Kiểm lâm Yên Bái kêu cứu - Bài 4: Sở NN&PTNT "né" tránh cung cấp thông tin
Bài liên quan
Kiểm lâm Yên Bái kêu cứu - Bài 1: Xin đừng đẩy chúng tôi ra đường
Kiểm lâm Yên Bái kêu cứu – Bài 2: Cắt xén tiền lương, không đóng bảo hiểm và biên chế trái luật
Kiểm lâm Yên Bái kêu cứu - Bài 3: Danh dự, trách nhiệm và nỗi đau
Vi phạm Luật Báo chí
Phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đặt lịch làm việc với lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Yên Bái để làm rõ về việc hàng chục người lao động (kiểm lâm - pv) ký hợp đồng lao động sai quy định tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái nhưng chưa nhận được phản hồi nào.
Ngoài ra, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với Chánh Văn phòng Sở NN&PTNT tỉnh Yên Bái - ông Nguyễn Xuân Huy để gửi nội dung câu hỏi cũng như lịch phỏng vấn, tuy nhiên, ông Huy khất lần lượt nhiều lần với lý do công tác và nhiều lý do khác.
Phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đặt lịch làm việc hơn 1 tháng qua, nhưng không nhận được phản hồi nào từ lãnh đạo Sở NN&PTNT Yên Bái. |
Cụ thể, phóng viên đặt một số câu hỏi liên quan tới việc sai phạm tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái:
1. Việc 25 người lao động ký hợp đồng ngắn hạn tại Chi cục Kiểm Lâm Yên Bái để làm công việc thường xuyên từ những năm 2007 đến nay, phía Sở NN&PTNT Yên Bái có nắm bắt được thông tin này hay không? Phía Sở có chỉ đạo ký hợp đồng để bổ sung người lao động cho việc giữ rừng hay không?
2. Việc Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm ký hợp đồng với 25 người lao động ngắn hạn nhưng làm thường xuyên và nguy hiểm thì có đúng với quy định của pháp luật hay không?
3. Nguồn chi lương cho nhưng người lao động này là từ nguồn nào? Không đóng bảo hiểm và những chế độ khác cho người lao động làm việc ở Chi cục Kiểm lâm Yên Bái có đúng với quy định không?
4. Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT Yên Bái sẽ giải quyết ra sao với những người lao động này?
5. Được biết, người ký Quyết định về việc ký hợp đồng lao động sai quy định là Nguyên Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Yên Bái là ông Nguyễn Quang Vinh đã về hưu. Vậy việc xử lý người ký quyết định sai quy định này sẽ như thế nào? ra sao?
6. Về việc này, Sở NN&PTNT Yên Bái có báo cáo UBND tỉnh Yên Bái ra sao?
Theo quy định Điều 39, Luật Báo chí năm 2016, tại Khoản 1. Người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời trên báo chí.
Khoản 2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết. Nếu quá thời hạn nêu trên mà không nhận được thông báo của cơ quan, tổ chức thì cơ quan báo chí có quyền chuyển ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân đến cơ quan cấp cao hơn có thẩm quyền giải quyết hoặc đưa vấn đề đó lên báo chí.
Khoản 4. Cơ quan, tổ chức, công dân có quyền yêu cầu cơ quan báo chí trả lời vấn đề mà cơ quan báo chí đã thông tin; cơ quan báo chí có trách nhiệm trả lời trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan, tổ chức, công dân.
Sai phạm về việc ký hợp đồng lao động của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái
Trước đó, Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đăng tải nhiều bài viết liên quan, cụ thể, Liên đoàn Lao động tỉnh Yên Bái vừa có công văn trả lời đơn đề nghị của 25 người lao động đang làm việc tại các Hạt Kiểm lâm thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái.
Theo đó, hợp đồng lao động ngắn hạn đã và đang được ký kết một công việc nhất định có thời hạn "dưới 12 tháng" để làm việc có tính chất thường xuyên "từ 12 tháng trở lên" (từ 2009 đến nay của người lao động là quản lý bảo vệ rừng) và ký lại nhiều lần hợp đồng là không đúng theo quy định của pháp luật.
Về mức lương mà Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm chi trả cho người lao động từ trước đến nay không theo mức lương tối thiểu vùng là không đúng theo quy định của pháp luật.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái xảy ra nhiều sai phạm trong việc ký hợp đồng lao động. |
Theo quy định, mức lương tối thiểu vùng (bao gồm tất cả các huyện trong tỉnh Yên Bái, trừ TP Yên Bái) quy định 650.000/ tháng (năm 2009); 730.000/ tháng (năm 2010); 830.000/ tháng (năm 2011); 1.400.000/ tháng (năm 2012); 1.650.000/ tháng (năm 2013); 1.900.000/ tháng (năm 2014); 2.150.000/ tháng (năm 2015); 2.400.000/ tháng (năm 2016); 2.580.000/ tháng (năm 2017) và 2.760.000/ tháng l (năm 2018).
Tuy nhiên, trên thực tế, mức lương người lao động được nhận từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái là thấp hơn rất nhiều so với quy định.
Có thể nêu ra một vài trường hợp như sau: Năm 2009, mức lương thực nhận của ông Lương Văn Liêm tại Hạt Kiểm lâm Lục Yên là 540.000 đồng/ tháng, thấp hơn so với quy định là 110.000 đồng.
Hạt Kiểm lâm thị xã Nghĩa Lộ ký hợp đồng với ông Quyền Văn Dương từ năm 2012 với mức lương 830.000 đồng/ tháng, thấp hơn so với quy định là 570.000 đồng.
Còn tại Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải chi cho 9 lao động tháng 6/2019 là 1.390.000 đồng/tháng, thấp hơn so với quy định là 1.370.000 đồng. Hạt Kiểm lâm huyện Văn Yên, có 3 lao động hưởng mức lương 830.000 đồng/tháng từ năm 2012, thấp hơn so với quy định là 570.000 đồng...
Liên đoàn Lao động tỉnh Yên Bái cho rằng, Hạt Kiểm lâm các huyện trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã trả lương cho người lao động "theo hợp đồng lao động và chi trả trên thực tế" thấp hơn mức lương tối thiểu vùng là không đúng theo quy định của pháp luật.
Ngoài câu chuyện "ăn bớt" tiền lương, việc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái không đóng bảo hiểm xã hội cho 25 người lao động đã đi làm đủ 3 tháng trở lên là hoàn toàn trái luật.
Riêng về quyết định hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế do ông Nguyễn Quang Vinh (nguyên Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái) ký ngày 17/2/2009 đối với 4 người lao động là không đúng với quy định của Nhà nước về tuyển dụng lao động. Qua đó, người ký Quyết định phải chịu trách nhiệm trước cấp trên trực tiếp.
(Còn nữa...)