Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trồng cây tại Cà Mau.
Nhân dịp đầu Xuân mới 2019, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô có cuộc trao đổi với Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
- Thưa Bộ trưởng, nhìn lại một năm qua, ông có thể chia sẻ về thành tựu của ngành Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường?
- Năm 2018 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020 của ngành Tài nguyên và Môi trường theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra. Theo đó, Bộ đặt trọng tâm và triển khai việc đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật; cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh - một trong những then chốt để giải quyết các thách thức nêu trên và tạo động lực cho phát triển đất nước trong giai đoạn mới…
Đặc biệt trong lĩnh vực môi trường, Bộ quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, trong hơn 2 năm qua, Bộ đã tham mưu nhiều giải pháp, trình ban hành nhiều chủ trương, chính sách trong công tác BVMT; trong đó đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi bổ sung các Nghị định quy định chi tiết Luật BVMT khắc phục những tồn tại, bất cập, tạo hành lang pháp lý cho công tác BVMT; hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực.
Giải quyết tốt việc khắc phục sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền, từ bài học đó đã triển khai các giải pháp chủ động kiểm soát, phòng ngừa đối vớicác dự án lớn, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, đảm bảo môi trường. Các chỉ số về BVMT có nhiều chuyển biến; tỷ lệ KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung đều đạt chỉ tiêu đặt ra; đã thực hiện quan trắc nước thải tự động, liên tục đối với 121 KCN và các dự án có nguồn thải lớn; hoàn thành xử lý 634 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý ở đô thị đạt 85,5%, ở nông thôn đạt 55%; một số dòng sông, hồ đã được “hồi sinh”; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Chủ động, tăng cường tiếng nói của Việt Nam trong giải quyết vấn đề môi trường toàn cầu, tổ chức thành công Hội nghị lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu với sự tham gia của 178 quốc gia. Công tác BVMT đã chuyển từ giai đoạn bị động giải quyết, khắc phục sang chủ động phòng ngừa; xu hướng suy giảm nhanh chất lượng môi trường đã được kiềm chế.
Bộ đã có những thay đổi có tính cách mạng, thực hiện quan điểm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế; sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường, tạo ra những cơ chế đột phá để quản lý, huy động nguồn lực xã hội trong giải quyết vấn đề môi trường; hoàn thiện các công cụ kinh tế để chuyển dần trọng tâm từ các biện pháp hành chính sang cơ chế thị trường trong quản lý, bảo vệ môi trường theo nguyên tắc người gây ô nhiễm, người được hưởng lợi từ môi trường phải trả tiền.
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. |
Chúng tôi chủ động trong phòng ngừa, chuyển quản lý, bảo vệ môi trường cuối đường ống sang bảo vệ môi trường ở đầu đường ống và trong suốt quá trình, kiên quyết loại trừ quan điểm sản xuất trước làm sạch sau. Bộ khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp môi trường, công nghệ xử lý và các ngành công nghiệp để chuyển hóa rác thải thành tài nguyên, rác thải được tái chế, tái sử dụng một cách hợp lý; chuyển từ khai thác, thâm dụng vào vốn tự nhiên trong phát triển kinh tế sang bảo vệ phục hồi, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh.
Bộ hoàn thiện các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường làm công cụ để ang lọc các loại hình sản xuất, công nghệ sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao ngay trong quá trình thu hút đầu tư, chuẩn bị đầu tư; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao; tập trung xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường ở khu vực đô thị, nông thôn, làng nghề, khu, cụm công nghiệp, lưu vực sông, hồ, ven biển… Bên cạnh đó, phòng ngừa, giảm thiểu tác động xấu lên môi trường, thông qua việc nâng cao chất lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, kiên quyết không cấp phép các dự án không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Toàn ngành tích cực triển khai, thực hiện tốt công tác tuyên truyền để mỗi người hiểu bảo vệ môi trường là bảo vệ sức khỏe, cuộc sống của chính mình và các thế hệ con cháu mai sau, qua đó, nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi để mỗi người bằng hành động nhỏ sẽ tạo ra chuyển biến lớn trong bảo vệ môi trường…
- Xin Bộ trưởng cho biết, năm mới 2019 và những năm tiếp theo, đối với công tác bảo vệ môi trường, ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ chú trọng quan tâm những vấn đề gì, thưa ông?
