“Liều thuốc tăng lực” giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh
Doanh nghiệp vận dụng linh hoạt nhiều giải pháp
Ngay từ những tháng đầu năm 2020 khi mới bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu, tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Theo một kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp có quy mô càng lớn, tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động từ dịch Covid-19 càng cao.
Cụ thể, trong nhóm doanh nghiệp lớn, tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động bởi dịch là 92,8%; Trong khi đó, tỷ lệ này của nhóm doanh nghiệp vừa là 91,1%, nhóm doanh nghiệp nhỏ là 89,7% và nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ là 82,1%.
Điều này có thể lý giải, các doanh nghiệp có quy mô lớn thường là những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa ngành nghề, có chuỗi giá trị liên kết trong nước và quốc tế chặt chẽ, rộng hơn nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ nên sẽ chịu tác động lan tỏa nhiều hơn khi dịch bệnh bùng phát trên phạm vi toàn cầu.
Các doanh nghiệp đã vận dụng linh hoạt nhiều giải pháp để vượt qua “cơn bão” dịch bệnh |
Mặc dù trong năm 2020 vừa qua, Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương, tuy nhiên số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lại cho thấy, có đến 101.700 doanh nghiệp rời thị trường, tăng 13,9% so với năm 2019 (46.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 37.700 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, 17.500 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể).
Riêng 5 tháng đầu năm 2021, trung bình mỗi tháng có gần 12.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Có thể nói, hiện tại đang là thời điểm khó khăn chồng chất khó khăn, doanh nghiệp đang phải gồng mình vượt qua.
Báo cáo kết quả tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng thế giới (WB) công bố giữa tháng 3/2021 cũng cho thấy, đại dịch Covid-19 có tác động rất tiêu cực đến doanh nghiệp.
Trung bình mỗi tháng có 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Dịch Covid-19 đã gây xáo trộn rất nhiều hoạt động, kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Để ứng phó với đại dịch, vượt qua khó khăn, có tới 92% doanh nghiệp tư nhân và 96% doanh nghiệp FDI cho biết đã thực hiện một hoặc nhiều biện pháp ứng phó.
Cụ thể 57% doanh nghiệp tư nhân và 71% doanh nghiệp FDI thực hiện cấp đồ bảo hộ phòng dịch cho người lao động; 37% doanh nghiệp tư nhân, 40% doanh nghiệp FDI chủ động triển khai phương thức, mô hình làm việc mới, linh hoạt hơn; 20% doanh nghiệp tư nhân, 24% doanh nghiệp FDI dự trữ hàng hóa và nguyên vật liệu; 13% doanh nghiệp tư nhân, 15% doanh nghiệp FDI đã tiến hành hoạt động đào tạo kỹ năng số cho người lao động...
Dịch Covid-19 đã gây xáo trộn rất nhiều hoạt động, kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp |
Có thể nhìn ra rằng, dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng sâu, rộng tới mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, kéo theo hàng loạt những vấn đề mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, như thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh, thị trường cung - cầu trong nước bị thu hẹp, hoạt động xuất, nhập khẩu bị đình trệ...
Những khó khăn này đã gây ra những gánh nặng cho doanh nghiệp. Trong đó, chi trả tiền công lao động được đánh giá là gánh nặng lớn nhất đối với doanh nghiệp hiện nay, vì dịch Covid-19 làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, bên cạnh đó doanh nghiệp còn chịu áp lực từ các khoản chi phí rất lớn để duy trì hoạt động của doanh nghiệp, như: chi phí thuê mặt bằng, chi trả lãi vay ngân hàng, chi phí thường xuyên khác…
Để doanh nghiệp vượt qua “cơn bão” dịch bệnh
Để thích ứng với tình hình dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển hướng đi mới. Các giải pháp được doanh nghiệp thực hiện chủ yếu bao gồm: Đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, chuyển đổi mặt hàng sản phẩm chủ lực, tích cực tìm kiếm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào cũng như tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra…
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng thực hiện những giải pháp tạm thời, như phối hợp với những doanh nghiệp khác để chuyển đổi nghề cho người lao động; chẳng hạn, có không ít doanh nghiệp khách sạn đã phối hợp với một số chuỗi siêu thị để giải quyết việc làm cho các nhân viên khách sạn không có việc làm. Những nhân viên khách sạn này được các chuỗi siêu thị tiếp nhận để sắp xếp vào vị trí nhân viên bán hàng, đi giao hàng và các bên cùng thống nhất cụ thể về lương, chế độ và thời gian làm việc…
Để thích ứng với tình hình dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển hướng đi mới |
Để tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay, ngày 19/4/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NÐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021...
Các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong hơn 50 lĩnh vực được hưởng lợi từ chính sách này. Theo các chuyên gia, Nghị định 52 có đối tượng áp dụng mở rộng hơn, thời gian giãn nộp kéo dài hơn so với trước, giúp các doanh nghiệp giảm bớt những khó khăn. Tuy nhiên, để doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn trong tình hình hiện nay, ngoài các gói hỗ trợ về tài chính, giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân, cần giữ ổn định môi trường chính sách, tránh tăng thuế, phí trong thời gian này.
Với sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ trong giai đoạn vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ đã nhanh chóng đưa ra các giải pháp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Các doanh nghiệp cũng kỳ vọng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ, thủ tục giải ngân hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, như nâng cao tính khả thi của các giải pháp hỗ trợ, nâng cao khả năng tiếp cận của doanh nghiệp tới gói hỗ trợ như cắt giảm thủ tục, giấy tờ chứng minh, xét duyệt, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong phổ biến kịp thời công văn hướng dẫn cụ thể về đối tượng áp dụng, mức độ áp dụng và quy trình thực hiện tới từng doanh nghiệp...
Tuỳ theo tình hình thực tế, các doanh nghiệp tăng cường sự linh hoạt, sáng tạo chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả trong giai đoạn cả nước và toàn cầu vẫn đang phải gánh chịu tác động của dịch bệnh. Tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt các công nghệ lõi có tính tiên phong.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; chuẩn hóa sản xuất, kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của các thị trường quốc tế. Tăng cường liên kết, hợp tác kinh doanh phát triển các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ, tiến tới nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu…