Lấy thông tin người mua thuốc cảm, sốt: Nhiều hiệu thuốc lớn phớt lờ chỉ đạo!
Chị Nguyễn Thị Thu Trang (Hiệu thuốc 24h) tư vấn bán thuốc cho khách hàng
Bài liên quan
Hà Nội khuyến cáo các cửa hàng đóng cửa, người dân ở trong nhà càng nhiều càng tốt
Hiệu thuốc “găm hàng” không bán khẩu trang phòng dịch corona sẽ bị xử lý nghiêm
Phớt lờ chỉ đạo
Trước diễn biến phức tạp của ca bệnh của bệnh nhân 243, do người này tự mua thuốc có biểu hiện ho, sốt và đi lại khắp nơi khi các triệu chứng trên giảm đi, ngày 13/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Y tế Hà Nội phải thông tin tới 7.000 hiệu thuốc trên địa bàn về nhiệm vụ tham gia phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, ngành y tế Hà Nội phải yêu cầu tất cả các hiệu thuốc khi bán cho những trường hợp mua thuốc cảm, sốt, ho phải có khai báo y tế và báo ngay cho y tế của phường tổ chức lấy mẫu xét nghiệm với Covid-19.
Chiều ngày 18/4, trong vai người đi mua thuốc, phóng viên có mặt tại Nhà thuốc Minh Tiến (số 5 Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân). Tại đây, mặc dù Hà Nội đang trong thời gian cách ly xã hội nhưng tại hiệu thuốc này, nhiều người đến mua đứng sát nhau trước quầy. Nhân viên bán hàng không nhắc nhở hay có bất kỳ biện pháp phòng, chống dịch bệnh nào. Được biết, đây là một trong những hiệu thuốc lớn nhất tại phường Thanh Xuân Bắc. Hằng ngày, người đến hiệu thuốc đều rất đông.
Người mua thuốc ho, cảm, sốt tại Nhà thuốc Minh Tiến không được nhân viên kê khai y tế |
Khi phóng viên hỏi mua thuốc cho người nhà bị ho, sốt, cần mua thuốc hạ sốt, đau đầu, thì ngay lập tức được nhân viên nhanh nhẹn lấy thuốc, thanh toán tiền. Một số người mua thuốc hỏi có cần khai báo y tế gì không thì nhân viên tại đây cho biết không cần phải khai báo gì hết.
Theo quan sát của phóng viên tại quầy bán cũng không hề có giấy kê khai y tế hay việc nhân viên ghi lại thông tin người mua thuốc ho, cảm sốt.
Tiếp tục trong vai người có triệu chứng cảm, ho và sốt nhẹ, phóng viên đã tiếp cận một số hiệu thuốc tại khu đô thị Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội). Các nhân viên tại các hiệu thuốc này cũng chỉ hỏi qua triệu chứng mà không yêu cầu khách hàng khai báo y tế và thuốc kháng sinh vẫn được bán như bình thường. Tại một cửa hàng khác trên phố Nguyên Hồng, việc khai báo thông tin chỉ diễn ra khi phóng viên chủ động hỏi người bán.
Ngược lại, khi đi mua thuốc ho tại Hiệu thuốc Phú Gia II trên đường Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội, phóng viên lại nhận được những câu hỏi từ phía nhân viên cửa hàng về các triệu chứng bệnh cũng như được đo nhiệt độ thân thể tại quầy.
“Triệu chứng cụ thể của chị là gì, khi ho có đờm không? Chị đã thực hiện khai báo y tế chưa? Chị cho em xin một số thông tin cá nhân như tên tuổi, địa chỉ và số điện thoại liên lạc vào tờ khai y tế này để được liên hệ thường xuyên theo dõi sức khỏe chị nhé”, nhân viên tại hiệu thuốc này nói.
Khi nhận được câu hỏi nếu khách hàng không kê khai trung thực thì bên em có kiểm soát được không? thì nhận được cái lắc đầu từ phía nhân viên. Nhân viên tại đây cho biết, đây hoàn toàn là thông tin cá nhân của khách hàng nếu như họ không khai trung thực thì phía cửa hàng không thể kiểm soát được hết.
