Khắc phục có hiệu quả việc chậm xử lý đơn khởi kiện
Đã thụ lý 23.215 vụ việc
Thông tin về công tác xét xử 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 tại kỳ họp thứ 12, HĐND TP Hà Nội khoá XVI, diễn ra ngày 3/7, Phó Chánh án TAND thành phố Hà Nội Đào Sỹ Hùng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, TAND hai cấp thành phố Hà Nội đã thụ lý 23.215 vụ việc; Giải quyết 14.473 vụ việc, đạt tỷ lệ 62,34%.
Phó Chánh án TAND thành phố Hà Nội Đào Sỹ Hùng thông tin về công tác xét xử 6 tháng đầu năm 2023 |
Về án hình sự, TAND hai cấp thành phố thụ lý 4.755 vụ/8.890 bị cáo; Giải quyết 3.872 vụ/6.913 bị cáo, đạt tỷ lệ 81,43%. So với cùng kỳ năm 2022, số thụ lý giảm 117 vụ, số giải quyết giảm 76 vụ.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2023, TAND hai cấp thành phố thụ lý 29 vụ/197 bị cáo bị truy tố về tội tham nhũng; Giải quyết 7 vụ/73 bị cáo.
Các vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được Tòa án phối hợp tốt với các cơ quan tố tụng tại Trung ương và thành phố khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh đáp ứng yêu cầu chính trị, được dư luận đồng tình ủng hộ.
Bên cạnh đó, TAND thành phố Hà Nội rất chú trọng đến việc làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền trong quá trình giải quyết các vụ án như chủ động bố trí thêm phòng theo dõi trực tuyến, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí…
Trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, TAND thành phố Hà Nội luôn chú trọng và tăng cường công tác hòa giải, đối thoại nên tỷ lệ các vụ án hòa giải, đối thoại thành ra quyết định công nhận sự thỏa thuận hoặc đương sự rút đơn khởi kiện đạt tỷ lệ cao góp phần giải quyết dứt điểm, nhanh chóng tranh chấp, ổn định tình hình Nhân dân.
Theo Phó Chánh án TAND thành phố Hà Nội Đào Sỹ Hùng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong 6 tháng đầu năm 2023, TAND 2 cấp thành phố Hà Nội vẫn còn một số vụ án quá hạn, tỷ lệ giải quyết án dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại còn thấp. Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, trong đó số lượng án mà TAND 2 cấp thành phố Hà Nội phải giải quyết luôn ở mức rất cao, tính chất ngày càng phức tạp. Một số quy định của pháp luật chưa phù hợp hoặc còn bất cập, gây khó khăn cho công tác giải quyết án…
Tăng cường công tác hòa giải, đối thoại
Theo Phó Chánh án TAND thành phố Hà Nội Đào Sỹ Hùng, trong 6 tháng cuối năm, đơn vị sẽ đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại vụ án, nhất là các vụ án tồn đọng; Phấn đấu kết thúc năm công tác 2023 sẽ giảm án tồn đọng kéo dài mà không được giải quyết do lỗi chủ quan của thẩm phán; Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội giao cho về tỷ lệ và chất lượng giải quyết các loại vụ việc.
Quang cảnh kỳ họp thứ 12, HĐND thành phố Hà Nội khoá XVI |
Trong công tác giải quyết án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, TAND thành phố Hà Nội sẽ khắc phục có hiệu quả việc chậm xử lý đơn khởi kiện; Án quá thời hạn xét xử, án tạm đình chỉ không có căn cứ pháp luật; Đẩy mạnh hòa giải, đối thoại; Thực hiện nguyên tắc tranh tụng, đảm bảo các phán quyết của Tòa án phải đúng pháp luật, đảm bảo công lý, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân.
Tòa cũng sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải, đối thoại đến các cá nhân và tổ chức, từ đó đẩy mạnh hoạt động hòa giải, đối thoại trước khi Tòa án thụ lý hồ sơ vụ việc; Nâng tỷ lệ giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, hạn chế thấp nhất việc để án quá hạn không đúng quy định của pháp luật…
TAND thành phố Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết các loại vụ việc; Quan tâm giải quyết, khắc phục kịp thời những sai sót, vi phạm đã được Viện kiểm sát kiến nghị và kịp thời đề ra các biện pháp, giải pháp phòng ngừa các thiếu sót, vi phạm; Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp rà soát các bản án dân sự chưa thi hành do tuyên không rõ ràng để giải thích, đính chính kịp thời.