Lễ hội hoa Tam giác mạch tỉnh Hà Giang lần thứ VI: Sắc hoa cao nguyên đá
Lễ hội hoa cúc chùa Ba Vàng 2020 - Hướng về miền Trung thân yêu |
Truyền thuyết về loài hoa tam giác mạch được người dân bản địa kể lại rằng: Nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô đi gieo hạt nơi hạ giới, hạt gieo xong, mày trấu, mày ngô chẳng biết làm gì, hai nàng bèn đổ vào khe núi.
Cây ngô, cây lúa lớn lên cho hạt, người người lấy hạt về ăn. Cho đến khi hạt ngô, hạt lúa trong nhà đã cạn mà vụ mùa sau vẫn chưa tới, cái đói kéo về u ám bản làng, mọi người mới chia nhau đi khắp núi rừng để tìm cái ăn.
Bánh Tam giác mạch (Ảnh: Lê Thúy) |
Nhiều ngày trôi qua, nhiều nơi đã đến mà vẫn chưa thấy gì có thể làm no cái bụng. Bỗng một hôm, thoảng bay trong gió mùi hương lạ, từ trước đến giờ chưa ai được ngửi. Mọi người lần theo mùi hương ấy đến khe núi và ngỡ ngàng khi thấy một rừng hoa li ti trải dài suốt từ núi bên này sang núi bên kia.
Ăn thử hạt của hoa thấy ngon không kém gì ngô và gạo bèn mang về làm lương thực, khói bếp lại bay lên mỗi chiều. Vì cây họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa, mày ngô, nên gọi là mạch, lá lại có hình tam giác, vậy là cái tên “tam giác mạch” ra đời.
Hoa tam giác mạch – “nàng hoa”của núi rừng (Ảnh: Tăng Hồng Quân) |
Thuở ban đầu, tam giác mạch chỉ được sử dụng để làm bánh hoặc trộn với ngô nấu rượu. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhận thấy vẻ đẹp tiềm ẩn của loài hoa này có thể đem lại giá trị cho ngành du lịch, tỉnh Hà Giang đã tuyên truyền, vận động bà con người Mông cùng tham gia trồng hoa tam giác mạch. Đồng thời, Lễ hội hoa Tam giác mạch cũng được tổ chức hàng năm để thu hút du khách.
Đến nay, Lễ hội hoa Tam giác mạch đã trải qua 5 mùa với nhiều ấn tượng để lại trong lòng du khách. Nối tiếp truyền thống đó, Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ VI năm 2020 sẽ được tổ chức với chủ đề “Sắc hoa cao nguyên đá”. Đặc biệt hơn nữa, năm 2020 còn đánh dấu cột mốc 10 năm Cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Du khách say sưa chụp ảnh hoa Tam giác mạch (Ảnh: Đỗ Ngọc Sơn) |
Chính vì vậy, lễ hội lần này không chỉ tôn vinh giá trị di sản và sức sống mãnh liệt của đồng bào các dân tộc sống tại miền núi đá, góp phần khẳng định thương hiệu du lịch của tỉnh Hà Giang gắn liền với loài hoa tam giác mạch, mà còn giới thiệu tới các đại biểu và du khách những giá trị văn hóa đặc sắc, di sản địa chất độc đáo gắn với Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn.
Điểm nổi bật của Lễ hội hoa Tam giác mạch tỉnh Hà Giang năm 2020 chính là chương trình nghệ thuật khai mạc sẽ diễn ra vào tối ngày 28/11. Chương trình được thực hiện tại 2 điểm cầu: Sân khấu chính tại Quảng trường 26/3 (TP Hà Giang) và điểm cầu tại thị trấn Đồng Văn. Nội dung chương trình ngoài phần trình diễn mở màn và phần lễ gồm 3 chương: Huyền thoại miền đá, đá nở hoa và sắc hoa vươn xa.
Phối cảnh dự kiến chương trình nghệ thuật Kỷ niệm 10 năm Cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO và Lễ hội hoa Tam giác mạch tỉnh Hà Giang lần thứ VI năm 2020 |
Với âm thanh, ánh sáng và âm nhạc hiện đại, chương trình nghệ thuật hứa hẹn sẽ thể hiện tới khán giả một Hà Giang đổi mới, trẻ trung, nhưng vẫn giữ nguyên các giá trị bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng cao núi đá. Đặc biệt, chương trình cũng sẽ được phát trực tiếp trên các nền tảng số của tỉnh Hà Giang, để những người con xa xứ những du khách chưa có cơ hội đến thăm vùng đất này cũng có thể được ngắm nhìn sự phát triển của vùng cực Bắc Tổ quốc.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ lễ kỷ niệm còn có nhiều hoạt động ý nghĩa, hấp dẫn như: Giải đua xe địa hình với chủ đề “Tinh thần đá”, Liên hoan văn hóa ẩm thực 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP Hồ Chí Minh… cùng các hoạt động du lịch trải nghiệm hấp dẫn khác chờ đợi du khách thập phương đến khám phá.
Cuối tuần đến Hồ Gươm ngắm hoa tam giác mạch, thưởng thức đặc sản Hà Giang |
Lên cáp treo Fansipan ngắm hoa tam giác mạch mùa lễ hội |
Lễ hội “Hoa Tam giác mạch” - Bản tình ca từ đá |