đi được thì Bác đi được”. Để chuẩn bị cho chuyến đi đặc biệt vào miền Nam này, hằng ngày Bác vẫn âm thầm, bền bỉ rèn luyện sức khỏe, tích cực đi bộ, tập leo núi. Trong vườn hoa Phủ Chủ tịch, con đường nhỏ đã trở thành con đường mòn Bác đi bộ hàng ngày sau khi đi chữa bệnh về và Người đặt tên là đường Trường Sơn. Khi Người qua đời mọi người mới hiểu Bác dùng con đường này tập luyện hàng ngày để có thể vượt Trường Sơn vào Nam thăm đồng bào, đồng chí.
Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân, hi sinh cho dân tộc. Vị lãnh tụ vĩ đại ấy luôn dành một tình cảm đặc biệt dành cho đồng bào miền Nam. Đó là tình cảm của Người cha dành cho các con, của Người biết đau và ôm trọn nỗi đau của mọi người.