- Thứ nhất, chúng ta phải tập trung để chống ô nhiễm rác thải nhựa đối với đại dương - là vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ đã cam kết trong các Hội nghị gần đây. Tôi cho rằng, rác thải đại dương là vấn đề cần có cơ chế để quản lý chặt chẽ rác thải nhựa từ đất liền ra đến đại dương.
Thứ hai, các cơ quan chức năng cần giải quyết vấn đề quản lý chất thải rắn, với vấn đề này riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường không thể làm được mà cần sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…, để có được cơ chế và mô hình về quản lý, phân loại, tái chế và xử lý chất thải rắn.
Vấn đề thứ ba, chúng ta đã có Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và sẽ có chương trình hành động cụ thể để thực hiện Nghị quyết này, vậy nên cần có tư duy phát triển bền vững, làm sao để phát triển kinh tế biển một cách bền vững, tăng diện tích các khu bảo tồn ở Biển Việt Nam...
- Đoàn viên, thanh niên luôn xung kích trên các mặt công tác, là “tư lệnh” ngành, Bộ trưởng có đánh giá như thế nào về vai trò của thanh niên Bộ trong bảo vệ môi trường?
- Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn đề xuất ý tưởng, tham mưu và xin ý kiến chỉ đạo của Đảng, chính quyền, tổ chức Đoàn cấp trên, xây dựng và triển khai kế hoạch công tác. Tôi ghi nhận và đánh giá cao những cống hiến, nỗ lực, sự tâm huyết của các bạn trẻ. Trong năm 2018, lực lượng thanh niên cũng đã thể hiện được vai trò xung kích, tình nguyện của mình trên các mặt công tác: Giáo dục; phong trào hành động cách mạng: “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”; đồng hành với thanh niên; chăm sóc thiếu niên nhi đồng; tham gia xây dựng Đảng; giao lưu quốc tế...
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà quả quyết với quan điểm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế... |
Đoàn tham gia cùng Đảng, lãnh đạo Bộ thực hiện các chương trình về nguồn, sáng tạo, thiện nguyện. Thanh niên đăng ký đảm nhận nhiều đề tài khoa học cấp cơ sở, cấp Bộ và tham gia vào các đề tài cấp Nhà nước nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng hoàn thành nhiệm vụ chính trị cơ quan, đơn vị. Tổ chức Đoàn luôn nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường.
Đoàn Bộ đã đăng cai tổ chức thành công Diễn đàn “Trách nhiệm, hành động của thanh niên trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay”. Các bạn trẻ tổ chức thành công Đại Hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu; tổ chức Diễn đàn khởi nghiệp trong sinh... Những việc làm của đoàn viên, thanh niên rất thiết thực, ý nghĩa và đóng góp rất lớn vào thành tựu ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2018.
- Một mùa xuân mới đang về với những vận hội mới, Bộ trưởng có nhắn nhủ, gửi gắm gì đối với cán bộ công chức, viên chức, người lao động và đoàn viên, thanh niên đang làm việc trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường?
- Tôi biểu dương và trân trọng những nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và thế hệ trẻ của toàn ngành trong năm qua.Tôi mong rằng, năm 2019, toàn ngành sẽ tiếp tục gắng sức, đồng lòng, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, cụ thể hóa phương châm 10 chữ vàng “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” của Thủ tướng Chính phủ vào mỗi lĩnh vực, mỗi nhiệm vụ được giao để năm mới, chúng ta quyết tâm tạo được bước chuyển lớn, đánh dấu sự nghiệp đổi mới, hiệu quả của ngành.
Mỗi cán bộ, công chức, viên chức của ngành hãy là những tấm gương sáng trong thực thi nhiệm vụ để tạo ra được sức lan tỏa trong toàn xã hội về hiệu quả công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhân dịp Tết Nguyên đán 2019, tôi gửi lời chúc mừng tới các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các bạn trẻ của ngành qua các thời kỳ cùng toàn thể quý độc giả một năm mới nhiều sức khỏe, nhiệt huyết, thành công!
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!