Khi người trẻ học thanh nhạc để hát karaoke hay hơn...
Khi gia đình trẻ thờ ơ với láng giềng… Chiếc xe nào dành cho giới trẻ? |
Hát hay vẫn hơn… hay hát
Có mặt tại trung tâm dạy nhạc ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) từ 9h sáng khi được nghỉ làm, Hà Thu (24 tuổi) bắt đầu buổi học bằng những bài luyện thanh, khởi động cơ bản dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Dù mới là buổi học thứ 2 trong khóa học 1-1 kéo dài 12 buổi, cô khá vui khi nhận thấy mình đã có những tiến bộ như bắt đầu biết ngắt nghỉ đúng nhịp hơn, lấy hơi sao cho đúng.
Vốn yêu thích ca hát, thường ngân nga ở nhà và đi karaoke với bạn bè, Hà Thu chưa hài lòng với chất giọng yếu, không lên được nốt cao. Cô gái trẻ quyết định tìm người hướng dẫn chuyên nghiệp để chinh phục những ca khúc dân ca yêu thích.
Hà Thu và nhóm bạn của mình rủ nhau đi học thanh nhạc để hát hay hơn khi đi karaoke |
"Trước đây, mình cứ nghĩ rằng đi học thanh nhạc là điều gì to tát lắm, chỉ dành cho những người chuyên nghiệp hoặc có nhu cầu thi thố, không ngờ giờ có cả những khóa học dành cho người muốn hát karaoke hay hơn như mình", Hà Thu nói.
Tương tự Hà Thu, tại một phòng khác của trung tâm, Minh Đức (28 tuổi, nhân viên kinh doanh) đứng trước micro cất tiếng theo nhạc và những cái vung tay bắt nhịp của người hướng dẫn. Anh đang tập hát một ca khúc nổi tiếng của ca sĩ Quang Lê. Tuy có chất giọng ấm áp nhưng đôi chỗ anh hát không khớp nhạc. Thầy giáo ngoài bắt nhịp "1, 2, 3", còn chỉ mẹo đếm nhịp tay, chân để khắc phục lỗi này.
Minh Đức làm trong lĩnh vực marketing và kinh doanh nên thường xuyên phải giao lưu karaoke với khách hàng sau mỗi bữa nhậu. COVID-19 và việc tạm ngừng hoạt động hàng nghìn quán karaoke trên toàn quốc sau những vụ hỏa hoạn không làm hình thức giải trí này mai một. Giờ đây mọi người hát ở phòng trà, quán cà phê, tại nhà hay thậm chí quán ăn có trang bị loa, micro và những phòng hát đơn giản.
Đó cũng là lý do đưa Minh Đức đến lớp học này để nâng cao trình độ. "Mình cũng được đánh giá hát tốt nhưng vẫn muốn học thêm để các anh em bất ngờ. Phải chuẩn bị thật kỹ để “chuyên nghiệp", sẵn sàng cho ngày karaoke mở cửa trở lại”, Minh Đức vui vẻ nói.
Minh Đức đi học thanh nhạc để tự tin hơn trong các buổi tụ tập bạn bè và gặp gỡ đối tác |
Giống như Hà Thu và Minh Đức, Thu Hồng (29, nhân viên văn phòng) cũng tìm đến một trung tâm thanh nhạc để cải thiện giọng hát của mình. Mỗi buổi tập, cô đều tập trung hát theo từng động tác chỉ dẫn của giảng viên.
“Mình thường không tự tin trong mỗi buổi giao lưu, hát hò với đồng nghiệp vì "ai cũng hát hay cả” nên mình quyết định tìm hiểu và theo học một khóa thanh nhạc tại trung tâm, tranh thủ thời gian 1-2 buổi/tuần sau giờ làm. Trong khóa học này, mình sẽ nhờ thầy giáo hướng dẫn tập vài "bài tủ" để dành cho các sự kiện với công ty sắp tới”, Thu Hồng chia sẻ.
Đổ xô đi học nhạc
Theo anh Hoàng Văn Ngọc, giám đốc một trung tâm luyện thanh, luyện hát karaoke ở Hà Nội, người Việt Nam thích giao lưu, ca hát, tuy nhiên số người tự tin với giọng của mình chưa nhiều.
Tại trung tâm của anh, người đi học đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề nhưng đông nhất là dân văn phòng và người về hưu. Trung tâm của anh Ngọc cũng có học viên ở nhiều tỉnh thành, thậm chí cả người Việt đang lao động, định cư nước ngoài. Anh Ngọc từng dạy một chị lấy chồng Hàn Quốc, hiện cho cả con gái học hát online để thành thạo tiếng Việt; một học viên 76 tuổi ở Khâm Thiên dù chân khó đi lại vẫn bắt xe đến lớp.
"Những người xa xứ, người lao động xa quê càng có nhu cầu học hát giúp họ giải tỏa nỗi buồn, nỗi nhớ người thân, quê nhà", anh Ngọc nói.
Trung tâm của anh Ngọc mở trong mùa dịch, đến nay đã phát triển lên hai cơ sở. Các ca học gần như kín lịch, kể cả ngày thường. Năm ngoái, trung tâm có tới 4.000 học viên, trong đó 70% học hát.
Anh Ngọc hướng dẫn học viên luyện tập thanh nhạc |
Chị Đồng Thị Phương, giám đốc một trung tâm luyện thanh đã hoạt động 7 năm ở quận Ba Đình cho biết lúc cao điểm có 35 ca học mỗi ngày, đào tạo khoảng 1.000 học viên mỗi năm. Trung tâm hướng tới đối tượng khách hàng là dân văn phòng, sếp lớn doanh nghiệp và người làm trong cơ quan nhà nước.
Giải thích sự bùng nổ của trào lưu này, chị Phương cho rằng chất lượng đời sống ngày càng nâng cao, con người càng có nhu cầu giải trí, hoàn thiện bản thân. Không ít người được bác sĩ tâm lý chỉ định đi học cho tinh thần vui vẻ. Người cao tuổi tập gym, golf cũng được khuyên nên học, không phải để hát hay mà luyện hơi thở, cải thiện sức khỏe.
Chị Phương cũng cho biết vì đây là bộ môn cần có năng khiếu nên có những học viên học rất khó khăn, chậm cải thiện. Đa phần sau khóa học đầu tiên đã có thể hát karaoke ở mức không "tra tấn người nghe", nhiều người trở thành "giọng ca vàng" ở xóm, cơ quan, đoàn thể.
Tùy theo lớp nhóm hay cá nhân và các trung tâm khác nhau, giá dao động từ 2 đến 5 triệu đồng mỗi khóa. Có những người học một khóa cơ bản, cũng có không ít người càng học càng muốn tốt hơn, nên quá trình học kéo dài vài năm.
Giảng viên Trần Quang Trường, cử nhân thanh nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, cho biết lộ trình học được chia thành bốn mức độ từ nhập môn thanh nhạc, cơ bản, nâng cao đến biểu diễn.
“Để tốt nghiệp một khóa cơ bản, người học sẽ trải qua các bước như tập lấy hơi, mở khẩu hình, luyện thanh, phách và nhạc lý, sau đó sẽ hướng dẫn áp dụng vào những bài hát cụ thể. Học viên sẽ được tư vấn bài hát phù hợp chất giọng. Mỗi người thường được khuyên chỉ nên theo đuổi 1-2 dòng nhạc chính. Bên cạnh việc nâng cao kỹ năng thanh nhạc, các khóa học cũng giúp học viên giải tỏa được căng thẳng, mệt mỏi và vui vẻ hơn”, anh Trường chia sẻ.