Mở "cánh cửa" phát triển quy hoạch Thủ đô
Phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Rà soát công tác quy hoạch, quản lý đất đai khu vực bãi sông Sắp công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 |
Cơ chế rõ ràng để khai thác tiềm năng của sông Hồng
Mặc dù thời gian qua tốc độ đô thị hóa của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng tăng trưởng khá nhanh nhưng chất lượng đô thị hóa chưa cao. Liên kết vùng và kết nối yếu; chênh lệch phát triển giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn; phát triển đô thị, nhà ở chưa gắn với việc làm và dịch vụ.
Không gian đô thị, nông thôn phát triển tự phát, chưa theo quy hoạch. Hạ tầng đô thị không đồng bộ, quá tải, tác động tiêu cực tới môi trường phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng đô thị thấp, môi trường bị ô nhiễm. Công tác quản lý phát triển đô thị - nông thôn gặp nhiều bất cập...
Trong khi đó, công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị đã có nhiều đổi mới, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tạo chuyển biến tích cực về diện mạo Thủ đô theo yêu cầu đô thị xanh, sạch, đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại.
Tiến độ thực hiện một số đồ án quy hoạch chậm, đặc biệt là quy hoạch các đô thị vệ tinh. Một số quy hoạch chưa cập nhật chính xác hiện trạng sử dụng đất, dự án được duyệt; có quy hoạch dự báo chưa sát với yêu cầu thực tiễn và phát triển của địa phương dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình lập dự án đầu tư...
Trong Luật Thủ đô 2024, công tác quy hoạch là lĩnh vực quan trọng được chú ý |
Hiện thực hoá Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, khoản 1, điều 17 Luật Thủ đô năm 2024 quy định: “Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, môi trường sống an lành, an ninh nguồn nước với sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông của thành phố; đảm bảo quốc phòng, an ninh, kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của Thủ đô với các địa phương có các hoạt động liên kết, phát triển vùng với Thủ đô với cả nước”.
Các chuyên gia nhìn nhận, Luật Thủ đô 2024 sẽ trở thành công cụ, phương tiện quan trọng để Hà Nội thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong đó, Luật Thủ đô được coi là khâu đột phá quan trọng về cơ chế, chính sách.
Theo KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Luật Thủ đô sẽ tháo gỡ các nút thắt cản trở, vướng mắc để tạo động lực mới cho Thủ đô, trong đó phân cấp, giao quyền cho Hà Nội quyết định đầu tư công, các dự án theo hình thức công - tư (PPP), tạo cơ chế cho Hà Nội trong công tác giải phóng mặt bằng, đây là cơ hội để Hà Nội có những bứt phá trong xây dựng và phát triển Thủ đô
Là người trực tiếp chủ trì lập Quy hoạch Thủ đô và tham gia góp ý trực tiếp trong quá trình xây dựng và thông qua Luật Thủ đô 2024, GS.TS Hoàng Văn Cường - đại biểu Quốc hội Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết, các đô thị lớn trên thế giới đều phát triển đô thị hai bên sông nhưng chúng ta chưa làm được điều đó với sông Hồng, trong khi đó là khu vực đắc địa, có thể phát triển kinh tế. Hay như đối với phố cổ, nơi giá trị kinh tế rất cao nhưng có nhược điểm là chật hẹp, chen chúc, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống của người dân, cũng như vấn đề về môi trường...
Lần này chúng ta có Luật Thủ đô 2024, đây là bước tiến quan trọng về mặt thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý để giải quyết vấn đề này.
“Đặc biệt, thông qua công tác quy hoạch lần này, sông Hồng có thể cung cấp nước cho các hệ thống sông trong nội đô (sông Tô Lịch, sông Sét...) sẽ giúp làm sạch và làm sống lại những dòng “sông chết” tại nội đô. Như vậy, chúng ta đã có cơ chế rõ ràng để khai thác tiềm năng của sông Hồng. Trong tương lai, sông Hồng sẽ trở thành trục cảnh quan, văn hóa, dịch vụ, khi đó chúng ta sẽ thực sự có TP bên sông” - GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam qua thống kê, trong Luật Thủ đô 2024 có tới 14 - 15 chính sách đặc thù về quy hoạch |
Phát huy những chính sách đặc thù về quy hoạch
Còn theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, qua thống kê, trong Luật Thủ đô 2024 có tới 14 - 15 chính sách đặc thù về quy hoạch; đặc biệt phân cấp, phân quyền cho Hà Nội rất lớn.
Ông chia sẻ: "Trước đây khi chúng tôi còn làm ở Hà Nội, muốn điều chỉnh một quy hoạch được Thủ tướng duyệt phải qua tất cả bộ, ngành, rất vất vả, lần này, Quốc hội giao cho Hà Nội tự quyền quyết định điều chỉnh quy hoạch nếu đủ căn cứ, đây là thuận lợi rất lớn về mặt cơ chế.
Đồng nghĩa với đó, TP được phân cấp, phân quyền cũng đương nhiên phải tự làm, tự chịu trách nhiệm, đúng như tinh thần T.Ư đang nhấn mạnh: "Địa phương làm, địa phương quyết, địa phương chịu trách nhiệm".
Đồng thời, với đặc thù về quy hoạch trong Luật Thủ đô là phát triển không gian công cộng, không gian ngầm, những lĩnh vực này, Hà Nội đã đi sớm, hiện cần tiếp tục triển khai để đáp ứng yêu cầu thực tiễn...”
Đánh giá về cơ hội phát triển của Thủ đô, khi Hà Nội đã có Luật Thủ đô 2024 và các quy hoạch lớn, nhất là Quy hoạch Thủ đô với "tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội" được phê duyệt, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết, hiện nay, chúng ta đang thực hiện đồng bộ các quy hoạch, đây là sự linh hoạt về cơ chế của TP Hà Nội - là công cụ sắc bén để tổ chức thực hiện Luật Thủ đô 2024.
Riêng về công tác quy hoạch trong Luật Thủ đô có rất nhiều quy định về cơ chế, chính sách đặc thù, như về điều chỉnh quy hoạch, công tác phê duyệt các dự án, chọn chủ đầu tư, xác định nguồn lực…
“Có thể nói, trong Luật Thủ đô 2024, công tác quy hoạch là lĩnh vực quan trọng được chú ý. Tôi tin tưởng, nếu chúng ta thấm nhuần trọng trách được Nhà nước giao, với tinh thần tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm sẽ đưa Thủ đô lên tầm cao mới.
Thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục cụ thể hóa những vấn đề trong chính sách đặc thù đã được xác định trong Luật Thủ đô 2024 để tạo ra những đột phá, phát triển mạnh mẽ cho Thủ đô trong kỷ nguyên mới” - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.