Ly hôn giả đối diện sự thật trớ trêu
Trớ trêu thật - giả
Ông H và bà T (trú tại Quảng Ninh) thống nhất ra tòa ly hôn (thực chất là ly hôn giả nhằm trốn tránh việc trả nợ khi ông H về quê). Theo đó, ông H thỏa thuận giao toàn bộ nhà cửa lại cho bà T và hai con gái.
Tuy nhiên, ông H về quê lại kết hôn với một phụ nữ khác. Khi bà T về quê chung sống cùng chồng thì bị người phụ nữ này đánh ghen, đòi kiện về tội ngoại tình, phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác.
Ảnh minh hoạ |
Trường hợp của chị QA mặc dù đã lấy chồng ở Việt Nam nhưng vì muốn được sang nước ngoài định cư nên đã bàn bạc với chồng sẽ ly hôn giả để chị được kết hôn với anh KL - có quốc tịch nước ngoài.
Chị QA và anh C thỏa thuận sẽ ly hôn tại Việt Nam, sang được nước ngoài để kết hôn và được định cư tại đó thì sẽ ly hôn với anh KL. Sau đó, chị QA đón anh C từ Việt Nam sang để kết hôn lại.
Trớ trêu thay, sau 5 năm sinh sống ở nước ngoài, khi đề cập đến vấn đề theo kế hoạch đã định trước, anh C chỉ nhận được những lời hứa hẹn bâng quơ của chị QA. Thậm chí, tin nhắn và cuộc gọi giữa chị QA và anh C thưa dần. Gần đây, do nghi ngờ chị QA đã sinh sống hẳn với anh KL, bỏ anh và con gái, nên anh C đã chủ động đi tìm mối quan hệ mới.
Ly hôn giả, hậu quả thật
Theo pháp luật hiện hành, trường hợp của ông H và bà T đã đồng thuận ly hôn và phân chia tài sản chung nên tòa ban hành quyết định ly hôn là đúng pháp luật. Khi bản án, quyết định ly hôn của tòa án có hiệu lực thì ông H có quyền kết hôn với người khác.
Trong trường hợp ông H có vợ khác (đã đăng ký kết hôn) thì việc ông H và bà T vẫn chung sống với nhau như vợ chồng là trái pháp luật, bị pháp luật cấm. Việc vợ mới của ông H đòi thưa kiện bà T về tội ngoại tình là đúng pháp luật.
Khoản 15 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình định nghĩa như sau: Ly hôn giả tạo là việc lợi dụng ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân. |
Còn trường hợp của chị QA và anh C đã có hành vi ly hôn giả tạo không nhằm mục đích chấm dứt quan hệ hôn nhân và để chị A được nhập quốc tịch nước ngoài. Hai người có sự bàn bạc kỹ lưỡng. Tuy nhiên, hậu quả lại nằm ngoài suy đoán của anh C khiến anh này “mất vợ”.
Mặc dù thực tế không ít vụ ly hôn giả không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân song tòa lại rất khó xác định và chứng minh việc vợ chồng đồng thuận ly hôn là ly hôn giả tạo. Bởi, một khi cả hai đã bàn bạc, thống nhất sẽ tạo chứng rất thuyết phục và hợp lý.
Bên cạnh đó, mặc dù có thể mục đích ly hôn là giả tạo nhưng khi có bản án, quyết định của Tòa về việc ly hôn đã có hiệu lực thì quan hệ hôn nhân giữa vợ, chồng cũng chấm dứt.
Đặc biệt, nếu hai người từng là vợ, chồng, đã có bản án, quyết định ly hôn mà muốn về sống với nhau thì bắt buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn lại.
Vì thế, điều quan trọng là các cặp vợ chồng cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định ly hôn để không phải rơi vào cảnh ly hôn giả nhưng những hệ lụy phải gánh chịu là thật.
Theo luật sư Nguyễn Thị Hồng Vân, căn cứ điểm a khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình, ly hôn giả tạo là một trong những hành vi bị cấm trong quan hệ hôn nhân và gia đình.
Theo đó, nếu ai vi phạm thì sẽ bị xử phạt theo điểm đ khoản 2 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 10-20 triệu đồng: Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.
Đồng thời, người vi phạm còn bị buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.