Khởi công tuyến đường kết nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, thành phố Hà Nội thực hiện nghi lễ khởi công dự án |
Đến dự lễ khởi công có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cùng lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và các sở, ngành, địa phương liên quan.
Báo cáo tại lễ khởi công, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 nằm trong Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về “ Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn phát biểu tại buổi lễ |
Dự án có chiều dài tuyến khoảng 3,4km, mặt cắt ngang rộng 60m với 4 - 6 làn xe, tổng mức đầu tư 3.241 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến năm 2025.
Trong thời gian tới, dự án phải tiến hành giải phóng mặt bằng diện tích khoảng 31,05ha, phần lớn là ao, hồ, đất nông nghiệp (chiếm khoảng 74%), nên việc tổ chức thi công sẽ rất khó khăn, phức tạp, đặc biệt là khối lượng lớn công việc xử lý nền đất yếu trên diện tích rộng, trải dài qua địa bàn xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) và phường Yên Sở (quận Hoàng Mai).
Thêm nữa, khi thi công nút giao Tứ Hiệp và nút giao với đường Vành đai 3, sẽ phải di chuyển đường dây điện cao thế 220kV, 110kV và nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật. Quá trình thi công các hạng mục công trình phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho kết cấu hạ tầng giao thông tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và tuyến đường Vành đai 3 đang khai thác, mục tiêu giảm tối đa bất lợi đến hoạt động giao thông qua khu vực dự án. Do vậy, quá trình xây dựng các hạng mục công trình trong dự án, phải nghiên cứu tổ chức giao thông rất hợp lý và khoa học.
“Ý thức được các thuận lợi và khó khăn, Ban quản lý dự án sẽ phối hợp với các đơn vị thi công, đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát xây dựng kế hoạch và tiến độ triển khai chi tiết, cụ thể, nghiên cứu để đề ra các giải pháp, biện pháp thi công, phương án phân luồng giao thông phù hợp; phối hợp chặt chẽ, kịp thời với tất cả đơn vị có liên quan để hoàn thành dự án vào năm 2025, đảm bảo chất lượng, an toàn và vệ sinh môi trường”, ông Nguyễn Chí Cường khẳng định.
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, tuyến kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 là công trình có ý nghĩa rất quan trọng với mục tiêu hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Pháp Vân - cửa ngõ phía Nam Thủ đô, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho khu vực nội thành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì và khu vực phía Nam, Đông Nam trung tâm thành phố. Với những ý nghĩa nêu trên, việc đầu tư xây dựng dự án là hết sức cần thiết và cấp bách.
Phối cảnh dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 |
Để dự án hoàn thành đúng tiến độ, đạt yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn yêu cầu Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các nhà thầu thi công, các đơn vị tư vấn thực hiện quản lý dự án đúng các quy định của nhà nước. Các đơn vị tuân thủ chặt chẽ các quy định về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm kỹ thuật để triển khai thi công công trình theo đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng; Hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của việc thi công đến đời sống của người dân trong khu vực, đặc biệt, lưu ý tổ chức giao thông đảm bảo thông suốt, an toàn.
UBND thành phố giao UBND quận Hoàng Mai, UBND huyện Thanh Trì phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý dự án trong công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân bị thu hồi đất; Chỉ đạo UBND phường Yên Sở, UBND xã Tứ Hiệp tuyên truyền, vận động người dân bị ảnh hưởng ủng hộ, bàn giao mặt bằng để dự án sớm hoàn thành theo tiến độ.
Sở Giao thông Vận tải, UBND quận Hoàng Mai, UBND huyện Thanh Trì phối hợp, hướng dẫn chủ đầu tư tổ chức giao thông; quản lý chất lượng công trình xây dựng theo đúng quy định.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Tài chính cân đối, ưu tiên bố trí vốn kịp thời cho dự án theo tiến độ thực hiện.
Các nhà thầu thi công xây dựng, tư vấn, giám sát xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết đảm bảo thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng đã ký với chủ đầu tư; tổ chức thi công, giám sát xây dựng công trình đảm bảo chất lượng, phấn đấu vượt tiến độ và tuyệt đối an toàn.
Dự án được Thủ tướng chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 141 ngày 21/1/2020, được điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 471 ngày 15/4/2022 và được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 1803 ngày 30/5/2022 với quy mô: Chiều dài tuyến khoảng 3,4 km, mặt cắt ngang rộng B=60m; Với tổng mức đầu tư của dự án 3.241 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến năm 2025. |