Huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng): Đổi mới mạnh mẽ để phát triển nhanh và bền vững
Một góc huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng |
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp và thủy sản
Nhiệm kỳ qua đã chuyển đổi 3.897ha đất trồng mía kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái 1.796ha, rau màu 998ha và nuôi thuỷ sản 1.103ha. Huyện từng bước hình thành một số vùng chuyên canh cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch, trong đó có: Vùng trồng nhãn Idor ở xã An Thạnh Nam và xã An Thạnh 3; Vùng trồng Thanh nhãn ở xã An Thạnh Tây; Vùng trồng xoài Cát Chu và xoài Đài Loan ở xã An Thạnh 1; Vùng trồng bưởi ở thị trấn Cù Lao Dung.
Triển khai đề án của Chính phủ và sự chỉ đạo của tỉnh về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hiện nay huyện có 2 mặt hàng được chứng nhận nhãn hiệu tập thể (trái cây Cù Lao Dung và xoài An Thạnh 1), 4 sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Sóc Trăng được xếp hạng từ 3 đến 4 sao (1 sản phẩm 4 sao: Tôm một gió và 3 sản phẩm 3 sao: Nước cốt bần, Mật ong Sáu Phương và Tinh dầu sả chanh).
Các hình thức liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất trong tiêu thụ sản phẩm ngày càng nhiều và mang lại hiệu quả; Cải tạo và phát triển tốt diện tích cây ăn trái, cây công nghiệp ngắn ngày và màu lương thực thực phẩm. Diện tích cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày khoảng 14.000ha (tăng 1.150ha), đạt 100% (trong đó, cây mía 3.500ha, giảm 3.897ha); Phát triển mạnh diện tích cây lâu năm, cây ăn trái đặc sản theo hướng tập trung 4.200ha (trong đó, diện tích dừa 2.000ha), đạt 168% (tăng 1.800ha).
Những thay đổi trên đã tạo ra giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 3.270 tỷ đồng, đạt 102,48% (tăng 19,21% so đầu nhiệm kỳ); Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản bình quân đạt 152 triệu đồng/ha/năm (tăng 42 triệu đồng), đạt 101,33% (trong đó, trên 30% diện tích đạt 200 triệu đồng/ha/năm). Diện tích rừng phòng hộ là 1.712,7ha, đạt 104,43%, độ che phủ rừng 5,4%; Công tác quản lý, bảo vệ rừng và trồng cây phân tán được quan tâm, hằng năm trồng mới trên 100.000 cây các loại.
Thuỷ sản vốn được xem là ngành mũi nhọn trong lĩnh vực nông nghiệp của huyện, nhất là nuôi tôm nước lợ, diện tích nuôi thuỷ sản là 4.100ha, đạt 109,04% (trong đó, nuôi tôm 3.500ha, tăng 1.700ha); Tổng sản lượng thuỷ hải sản nuôi trồng và đánh bắt 34.600 tấn, đạt 138,40%. Cùng với phát triển thuỷ sản, các dịch vụ kèm theo như: Chế biến, cung ứng thức ăn thủy sản, tư vấn kỹ thuật, phòng trị bệnh trên tôm phát triển khá. Nhìn chung, nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là nuôi tôm trên địa bàn huyện có hiệu quả, tỷ lệ thiệt hại thấp (bình quân dưới 10%/năm).
Khai thác thế mạnh tiềm năng, phát triển dịch vụ, du lịch
Kinh tế tập thể tiếp tục phát triển theo kế hoạch, góp phần nâng cao chuỗi giá trị cho sản phẩm đầu ra, nâng cao thu nhập cho nông dân. Huyện đã củng cố và xây dựng 12 hợp tác xã với 185 thành viên (tăng 2 hợp tác xã); 22 tổ hợp tác với 384 thành viên (giảm 3 tổ hợp tác) và 2 nhóm đồng quản lý với 650 thành viên (giảm 201 thành viên). Tổng số hộ dân tham gia kinh tế hợp tác, hợp tác xã 1.219/16.888 hộ, đạt 7,22% số hộ tham gia (chỉ tiêu Nghị quyết trên 20%).
Ông Võ Thanh Quang, Bí thư Huyện ủy Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng |
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển, tăng trưởng bình quân 6,40%/năm (chỉ tiêu Nghị quyết 8%/năm). Toàn huyện có 2 doanh nghiệp và 268 cơ sở sản xuất tập trung ở các ngành thực phẩm, sản xuất chế biến gỗ, các vật liệu từ kim loại, hàng gia dụng... Giá trị sản xuất ước thực hiện 110 tỷ đồng, đạt 110% (tăng 81 tỷ đồng).
Hệ thống điện tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Điện sản xuất kinh doanh 42 triệu kWh, đạt 135,48%, tăng trưởng bình quân 14,58%/năm (chỉ tiêu Nghị quyết 5%/năm). Đến cuối năm 2020, tổng số hộ sử dụng điện ước đạt 16.091 hộ, chiếm tỷ lệ 95,28% tổng số hộ trên địa bàn (trong đó, hộ Khmer có điện sử dụng là 1.738 hộ, chiếm 98,92%).
Thương mại, dịch vụ của huyện tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước thực hiện 3.100 tỷ đồng, đạt 103,33% (tăng 1.318 tỷ đồng). Toàn huyện Cù Lao Dung có tổng số 58 doanh nghiệp đăng ký hoạt động (tăng 14 doanh nghiệp so với đầu nhiệm kỳ) và 3.100 hộ kinh doanh cá thể (trong đó, số lượng hộ đăng ký kinh doanh là 2.004 hộ, tăng 700 hộ). Toàn huyện có 2 siêu thị cung cấp các mặt hàng phục vụ sinh hoạt và tiêu dùng.
Nhờ đổi mới và phát triển, Cù Lao Dung đã trở thành địa điểm thu hút khách du lịch gần xa. Các vùng cây ăn trái gắn với điều kiện tự nhiên của huyện cơ bản hình thành các khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở xã An Thạnh 1 và xã An Thạnh Nam. Lượng du khách đến tham quan các khu di tích, các điểm du lịch bình quân 24.000 lượt khách/năm. Toàn huyện hiện có 13 nhà nghỉ với tổng số 130 phòng, cơ bản đủ phục vụ lượng khách lưu trú.
Thực hiện "5 trọng tâm, 2 khâu đột phá"
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cù Lao Dung lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm và 2 khâu đột phá để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Trong đó, 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng của đội ngũ đảng viên.
Huyện tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với phòng, chống tác động biến đổi khí hậu; Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; Đảm bảo tiến độ triển khai các công trình dự án trên địa bàn.
Cù Lao Dung tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; Phát huy giá trị văn hoá lịch sử gắn với phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Ứng dụng, phát triển và chuyển giao khoa học - công nghệ; Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, ứng dụng thành tựu mới về khoa học và công nghệ, nhất là trong phát triển nông nghiệp, tạo ra động lực phát triển kinh tế - xã hội; Chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp của huyện theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; Đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, để phát triển nhanh và bền vững, Cù Lao Dung đưa ra 2 khâu đột phá: Chú trọng phát triển nguồn nhân lực; Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học - kỹ thuật, công chức, viên chức đảm bảo tiêu chuẩn theo từng chức danh, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực đảm nhiệm chức trách, nhiệm vụ được giao.
Huyện tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; Phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp; Đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm công vụ; Pphát huy vai trò chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý.