Ký ức về Trung tướng Vương Thừa Vũ
Tại xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì, Hà Nội), chính quyền và Nhân dân đều tự hào khi nhắc đến tướng Vương Thừa Vũ - người con của mảnh đất kiên trung này. Ông đã đi xa rất nhiều năm, hiện tại, chỉ còn một căn nhà ba gian đơn sơ cổ kính gợi nhớ sự hiện diện của ông song mỗi người dân Vĩnh Quỳnh dường như cảm thấy hãnh diện khi được sinh ra ở mảnh đất đã nuôi lớn vị Chủ tịch Ủy ban quân chính đầu tiên của Thủ đô giải phóng.
Thiếu tướng Vương Thừa Vũ chào cờ trong ngày 10/10/1954 (Ảnh tư liệu) |
Những cảm xúc trên có thể thấy rất rõ qua lời kể của anh Nguyễn Hữu Cường, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Vĩnh Quỳnh. Anh Cường chia sẻ: “Tướng Vương Thừa Vũ tên thật là Nguyễn Văn Đồi. Gia cảnh bần hàn, ông theo cha bôn ba rày đây mai đó, thậm chí, lang bạt sang tận Trung Quốc kiếm sống. Chính tại đất nước kia, ông đã có những cuộc tiếp xúc đầu tiên và dần có cảm tình với những người cộng sản như Nguyễn Ái Quốc, Lê Thiết Hùng, Nguyễn Sơn... Thông qua những cuộc tiếp xúc với các lãnh tụ cách mạng, ông đã được giác ngộ lý tưởng và quyết chí đi theo lý tưởng giải phóng Tổ quốc, giải phóng Nhân dân”.
Năm 1941, ông bị thực dân Pháp bắt giam và năm 1942, bị đày tại trại giam Bá Vân (Thái Nguyên). Dù ở trong tù, ông vẫn nêu cao chí khí chiến đấu, không chịu khuất phục trước đòn roi tra tấn của quân thù. Tại đây, ông được những người cộng sản vận động và tham gia công tác binh vận, phụ trách huấn luyện quân sự trong tù. Ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1943. Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương. Khi đó, ông đang bị giam tại Nghĩa Lộ (Yên Bái), cùng bạn tù phá ngục; Sau đó dự định tổ chức bạo động giành chính quyền ở Nghĩa Lộ nhưng không thành.
Trong cuốn “Những chặng đường chiến đấu”, chính ông đã ghi lại sự ra đời của cái tên Vương Thừa Vũ. Cụ thể, sau khi trốn thoát khỏi nhà tù Nghĩa Lộ tháng 3 năm 1945, ông lạc vào núi Pá Hu. Người trong bản tưởng ông là tay chân của Pháp nên bắt và định đem xử bắn. Thật may, ông nghe và hiểu tiếng của người dân tộc. Trước lúc sắp bị hành hình, ông lắng nghe những người trong bản nói chuyện và biết rằng họ đều mang họ Vương. Do đó, khi được hỏi “mày họ gì”, ông buột miệng trả lời là họ Vương. Nhờ “cùng họ” với người trong bản nên ông được giúp đỡ, nuôi giấu một thời gian. Từ đó ông lấy tên là Vương Thừa Vũ để hoạt động cách mạng.
Tướng Vương Thừa Vũ bên cạnh hồ Hoàn Kiếm vào tháng 10/1954 (Ảnh tư liệu) |
Lật giở quyển lịch sử Đảng bộ xã Vĩnh Quỳnh, anh Nguyễn Hữu Cường tiếp tục kể: “Khi Việt Minh giành chính quyền, ông được giao nhiệm vụ tiếp quản, phụ trách tổ chức và chỉ huy lực lượng Bảo an binh Hà Nội. Khi quân Pháp gây hấn tại Hà Nội, ông được cử giữ chức Khu trưởng Khu XI Hà Nội, sau đó đổi thành chỉ huy quân sự Khu II bảo vệ Hà Nội, Liên khu phó Liên khu 1.Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, tướng Vương Thừa Vũ có rất nhiều dấu son đáng nhớ đối với lịch sử thành phố Hà Nội. Ông từng là Tư lệnh mặt trận Hà Nội, Đại đoàn trưởng đầu tiên tiếp quản Thủ đô và Chủ tịch Ủy ban quân chính trong ngày giải phóng 10/10/1954.
Dự kiến quân Pháp sẽ nổ súng, Bộ Tư lệnh Quân đội quốc gia Việt Nam đã chỉ định ông làm Tư lệnh Mặt trận Hà Nội, chỉ huy việc phòng thủ và tấn công quân Pháp tại Hà Nội, nhằm mục đích kéo dài có lợi, sau đó rút lui bảo toàn lực lượng. Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, khi đã cầm chân được quân Pháp tại nội đô Hà Nội trong 2 tháng”.
Sau khi rút khỏi Hà Nội, ông được điều động về làm Khu bộ Phó Khu IV, dưới quyền Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, sau đó là Nguyễn Sơn. Cuối năm 1947, ông được giao nhiệm vụ làm Phân Khu trưởng Phân khu Bình Trị Thiên. Năm 1948, ông được phong quân hàm Đại tá trong đợt phong chính thức đầu tiên của Việt Nam.
Khi cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Pháp chuyển sang giai đoạn “chuẩn bị tổng phản công”, Đại đoàn đầu tiên của quân đội ta - Đại đoàn 308 được thành lập ở Thái Nguyên, ngày 28/8/1949. Ông Vương Thừa Vũ được giao làm Đại đoàn Trưởng kiêm Chính ủy. Đại đoàn 308 đã tham gia nhiều chiến dịch, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ. Những chiến công hiển hách của các đơn vị thuộc Đại đoàn “thép” gắn liền với tên tuổi của ông. Với những chiến công đó, ngày 28/9/1954, ông được thăng hàm Thiếu tướng.
Ngôi nhà đơn sơ tại quê nhà Vĩnh Quỳnh - Thanh Trì của tướng Vương Thừa Vũ |
Những năm sau đó, ông tiếp tục lập nhiều chiến công hiển hách. Từ 1955 đến 1963, ông là Tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn. Năm 1964, ông được bổ nhiệm là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam kiêm Giám đốc Học viện Quân chính (1964), kiêm Tư lệnh Quân khu 4 (năm 1971). Ông được phong quân hàm Trung tướng năm 1974. Ông mất năm 1980, thọ 70 tuổi.Tháng 10 năm 1954, Đại đoàn 308 - Đại đoàn quân tiên phong trở về tiếp quản Thủ đô. Vừa chỉ huy Đại đoàn, ông vừa giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội. Tinh mơ sáng 10/10/1954, hàng chục vạn người Hà Nội đã xuống đường, khắp phố phường rợp bóng cờ hoa, năm cửa ô đón chào đoàn quân trở về. Chiều 10/10/1954, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính và bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính cùng toàn quân làm lễ thượng kỳ tại Sân vận động Cột cờ Hà Nội…
Trong buổi họp mặt kỷ niệm 15 năm ngày mất của Trung tướng Vương Thừa Vũ (1980 - 1995), Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Bao trùm lên hết, Vương Thừa Vũ là một người cộng sản có đạo đức cách mạng, một vị tướng “Trí, Dũng, Nhân, Tín, Trung” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy... Với những cống hiến ấy, Vương Thừa Vũ, một người con của Hà Nội, xứng đáng với quê hương anh hùng, xứng đáng là người con ưu tú của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội”.