Huyện Long Phú (Sóc Trăng): Tập trung nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng và phát triển kinh tế, xã hội
PV: Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Long Phú rất nỗ lực vượt khó để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII với những kết quả khá toàn diện. Ông có thể cho biết khái quát về những kết quả này?
Ông Huỳnh Đức: Nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong huyện đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII đạt được kết quả khá toàn diện.
Phải đặt nhiệm vụ xây dựng Đảng lên hàng đầu, nắm vững và vận dụng tốt đường lối, chủ trương của Đảng vào tình hình thực tế của địa phương, có giải pháp đột phá để thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ… |
Huyện thực hiện ba khâu đột phá về cải cách hành chính, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; Công tác giảm nghèo bền vững có chuyển biến, tiến bộ. Đến cuối nhiệm kỳ, có 22/24 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.
PV: Một trong 3 khâu đột phá có ý nghĩa và tầm quan trọng được huyện xác định là công tác cải cách hành chính Nhà nước. Vậy qua 5 năm triển khai thực hiện, công tác này đã có những cải thiện gì đáng kể?
Ông Huỳnh Đức: Trong công tác cải cách hành chính Nhà nước, UBND huyện xây dựng nhiều mô hình và chỉ đạo thực hiện mang lại hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm xử lý, giải quyết công việc nhanh hơn, giảm bớt thời gian giải quyết, số lần đi lại, đem lại nhiều kết quả thiết thực.
Huyện cũng quan tâm triển khai thực hiện tốt việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở; Qua đó đã giảm được 11 đơn vị sự nghiệp công lập và tinh giản biên chế được 122/149 trường hợp so với đầu nhiệm kỳ. Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức luôn được quan tâm thực hiện, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực thực hiện nhiệm vụ, kỹ năng giao tiếp. Toàn huyện có 76/80 cán bộ công chức công tác tại cơ quan chuyên môn huyện và 26/27 công chức, viên chức công tác tại cơ quan sự nghiệp công lập trực thuộc huyện đạt chuẩn ngạch theo đề án vị trí việc làm.
Để đảm bảo an ninh trật tự nhằm tạo điều kiện tích cực để phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội tại địa phương, huyện đã tập trung xây dựng và nâng chất các mô hình phòng, chống tội phạm mang lại hiệu quả trong công tác phòng ngừa như: Mô hình “Camera an ninh”, “Ánh sáng an ninh”, “Xóm đạo tự quản”... song song với công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Công tác giảm nghèo bền vững cũng đã mang lại hiệu quả tích cực khi giảm tỷ lệ hộ nghèo từ mức 19,03% vào đầu nhiệm kỳ xuống còn 4,89% vào cuối nhiệm kỳ. Số hộ cận nghèo cũng giảm từ mức 10,69% xuống còn 6,71%.
Cây lúa được huyện Long Phú đưa vào cơ cấu 2 vụ/năm với chủ lực là các giống lúa đặc sản, giá trị cao |
PV: Đối với huyện nông nghiệp như Long Phú, công tác tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Xin ông cho biết cụ thể hơn về kết quả thực hiện công tác này?
Ông Huỳnh Đức: Trong nhiệm kỳ, huyện đã tập trung triển khai thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn như: Hỗ trợ lãi suất, đầu tư nâng cấp công trình thủy lợi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả và bền vững...
Đối với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, qua triển khai đã mang lại một số kết quả tích cực như: Dự án phát triển lúa đặc sản; Dự án phát triển sản xuất lúa đặc sản theo chuỗi giá trị; Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSat); Thực hiện cơ cấu lại mùa vụ, chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm theo hướng tập trung phát triển sản xuất các giống lúa đặc sản; Dự án phát triển cây ăn trái đặc sản của tỉnh, Dự án phát triển cây ăn trái theo chuỗi giá trị, mô hình trồng dừa dứa; Dự án phát triển chăn nuôi bò thịt của tỉnh, Dự án phát triển chăn nuôi bò theo chuỗi giá trị và tập trung phát huy thế mạnh thủy sản.
Qua đó, các dự án đã làm gia tăng giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản lên trên 165 triệu đồng, đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết và tăng 43,48% so đầu nhiệm kỳ; Góp phần nâng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2020 ước đạt 3.330 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), đạt 95,14% chỉ tiêu Nghị quyết và tăng 16,49%.
Các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp tiếp tục được củng cố, phát triển. Trong nhiệm kỳ, huyện phát triển được 16 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Toàn huyện đã có 17 hợp tác xã nông nghiệp với 945 thành viên, vốn điều lệ 970 triệu đồng và diện tích đất canh tác 1.292,56ha. Một số hợp tác xã đã thực hiện hiệu quả các khâu liên kết đầu vào và tiêu thụ sản phẩm, góp phần giảm chi phí sản xuất và nâng cao lợi nhuận cho các thành viên.
Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, trong nhiệm kỳ, toàn huyện đã huy động được gần 456 tỷ đồng để triển khai thực hiện; Trong đó, vốn dân góp 46 tỷ đồng (chiếm 10,1%). Đến nay, huyện Long Phú có 5 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên.
Dự án phát triển đàn bò thịt đã giúp cải thiện đáng kể thu nhập của người dân nông thôn |
Đến cuối năm 2020, dự kiến có 6 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, 3 xã còn lại đạt từ 16 tiêu chí trở lên, đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tính đến nay, toàn huyện có 3 sản phẩm đạt 3 sao, gồm: Mật sáp; Mật ong Organic; Mật ong miền Tây của Công ty TNHH Ong Xanh, xã Trường Khánh.
PV: Vậy còn công tác xây dựng Đảng thì sao, thưa ông?
Ông Huỳnh Đức: Công tác xây dựng Đảng đạt được những kết quả tích cực; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng được nâng lên. Nhiều năm liền Đảng bộ huyện được tỉnh công nhận đạt trong sạch, vững mạnh; Trong đó, năm 2018 và 2019 Ban Thường vụ Huyện ủy được tỉnh đánh giá, xếp loại đạt “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ được các cấp uỷ Đảng chỉ đạo thực hiện nghiêm túc.
Việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai quán triệt sâu rộng, lan tỏa mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Qua đó, các hoạt động này đã nâng cao nhận thức tư tưởng, cải tiến tác phong, lề lối làm việc, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, mở rộng dân chủ, gần gũi Nhân dân; Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân, rèn luyện đạo đức, phẩm chất của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; Góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị của huyện vững mạnh; Củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Ngoài ra, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện chính sách tinh giản biên chế giai đoạn 2015 - 2021; Luân chuyển, điều động, bổ nhiệm; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị… cũng được Huyện ủy quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả.
PV: Xin ông cho biết một số kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ qua?
Ông Huỳnh Đức: Qua kết quả thực tiễn, huyện rút ra các kinh nghiệm như sau: Thứ nhất, phải đặt nhiệm vụ xây dựng Đảng lên hàng đầu gắn với bảo đảm các nguyên tắc trong Đảng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ.
Thứ hai, cần nắm vững và vận dụng tốt đường lối, chủ trương của Đảng vào tình hình thực tế của địa phương. Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải lựa chọn vấn đề trọng tâm, trọng điểm, có giải pháp đột phá để thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ từng năm và cả nhiệm kỳ.
Thứ ba, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải sâu sát, cụ thể và quyết liệt; xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành. Quá trình chỉ đạo phải phát huy trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết là người đứng đầu; Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Thứ tư, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị - xã hội; Quốc phòng - an ninh; Tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề phức tạp, nảy sinh từ cơ sở, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển.
PV: Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này và xin chúc cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Long Phú tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong nhiệm kỳ tới!