Huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng): Kế thừa, phát huy tiềm năng thế mạnh riêng có để phát triển bền vững
Những tuyến đường nông thôn ở Mỹ Tú đã được bê tông hóa, khang trang, sạch đẹp |
Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội
Sản xuất nông nghiệp của huyện được thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, các chương trình, dự án, đề án được huyện Mỹ Tú triển khai đồng bộ và mang lại kết quả tích cực: Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị giai đoạn 2015 - 2020, phát triển vườn cây ăn trái, nuôi thủy sản; Đề án phát triển lúa đặc sản giai đoạn 2016 - 2020; Đề án phát triển đàn bò sữa, bò thịt; Kế hoạch đổi mới và nâng cao chất lượng các loại hình kinh tế tập thể.
Kết quả về sản xuất lúa gạo năm 2020 ước đạt 370 nghìn tấn (lúa đặc sản chiếm 40%); Tổng sản lượng thủy sản đạt 8.150 tấn (tăng 1.850 tấn so năm 2015); Phát triển 2.945 con bò, nâng tổng đàn lên 6.671 con, trong đó đàn bò sữa đạt 2.976 con. Các chỉ tiêu về trồng màu, cây ăn trái, cây công nghiệp ngắn ngày đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện tăng bình quân hằng năm 5%, nâng giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất nông nghiệp, thủy sản lên 140 triệu đồng, tăng 27 triệu đồng so với năm 2015.
Diện mạo nông thôn đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; Ước năm 2020, huyện có 4/8 xã đạt chuẩn quốc gia xây dựng Nông thôn mới, chiếm 50% tổng số xã; Các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên.
Tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện Mỹ Tú tăng bình quân hằng năm 5% |
Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 đạt 580 tỷ đồng; Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.100 tỷ đồng, tăng gần 2 lần so với đầu nhiệm kỳ. Huyện Mỹ Tú thu ngân sách hằng năm vượt chỉ tiêu tỉnh giao từ 10 - 15%; Chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả. Trong 5 năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư xã hội đạt 4.205 tỷ đồng, phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Sự nghiệp giáo dục đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng dạy và học được nâng lên; Công tác phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở được duy trì; Tỷ lệ huy động học sinh các cấp học đạt chỉ tiêu nghị quyết. Năm 2020, toàn huyện Mỹ Tú có 32/45 trường đạt chuẩn quốc gia.
Thiết chế văn hóa được chú trọng, toàn huyện có 8 nhà văn hóa, hiện 80/83 ấp có nhà sinh hoạt cộng đồng; Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì thường xuyên. Bộ máy y tế cơ sở phát triển toàn diện, trong đó có 9 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo duy trì tốt. Trong 5 năm, huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho trên 12.600 người, giải quyết việc làm hơn 13.500 trường hợp; Hằng năm giảm 3 - 4% hộ nghèo, qua đó huyện giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,58%.
Trong nhiệm kỳ qua, huyện Mỹ Tú đã sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ ở các đơn vị cấp huyện và cơ sở theo hướng chuẩn hóa, theo vị trí việc làm, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới. Từ đó, hiệu lực hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp được nâng lên, công tác cải cách hành chính, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ghi nhận nhiều tiến bộ.
4 giải pháp đột phá phát triển
Phát huy những tiềm năng thế mạnh của huyện, đồng thời kế thừa những thành tựu toàn diện trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Mỹ Tú đã xây dựng 4 giải pháp để phát triển toàn diện trong nhiệm kỳ tới.
Diện mạo nông thôn xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú ngày càng khởi sắc nhờ xây dựng thôn mới mới |
Trong nhiệm kỳ tới, huyện Mỹ Tú tiếp tục khai thác tốt nhất lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, khơi dậy và phát huy tối đa các nguồn nội lực, tranh thủ mọi nguồn lực từ bên ngoài để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, huyện cũng xác định tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo môi trường thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển theo hướng coi trọng chất lượng và hiệu quả; Tăng cường công tác bảo vệ môi trường; Coi trọng công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ mới vào sản xuất, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp.
Mỹ Tú xác định phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, phù hợp với điều kiện đặc thù của từng vùng; Sản xuất gắn với thị trường, chú trọng liên kết sản xuất với tiêu thụ; Sản xuất theo định hướng hữu cơ, sạch, an toàn. Huyện từng bước xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; Tăng nhanh khối lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản xuất khẩu; Đẩy mạnh phong trào xã hội hóa xây dựng Nông thôn mới.
Về thương mại dịch vụ, huyện tạo ưu tiên phát triển mạnh mẽ, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chuyển dịch cơ cấu lao động; Tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh thương mại, dịch vụ, nhất là hệ thống chợ nông thôn.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Mỹ Tú xác định phát triển theo hướng nâng cao chất lượng giáo dục và tăng cường xã hội hóa; Coi trọng công tác tuyển chọn đưa đi đào tạo, chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo và đẩy mạnh xuất khẩu lao động có kỹ thuật.
Phát triển sự nghiệp y tế và chăm sóc sức khỏe cho toàn dân theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa y học hiện đại với y học cổ truyền; Xây dựng mạng lưới khám, chữa bệnh, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; Chủ động trong công tác phòng, chống dịch, kiểm soát và khống chế được các dịch bệnh nguy hiểm.
Huyện kết hợp chặt chẽ các hoạt động văn hóa với thông tin truyền thông, đưa văn hóa và thông tin đến địa bàn cơ sở; Không ngừng nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Duy trì thường xuyên phong trào thể dục thể thao quần chúng và tập luyện các môn thể thao thành tích cao; Tiếp tục thực hiện tốt chương trình mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, chính sách người có công; Chú trọng vận động lao động trong độ tuổi đi làm công nhân ở các doanh nghiệp trong và ngoài huyện.
Nhiệm kỳ tới, Mỹ Tú quyết tâm thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân; Hướng tới sự phát triển toàn diện và bền vững.