Học cách hạnh phúc
Hạnh phúc đôi khi là điều lớn lao nhưng nhiều lúc rất bé nhỏ gần gũi |
Những người phụ nữ thành đạt truyền thông điệp “Trao đi là hạnh phúc” Hoa hậu Đại dương Đặng Thu Thảo hạnh phúc khoe bụng bầu song sinh Yêu thương chia sẻ để xây dựng gia đình bình an, hạnh phúc |
Một lần có người bạn hỏi rằng tôi có hạnh phúc không, tôi trả lời rằng mình luôn biết cách sống hạnh phúc. Anh ta cười nhạt bảo rằng liệu đó có phải là cách nói che đậy cho một sự thực là tôi đang không hạnh phúc không. Tôi vô cùng ngạc nhiên, vì thiết nghĩ không thể còn câu trả lời nào chính xác hơn thế được nữa.
Bởi vốn dĩ chúng ta, làm gì có ai từ lúc sinh ra đến khi chết đi lúc nào cũng “tự nhiên” mà được hạnh phúc. Người ta vì thế cần phải học cách để sống hạnh phúc, cách tạo ra hạnh phúc và vượt qua được những điều bất hạnh mà bất kỳ ai cũng có thể không may gặp phải trên một khúc quanh nào đó trong cuộc đời. Hạnh phúc là thứ quý giá nhất trong cuộc sống, thậm chí là vô giá, chẳng lẽ ta chỉ căn chờ vào số mệnh mang đến mà không cần phải học hỏi gì hay sao. Há chẳng phải toán, văn thì phải học mà hạnh phúc lại là thứ tự nhiên sẽ có.
Bernard Shaw đã nói rằng: “Chúng ta không có quyền hưởng thụ hạnh phúc mà không tạo ra nó, không khác gì không có quyền hưởng thụ sự giàu sang mà không chủ động tạo ra”. Cả Helen Keller, người phụ nữ dường như bất hạnh nhất thế gian khi vừa khiếm thị, vừa khiếm thính cũng đã nói tương tự: “Không ai có quyền hưởng thụ hạnh phúc mà không tạo ra nó”.
Sau này người phụ nữ khuyết tật ấy đã trở thành một tác giả, diễn giả và nhà hoạt động xã hội danh tiếng, được tạp chí Time xếp vào danh sách 100 nhân vật tiêu biểu của thế kỷ 20. Bà đã vượt qua nghịch cảnh mà kiến tạo hạnh phúc cho mình.
Hồi năm 2012, tôi có một chuyến du học ngắn ngày ở Manila, tại đây tôi được gặp một nhân vật kỳ lạ là thầy Pasig, được giới thiệu là một giáo viên có niềm tâm huyết đặc biệt. Thầy Pasig lên diễn đàn. Ngoài 80 tuổi, tóc thầy đã bạc trắng. Dáng vẻ không có gì nổi bật, nhưng chỉ sau vài giây, thầy khiến tất cả chúng tôi lặng đi… nghe giảng.
Pasig là một trong những diễn giả tuyệt vời nhất mà tôi từng gặp. Thầy nói 30 phút bằng tiếng Anh, với tông giọng trầm bổng, nhịp điệu đa dạng và những động tác cuồng nhiệt. Đôi lúc thầy hát hoặc… lắc hông để minh họa cho những ý kiến của mình. 80 tuổi, nhiều người đã không còn sức để tập dưỡng sinh nữa mà phần nhiều ở nhà lo dưỡng bệnh.
Thầy Pasig thì vẫn minh mẫn sau 56 năm trên bục giảng, vẫn nói: “Chừng nào bạn còn chưa cuống cuồng chạy đi mua một chiếc áo hàng hiệu Lacoste thì hãy tự trả lời xem điều gì là quan trọng nhất trong cuộc đời bạn… Hãy dám ước mơ và dám biến ước mơ đó thành hiện thực… Khi bạn 50 tuổi thì đừng sợ chết, bởi vì bạn không bao giờ chết cả. Bạn chỉ thực sự chết khi người ta quên bạn. Và nếu như vậy, có thể bạn đã chết rồi ngay từ khi còn rất trẻ, khi mà chẳng ai còn nhớ đến bạn nữa…”.
Thầy Pasig làm tôi nhớ đến tiên sinh Ohsawa khi ông viết cuốn “Những chàng trai huyền thoại”: Trong suốt 50 năm qua, tôi đã sống một cuộc sống thực sự vui vẻ, thú vị và tuyệt vời. Và trong tương lai nó sẽ càng thú vị hơn nữa. Và nếu bây giờ có ai đó hỏi liệu tôi có dám làm lại 60 năm cuộc sống đó một lần nữa từ đầu thì tôi sẽ vui vẻ hét lên rằng “Có!”. Cuộc đời của tôi vui tới mức như thế đấy!
Hạnh phúc, chỉ đơn giản là được sống cuộc đời mình mong muốn và không phải hối tiếc bất cứ điều gì như nhà báo, họa sỹ biếm họa người Mỹ Frank Tyger đã định nghĩa: “Làm điều bạn thích là tự do. Thích điều bạn làm là hạnh phúc”. Cũng vì thế mà Steve Jobs, cố chủ tịch Apple, trong diễn văn tại lễ trao bằng tốt nghiệp của trường đại học Stanford (2005) cũng nói rằng: “Nếu mỗi ngày bạn đều sống như thể đó là ngày cuối cùng của đời mình, đến một lúc nào đó bạn sẽ đúng…
Thời gian của các bạn là có hạn, nên đừng phí phạm bằng cách sống cuộc đời của người khác. Đừng rơi vào cái bẫy của sự giáo điều, áp đặt của những người khác. Đừng để những ý kiến ồn ào xung quanh nhấn chìm tiếng nói bên trong con người bạn. Và quan trọng nhất, phải có dũng khí để đi theo tiếng gọi của trái tim và trực giác. Dù thế nào thì chúng cũng biết bạn thực sự muốn gì. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu”.
Mới hôm qua thôi, một cô học trò của tôi đang làm việc ở Singapore viết thư về để xin một lời khuyên về công việc. Cô bé ấy hay tin tưởng mà hỏi ý kiến tôi, từ tình yêu cho đến sự nghiệp. Lần nào tôi cũng thấy cô gái trẻ phải đấu tranh tư tưởng khủng khiếp giữa điều mà cô ấy cực kỳ muốn làm với nỗi sợ hãi gặp sai lầm và thất bại. Tôi thường chỉ nói giản dị mỗi một câu: “Cứ tiến hành đi em. Ở tuổi của em, cuộc đời cho phép được sai lầm và thất bại thoải mái, chỉ có điều đừng lặp lại sai lầm cũ đến lần thứ ba là được.
Như vậy thì em sẽ không bao giờ phải hối tiếc. Chỉ ở tuổi của cô thì mới không cho phép được sai lầm nữa mà thôi”. Cô bé cười như trút được gánh nặng rồi ngay hôm sau bắt tay vào những mơ ước của mình. Tôi luôn dõi theo những bước chân của cô học trò nhỏ để ngóng chờ những thành công mới, để một ngày nào đó cô bé nói cho tôi biết rằng cô không có điều gì phải hối tiếc cả.
Một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới đã được dịch ra 29 thứ tiếng chính là hồi ký của tác giả Bronnie Ware, Australia với nhan đề “Năm điều hối tiếc của người hấp hối” xuất bản năm 2011. Bronnie Ware từng là một y tá trong bệnh viện, bà chịu trách nhiệm tiêm thuốc giảm đau cho những bệnh nhân giai đoạn cuối. Trong nhiều năm liền Bronnie đã lắng nghe chia sẻ của hàng ngàn bệnh nhân trong giờ phút cận kề cái chết, phần lớn là những điều tiếc nuối của họ về quá khứ.
Chính vì vậy bà đã viết cuốn sách trên và đồng thời trở thành giáo viên dạy cách… sống hạnh phúc với những khóa học như “Tạo dựng cuộc sống không hối tiếc”, “Con đường dẫn đến cuộc sống không hối tiếc” hay “Sống đời không hối tiếc. Cuốn sách best-seller của bà đã liệt kê năm điều hối tiếc phổ biến của con người như sau:
Thứ nhất là “Tôi ước gì mình đã dũng cảm hơn để sống thật với chính mình, chứ không phải cuộc sống toàn là nghĩa vụ và trách nhiệm để rồi bây giờ nhìn lại, thấy bao nhiêu ước mơ đã qua đi”.
Thứ hai là “Tôi ước gì mình đã không phải sống một cuộc đời chỉ có làm việc và làm việc như thế, để rồi chẳng còn thời gian mà tương tác với bạn đời và các con, cho đến khi bỏ lỡ cả tuổi thơ tươi đẹp của chúng”.
Thứ ba là “Tôi ước gì đã đủ dũng cảm để có thể bày tỏ cảm xúc thật của mình”. Nhiều người đã cố gắng kìm nén cảm xúc để giữ gìn bình yên đối với những người xung quanh. Cuối cùng chính sự ức chế đó biến thành một phần nguồn cơn khiến họ phải chịu đựng những căn bệnh của ngày hôm nay.
Thứ tư là “Tôi ước gì mình đã liên lạc với bạn bè nhiều hơn”. Phần lớn vì cuộc sống mưu sinh bận rộn mà quên mất giữ liên lạc với bạn bè và chỉ cho đến giờ phút này họ mới nhận ra rằng tiền bạc chẳng còn ý nghĩa gì nữa.
Thứ năm là “Tôi ước gì mình được tự do sống hạnh phúc như mình muốn”. Theo Bronnie thì đây là nuối tiếc phổ biến nhất vì phần lớn con người không nhận ra rằng cuối cùng thì hạnh phúc chỉ đơn giản là sự lựa chọn. Họ thường xuyên bị mắc kẹt trong những khuôn mẫu và thói quen cũ kỹ. Sự “thoải mái” của thói quen đã nhấn chìm cảm xúc của họ. Nỗi sợ hãi phải thay đổi khiến họ luôn phải sống giả vờ với những người xung quanh và cả chính mình. Cuộc sống chính là một sự lựa chọn, vì vậy hãy lựa chọn chính xác, khôn ngoan và trung thực. Hãy chọn hạnh phúc.
Đọc cuốn sách của Bronnie, tôi bất chợt nhớ đến nhân vật gã chăn cừu trong “Nhà giả kim” của Paulo Coelho khi cậu ta luôn phải đứng trong tình trạng lựa chọn giữa một bên là những gì quen thuộc, gần gũi và một bên là cái cậu muốn sở hữu. Và Paulo Coelho đã đúng khi cho rằng người ta luôn sợ hãi phải theo đuổi những giấc mơ vĩ đại vì cảm thấy không xứng đáng được hưởng hoặc sẽ không thể nào đạt nổi, và bí quyết của hạnh phúc là “Biết ngắm nhìn mọi thứ tuyệt mỹ trên thế gian mà không hề quên hai giọt dầu trên muỗng”.