Không để các dự án giao thông trọng điểm thiếu cát
Quảng Nam: Thi công đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện gặp khó vì thiếu cát Phó Thủ tướng yêu cầu báo cáo tình trạng thiếu cát ở miền Trung và Tây Nam Bộ |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ GTVT nghiên cứu phương án mở rộng thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp thay thế khối lượng cát sông còn thiếu - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Bảo đảm vật liệu san lấp là điều kiện quyết định tiến độ của các dự án
Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Quốc Khánh, Bí thư Thành uỷ Cần Thơ, Bí thư các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, Bến Tre, Long An, Sóc Trăng…
Phó Thủ tướng nêu rõ việc bảo đảm vật liệu san lấp là điều kiện quyết định đến tiến độ của các dự án giao thông trọng điểm quốc gia, kết nối liên vùng, đang được triển khai trên cả nước.
Các địa phương phải nhận thức rõ trách nhiệm chính trị trong bảo đảm cung cấp cát san lấp cho những tuyến đường huyết mạch trọng điểm vì sự phát triển của cả vùng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các địa phương phải cung cấp thông tin đầy đủ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, bảo vệ quyền lợi cho bà con, các hộ dân bị ảnh hưởng - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
"Chúng ta phải giải quyết câu chuyện đã bàn mãi, nói mãi, đưa ra phương án nhưng cuối cùng vẫn có lý do khách quan, chủ quan. Chính phủ đã nỗ lực tháo gỡ cơ chế, chính sách nhưng khi tổ chức thực hiện thì đâu đó có một số vấn đề về nhận thức, sự đồng thuận trong cấp uỷ Đảng, chính quyền, từ đó ảnh hưởng đến đời sống nhân dân", Phó Thủ tướng nói.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, giai đoạn 2021-2025, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Đông Nam Bộ triển khai thi công 16 dự án giao thông trọng điểm được áp dụng chính sách đặc thù cho việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Tổng nhu cầu vật liệu đắp nền đường cho các dự án này khoảng 70 triệu m3. Đến nay đã xác định được nguồn cung 37 triệu m3, còn thiếu 26 triệu m3 chưa xác định được nguồn. Trong đó, đủ điều kiện khai thác là 18,3 triệu m3.
Về cát biển, Bộ trưởng Bộ GTVT cho hay, Bộ TN&MT đã hoàn thành dự án đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL. Hiện kết quả đã được bàn giao cho tỉnh Sóc Trăng với trữ lượng khoảng 145 triệu m3. Việc khai thác số cát này để cung ứng cho các dự án là khả thi.
Bộ GTVT đã chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu hoàn tất các thủ tục khảo sát, lập hồ sơ đăng ký khu vực và khối lượng khai thác; hồ sơ cam kết bảo vệ môi trường, phương án khai thác trình UBND tỉnh Sóc Trăng.
Dự kiến Sóc Trăng sẽ cấp Bản xác nhận khối lượng khai thác trước ngày 15/5/2024 và sau khi được Bộ TN&MT giao khu vực biển, nhà thầu hoàn thành các nghĩa vụ tài chính (thuế, phí), sẽ khai thác trong tháng 5/2024.
Các chủ đầu tư, nhà thầu đăng ký nhu cầu cát biển
Tại cuộc họp, lãnh đạo các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long… đã báo cáo cụ thể nguồn cát cung cấp cho những dự án giao thông trọng điểm, kết nối liên vùng, bao gồm những mỏ cát đã sẵn sàng khai thác, hoặc đang hoàn thành thủ tục; khó khăn, vướng mắc, tồn tại cần được giải quyết, tháo gỡ.
Phó Thủ tướng gợi mở cho một số địa phương như Bến Tre, Vĩnh Long nghiên cứu phương án nạo vét các bãi bồi, cồn cát đang làm cản trở dòng chảy trên các sông, nằm ở vị trí không ảnh hưởng đến dân cư, công trình hạ tầng để bổ sung nguồn cát san lấp.
Đáng chú ý, lãnh đạo Bộ TN&MT đã trao đổi cụ thể với tỉnh Sóc Trăng về trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp phép, quản lý hoạt động khai thác cát biển; đơn giá, định mức kỹ thuật, công nghệ khai thác, đánh giá tác động môi trường…
Phó Thủ tướng đề nghị các chủ đầu tư, nhà thầu đăng ký nhu cầu cát biển sử dụng làm vật liệu san lấp bù đắp cho nguồn cát sông còn thiếu.
Kết luận cuộc làm việc Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT lên kế hoạch cụ thể về nhu cầu vật liệu san lấp của từng dự án giao thông trọng điểm, kết nối liên vùng ở phía Nam theo tiến độ thi công, trữ lượng và công suất khai thác hiện nay của các mỏ cát; nghiên cứu phương án mở rộng thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp cho một số dự án giao thông trọng điểm.
Các địa phương khẩn trương chuẩn bị phương án, thủ tục liên quan để có thể thực hiện ngay sau khi Chính phủ ban hành nghị định mới về phân cấp thẩm quyền, điều kiện thực hiện và giám sát đối với hoạt động nạo vét luồng lạch bảo đảm giao thông thuỷ an toàn, đồng thời bổ sung nguồn vật liệu nạo vét này phục vụ san lấp.
Phó Thủ tướng yêu cầu gắn trách nhiệm cụ thể của các cấp, các ngành, từ Trung ương tới địa phương trong triển khai phương án, kế hoạch bảo đảm vật liệu san lấp đã được xác định, "thủ tục ở cấp nào phải chủ động ở cấp đấy".
"Các địa phương phải cung cấp thông tin đầy đủ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, bảo vệ quyền lợi cho bà con, các hộ dân bị ảnh hưởng và huy động người dân tham gia giám sát hoạt động khai thác cát sông", Phó Thủ tướng lưu ý.