Khắc phục triệt để tình trạng phạt để tồn tại và "nạn chống lưng" trong lĩnh vực xây dựng
Quang cảnh hội nghị |
Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội nâng mức tiền phạt quy định đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng tại nội thành thành phố bằng 2 lần mức tiền phạt đối với cùng hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong Nghị định số 16/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ.
19 nhóm hành vi vi phạm được áp dụng tại Nghị quyết là các hành vi được đánh giá có ảnh hưởng tới an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
PGS.TS Bùi Thi An phát biểu tại hội nghị |
Cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết, các đại biểu cơ bản nhận định, việc HĐND thành phố ban hành Nghị quyết là rất cần thiết, đúng thẩm quyền, nhất là việc xác định áp dụng nâng mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính về xây dựng có ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Theo PGS.TS Bùi Thị An, vấn đề quản lý và xử phạt về trật tự xây dựng đã được được đặt ra trong nhiều năm. Mặc dù đã được tập trung xử lý nhưng vẫn không triệt để, gây mất lòng tin trong Nhân dân. Nguyên nhân chủ yếu do mức xử phạt chưa đủ mạnh để răn đe, vì vậy, việc ban hành Nghị quyết là rất đúng và trúng.
“Tờ trình này chắc chắn sẽ được Nhân dân đồng thuận rất cao, tôi đề nghị nên công khai, minh bạch mọi nội dung liên quan tới quá trình xử phạt: Ví dụ xử ai, vì sao, vi phạm tới mức nào và phạt bao nhiêu tiền? Bao giờ thi hành? Ai là người chịu trách nhiệm xử lý vụ việc để Nhân dân giám sát”, bà An đề xuất.
Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật Phạm Ngọc Thảo phát biểu tại hội nghị |
Cơ bản thống nhất với các nội dung của Tờ trình, tuy nhiên ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cho rằng, tình hình vi phạm xây dựng trên địa bàn thành phố ngày càng phức tạp, nghiêm trọng kéo dài, gây bức xúc dư luận, do đó cần làm rõ nguyên nhân thì mới có giải pháp thỏa đáng.
Vì vậy, ông Thảo đề nghị cần đánh giá rõ hơn thực trạng, hiệu quả áp dụng các giải pháp xử lý vi phạm thời gian qua; Nguyên nhân của các tồn tại; Khuyết điểm yếu kém của các cơ quan quản lý Nhà nước, của các tổ chức cá nhân.
Về nội dung xử phạt, ông Thảo đề xuất bổ sung một số hành vi vi phạm như đổ trộm chất thải rắn gây mất vệ sinh môi trường và hành vi gây tiếng ồn sau 23 giờ đêm ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Bên cạnh đó, cần xem xét thêm quy định nội dung và mức phạt tiền phù hợp thực tiễn, tương ứng giá trị công trình xây dựng. Giá trị công trình càng lớn thì xử phạt phải càng cao; Phạt tiền phải đi đôi với đồng bộ các giải pháp: Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, trách nhiệm thực thi công vụ, năng lực của chính quyền, nhất là cấp quận, phường; Tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện đúng quy định của pháp luật trong xây dựng...
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu tại hội nghị |
Các ý kiến phản biện tại hội nghị đề nghị cần xác định rõ hơn cơ sở pháp lý, thực trạng vi phạm trật tự xây dựng; Riêng với 4 quận lõi của thành phố, đề xuất tăng mức phạt để người dân không dám vi phạm. Quan trọng Nghị quyết phải đảm bảo răn đe có hiệu quả, khắc phục triệt để tình trạng “phạt để tồn tại” và việc "chống lưng" trong xây dựng.
Cảm ơn các ý kiến phản biện khách quan, toàn diện của các chuyên gia, nhà khoa học, Chủ tịch MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương đề nghị các cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu để bổ sung hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết và đảm bảo quy trình, thành phần tham gia quá trình phản biện của MTTQ