Tờ khai y tế được nhân viên Hiệu thuốc Phú Gia II phát cho khách hàng đến mua thuốc ho, cảm, sốt |
Dược sĩ Đinh Ngần, bán hàng tại đây chia sẻ: “Toàn bộ khách hàng đến đây mua thuốc cảm, ho, sốt từ nhiều ngày nay phải khai báo y tế. Nếu không khai báo thì cửa hàng sẽ không bán thuốc. Đa phần các khách hàng đều thực hiện nghiêm túc nhưng vẫn còn sai số khi khách mua không phải xuất trình chứng minh thư nhân dân.
Tờ khai y tế được y tế phường phát mẫu sẵn. Ngay sau khi điền đầy đủ thông tin, các hiệu thuốc sẽ gửi lại tờ khai y tế cho y tế phường để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho khách hàng có triệu chứng”.
Người dân còn e ngại khai báo thông tin
Dược sĩ Lê Tiến Vinh làm việc tại Hệ thống IDC Pharmacy cho biết: Hầu như việc lấy thông tin không có gì khó khăn. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận người dân lo sợ, e ngại khi thông tin về triệu chứng. Một vài hiệu thuốc thì lo bị ảnh hưởng nếu có thông tin người bị nhiễm bệnh đến mua thuốc, kéo theo đó là những thủ tục khử khuẩn, cách ly phức tạp.
Chị Nguyễn Thị Thu Trang làm việc tại Hiệu thuốc 24h (Vũ Xuân Thiều, Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: Hiệu thuốc đã nắm bắt được thông báo và thực hiện ghi thông tin khách hàng từ nhiều ngày nay. Người dân hiểu nên phối hợp cho thông tin cá nhân. Tuy nhiên, hiện chúng tôi chỉ ghi thông tin lưu lại hiệu thuốc chứ cũng không rõ là nộp cho ai hay ai đến hiệu thuốc thu thập.
Tại trung tâm phân phối dược phẩm và trang thiết bị y tế Hapu (còn gọi là chợ thuốc Hapulico) trên đường Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân), nhân viên cũng đã yêu cầu người mua cung cấp tên, địa chỉ, số điện thoại. Nếu khách không cung cấp thông tin nhân viên sẽ từ chối bán.
Tuy vậy, theo phản ánh của của nhân viên bán hàng tại quầy, họ chưa nhận được hướng dẫn cụ thể của thành phố, là ghi những mục nào, gửi đi đâu nên tạm thời mới lấy thông tin cơ bản của khách.
Chị Thanh Tâm, chủ hiệu thuốc Thanh Tâm (Long Biên, Hà Nội) cho hay, chị đã nhận được thông báo và không gặp khó khăn gì khi thực hiện. Hiện hiệu thuốc chưa ghi nhận trường hợp nào có các biểu hiện như khuyến cáo.
Việc khai báo y tế khi đến mua thuốc ho, cảm, sốt tại hiệu thuốc là nhiệm vụ quan trọng để người dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Để đạt được kết quả cao, sớm đẩy lùi dịch bệnh, các hiệu thuốc nên thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của thành phố. Bên cạnh, các cơ quan chức năng tại các quận, huyện cần phải thường xuyên kiểm tra, giám sát; cử người hướng dẫn cụ thể về việc kê khai thông tin đến từng hiệu thuốc trên địa bàn.
Bác sĩ Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, đánh giá, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, vừa qua đã ghi nhận trường hợp như "bệnh nhân 243", "bệnh nhân 244" ở thôn Hạ Lôi (Mê Linh), xuất hiện triệu chứng và tự mua thuốc uống, sau đó vẫn đi lại nhiều nơi, gặp nhiều người khiến dịch lan rộng.
"Không phải trường hợp nào mua thuốc cảm, ho, sốt cũng phải cách ly hay lấy mẫu ngay. Nhưng việc khai báo y tế trung thực sẽ giúp bác sĩ tư vấn sàng lọc chính xác và bản thân mỗi người yên tâm hơn", ông Tuấn nói và cho rằng việc hiệu thuốc ghi lại thông tin người đến mua thuốc là cần thiết, để giúp cơ sở y tế địa phương phân loại.