Mạnh tay xử lý vi phạm nồng độ cồn, không có ngoại lệ
Hơn 550 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong 9 tháng
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn quốc đã triển khai quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát Giao thông, tính chung trong 9 tháng năm 2023, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý hơn 2,5 triệu trường hợp vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trong đó hơn 550 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chiếm 22% tổng số trường hợp bị xử phạt.
Nhiều lái xe gây khó dễ cho lực lượng chức năng khi kiểm tra nồng độ cồn |
Việc xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn - một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông - được Cục Cảnh sát Giao thông nhấn mạnh là xuyên suốt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Điều này được thể hiện bằng những kết quả cụ thể với việc không ít trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, thậm chí cả những người trong ngành Công an, vi phạm nồng độ cồn đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tại Hà Nội, thời gian qua, các tổ công tác đã tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn với phương châm “không có vùng cấm”. Đơn cử như sáng 30/9, sau hàng giờ xử lý, tổ công tác kiểm tra chéo thuộc Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) làm nhiệm vụ trên địa bàn quận Hà Đông, đã niêm phong ô tô Camry mang biển kiểm soát 30G-053.xx do lái xe N.Đ.Đ (ở Yên Bái) không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn, đe dọa hành hung người lái xe cẩu. Hành động trên đồng nghĩa với việc lái xe N.Đ.Đ sẽ bị xử lý ở mức kịch khung, tương đương với hơn 40 triệu đồng tiền phạt.
Tiếp đó, tối 1/10, tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 6 làm nhiệm vụ trên đường Nguyễn Cơ Thạch, quận Nam Từ Liêm đã kiểm tra xe Toyota Land Cruiser mang biển kiểm soát 30H-175xx. Kết quả kiểm tra, lái xe vi phạm nồng độ cồn 0,264mg/lít khí thở.
Sau khi xin "giải quyết nhanh" không được, lái xe T.V.Đ giở bài chây ỳ không ký biên bản, nói không nhớ ngày tháng năm sinh và nhà ở đâu. Lái xe cũng không xuất trình được giấy phép lái xe. Tổ công tác đã phải mời người chứng kiến ký biên bản, đồng thời gọi xe cẩu đến kéo ô tô về nơi tạm giữ để tiếp tục củng cố hồ sơ xử lý theo quy định. Với mức vi phạm này, lái xe Đ bị xử phạt 17 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 17 tháng.
Theo Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm điều tra tai nạn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông, với những trường hợp tự ý bỏ đi không chấp hành đo nồng độ cồn sẽ bị xử lý mức cao nhất, cùng với trường hợp không khai báo, khai báo quanh co không đúng tên tuổi, địa chỉ… khi đến làm việc với cơ quan chức năng, người vi phạm tự đánh mất quyền lợi, phải chứng minh bản thân là người vi phạm.
Tiếp tục xử lý nghiêm vi phạm, không có vùng cấm
Đáng chú ý, quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện, xử lý nhiều người là công chức, viên chức, công an, bộ đội, luật sư… vi phạm nồng độ cồn. Có trường hợp không chấp hành đo nồng độ cồn, thậm chí có trường hợp chống đối, tấn công lực lượng làm nhiệm vụ... và đã bị khởi tố.
Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn với một nữ tài xế trên đường Giải Phóng, Hà Nội |
Theo ông Nguyễn Tuấn Ninh, Vụ trưởng Vụ Công chức Viên chức (Bộ Nội vụ), việc Bộ Công an xử lý cán bộ, công chức vi phạm nồng độ cồn nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Đồng thời đề cao vai trò trách nhiệm của công chức, viên chức trong thực hiện theo Chỉ thị 10/CT-TTg năm 2023 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Về căn cứ xử lý các vi phạm của cán bộ, công chức sau khi gửi văn bản thông báo vi phạm nồng độ cồn về cơ quan, đơn vị, ông Ninh cho biết, bên cạnh bị xử phạt hành chính theo quy định, có thể căn cứ vào Nghị định 112 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Nghị định này không nêu cụ thể hành vi bị xử lý kỷ luật về giao thông đường bộ, bởi còn hàng nghìn các vi phạm pháp luật khác không thể kể hết ra. Tuy nhiên, có thể căn cứ vào các quy định về hành vi chung nêu trong nghị định. Các cơ quan, đơn vị xem xét xử lý theo từng mức độ của hành vi vi phạm. Ngoài ra, có thể căn cứ vào Nghị định số 90/2020/NĐ-CP của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.
Theo Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an đã ban hành các công điện chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp với tỉnh ủy, thành ủy, UBND các cấp cùng vào cuộc xử lý. Với quan điểm xử lý kiên quyết, triệt để đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn, tất cả các trường hợp vi phạm đều bị lập biên bản và tạm giữ phương tiện.
Từ nay đến cuối năm 2023, Cục Cảnh sát Giao thông sẽ thường xuyên cử tổ công tác phối hợp Công an các địa phương tổ chức chuyên đề xử lý vi phạm giao thông, đặc biệt là xử lý vi phạm nồng độ cồn nhằm kéo giảm tai nạn giao thông, hình thành thói quen "đã uống rượu, bia, không lái xe". Để lan tỏa thông điệp xử lý vi phạm về nồng độ cồn với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, lực lượng Cảnh sát Giao thông tăng cường tuyên truyền, sử dụng xe thông tin lưu động cảnh báo đến các khu dân cư, khu vực tập trung nhiều người, để người dân biết và thực hiện.
Tại Hà Nội, trong 3 tháng cuối năm 2023, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã giao Phòng Cảnh sát giao thông, công an quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm soát, xử lý các trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm về nồng độ cồn.
Đặc biệt, các lực lượng xử lý nghiêm đối với các trường hợp là cán bộ, chiến sĩ công an vi phạm, không để ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của ngành; Đồng thời, tăng cường thực hiện kế hoạch về phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội.