Quyền lợi của trẻ em trong vụ án ly hôn cần được đặt lên hàng đầu
Cuộc ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng “vua càphê” Trung Nguyên Hậu quả của ngoại tình: Từ ly hôn đến những vụ án đau lòng |
Quyền lợi của con đã được xem xét thấu đáo?
Anh Nguyễn Văn Hưng cùng chị Nguyễn Thị Hiền kết hôn từ năm 2011 và sống cùng gia đình bố mẹ đẻ anh Hưng tại xã Hải Phong, Hải Hậu, Nam Định. Hai người có một con chung là cháu Nguyễn Mạnh Dũng (sinh năm 2012).
Mỗi tối, anh Hưng đều kèm cháu Dũng học bài |
Ngày 30/9/2020, TAND huyện Hải Hậu mở phiên tòa sơ thẩm vụ án ly hôn giữa anh Hưng và chị Hiền. Bản án sơ thẩm đưa ra một số lập luận mà anh Hưng và phía luật sư bào chữa cho rằng khá “ưu ái” về phía chị Hiền như chị là phụ nữ, có công việc và chỗ ở ổn định… để giao cháu Dũng cho chị Hiền nuôi dưỡng. Tuy nhiên, có đúng bản án đã đặt lợi ích, nguyện vọng của cháu Dũng lên hàng đầu?.
Theo anh Hưng, đầu năm 2020, anh chị ly thân, cháu Dũng vẫn ở cùng với anh Hưng từ đó tới nay. Việc chị Hiền không chung thủy là nguyên nhân dẫn tới hôn nhân tan vỡ. Anh Hưng cũng đã cung cấp cho tòa video quay cảnh chị Hiền đang ở cùng phòng khách sạn với một người đàn ông, hình ảnh chụp các tin nhắn ngoại tình của chị với người đàn ông này.
Anh Hưng bức xúc: “Với việc bỏ đi ngoại tình thì liệu cô Hiền có đủ gương mẫu cũng như mức độ quan tâm của một người mẹ để nuôi dạy cháu Dũng? Trong khi tôi có điều kiện nuôi con hơn cả về tình cảm và vật chất, đặc biệt cháu Dũng tha thiết mong muốn ở cùng tôi lại không được tòa xem xét?”.
Tiếp xúc với phóng viên, khi được hỏi chuyện, cháu Dũng cho biết từ nhỏ tới lớn, bố và ông bà nội là những người gần gũi, quan tâm, chăm lo cho cháu nhất. Ngay cả sinh nhật cháu mà mẹ cháu cũng không hỏi han gì cháu. Đọc bức thư cháu viết muốn được ở cùng bố, chúng tôi mới thấy hết được tâm tư, tình cảm của cháu nhỏ.
Luật sư “tố” tòa vi phạm tố tụng
Không đồng tình với bản án sơ thẩm, luật sư Hoàng Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Luật TNHH Gia Anh, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) - người trực tiếp tham gia bào chữa vụ án này cho rằng: “Khoản 2, Điều 81, Luật Hôn nhân và Gia đình quy định rõ nguyên tắc tòa án phải căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; Nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên (như cháu Dũng) thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Từ nhỏ tới lớn, cháu Dũng vẫn sinh sống tại xã Hải Phong, Hải Hậu và học tập ổn định tại trường ở ngay gần nhà anh Hưng. Bố và ông bà nội là những người gần gũi chăm sóc, dạy dỗ cháu nhất. Hiện tại cả hai ông bà nội cháu đều còn khỏe mạnh nên hỗ trợ rất tốt cho anh Hưng trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng cháu.
Ngược lại, nếu được giao cho chị Hiền nuôi dưỡng thì cháu Dũng sẽ phải chuyển đến địa phương khác sinh sống và học tập trong môi trường xa lạ, gây xáo trộn hoàn toàn cuộc sống, học tập của cháu. Chính vì vậy mà khi Tòa hỏi, cháu đã nêu rõ tâm tư, nguyện vọng là muốn ở cùng bố, không muốn ở với mẹ”.
Cũng theo luật sư Tuấn Anh, hiện anh Hưng đang có công việc ổn định với thu nhập 15 triệu đồng/tháng. Nơi làm việc của anh chỉ cách nhà khoảng 3km và hàng ngày anh vẫn giành thời gian đưa đón cháu Dũng đi học, tối về kèm cháu học bài.
Về phía chị Hiền phải làm cùng lúc hai công ty, mất nhiều thời gian cho công việc hơn, nhưng tổng mức thu nhập cũng chỉ được 15 triệu đồng/tháng.
Tại thời điểm phiên tòa sơ thẩm diễn ra, anh Hưng vốn đã có nhà cửa độc lập (được tặng cho riêng) ở ngay sát nhà của bố mẹ đẻ anh, hoàn toàn thuận lợi cho việc sinh sống và học tập của cháu Dũng. Ngoài ra, hiện anh Hưng đã được bố mẹ tặng cho thêm một nhà đất nữa và anh đang sử dụng để cho thuê với mức thu nhập thêm là 6 triệu đồng/tháng”.
Luật sư Hoàng Tuấn Anh phân tích: “Tòa án sơ thẩm đã tiến hành thu thập thông tin, tài liệu về việc kinh doanh của vợ chồng anh Hưng, lấy lời khai về nguyện vọng của cháu Dũng.
Điều 21, Bộ Luật tố tụng dân sự quy định rất rõ vai trò bắt buộc của Viện kiểm sát tham gia những vụ án do tòa án tiến hành thu thập chứng cứ như vụ án này, để bảo đảm việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật. Vậy mà, tòa án sơ thẩm đã “phớt lờ” hoàn toàn nghĩa vụ mời Viện kiểm sát tham gia vụ án này.
Không những vậy, tại phiên tòa, khi tôi đề nghị cho công bố các chứng cứ làm rõ việc ngoại tình của chị Hiền để xác định chị Hiền có phù hợp với việc nuôi dạy cháu Dũng hay không thì thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã không cho công bố (vi phạm Điều 254, Bộ Luật tố tụng dân sự), trong khi đó lại ghi nhận tại Bản án sơ thẩm rất khó hiểu rằng chưa có căn cứ pháp lý chứng thực việc chị Hiền không chung thủy”.
Dư luận đang rất mong chờ vào việc xét xử phúc thẩm của TAND tỉnh Nam Định nguyên tắc đảm bảo quyền lợi, nguyện vọng của trẻ em được thực thi.