Hoàn thiện thể chế, chính sách và tìm cách làm mới “đột phá”
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong phát triển giao thông Ngày 17/1, diễn ra hội thảo về phát triển đường sắt đô thị Cần có chính sách đặc thù để phát triển khoa học - công nghệ |
TOD phát huy tối đa lợi thế của quỹ đất đô thị
Trong Quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 thì tới năm 2030, đường sắt đô thị được kỳ vọng là “xương sống” của mạng lưới giao thông vận tải thành phố. Loại hình này đáp ứng khoảng 30% nhu cầu đi lại của người dân trong đô thị hạt nhân và từ 15% - 25% ở đô thị vệ tinh.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông |
Khi hoàn thành, được gắn kết với xe buýt và các phương thức vận tải công cộng khác, hệ thống đường sắt đô thị không chỉ giúp cho việc đi lại của người dân dễ dàng hơn, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của các khu vực và đô thị dọc tuyến.
Theo quy hoạch hiện nay, Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị gồm 9 tuyến chính và 1 tuyến nối các đô thị vệ tinh, với tổng chiều dài 417,8km, trong đó có 75,6km đi ngầm. Cụ thể, tuyến số 1: Yên Viên – Ngọc Hồi dài 38,7km, tuyến số 2: Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo dài 35,2km, tuyến số 2A: Cát Linh – Hà Đông dài 14km, tuyến số 3: Nhổn – Hoàng Mai dài 48km, tuyến số 4: Đông Anh – Mê Linh dài 54km, tuyến số 5: Văn Cao – Hòa Lạc dài 39km, tuyến số 6: Nội Bài – Tây Ngọc Hồi dài 43km, kết nối với tuyến số 4 và tuyến số 7: Hà Đông – Mê Linh dài 35km, tuyến số 8: Hoài Đức – Gia Lâm dài 28km. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới chỉ hoàn thành được 13km tuyến 2A Cát Linh – Hà Đông và đang thi công 12,5km của tuyến số 3 đoạn Nhổn- ga Hà Nội.
Theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị, trong 12 năm tới, Hà Nội phải hoàn thành được gần 405 km còn lại, với kinh phí cần bố trí thực hiện là khoảng 37 tỷ đô la Mỹ, tương đương khoảng 850 nghìn tỷ đồng.
Điều này là khó khả thi về mặt thời gian cũng như bố trí nguồn lực. Thực tế chậm triển khai, đội vốn các dự án đường sắt đô thị thời gian qua cho thấy vẫn còn nhiều bất cập.
Nổi lên là việc thiếu gắn kết với tái cấu trúc không gian đô thị; thiếu kết nối với chính hệ thống giao thông; khó khăn trong việc tiếp cận nhà ga. Nếu không được giải quyết sẽ làm giảm đáng kể hiệu quả khai thác và tính ưu việt của loại hình giao thông công cộng khối lượng lớn này.
Những bất cập nêu trên, cùng với dự báo dân số Hà Nội đến năm 2030 tăng lên khoảng 11,5 triệu người, ùn tắc giao thông diễn biến ngày càng phức tạp, sẽ tiếp tục tạo ra các gánh nặng, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Từ kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới, để giải quyết các vấn đề trên, thành phố cần nghiên cứu, áp dụng mô hình TOD cho việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị nhằm đảm bảo tính tổng thể, tầm nhìn dài hạn của phát triển đô thị theo hướng bền vững, trong đó giao thông công cộng trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Mới mẻ, cần hành lang pháp lý phù hợp
Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) được định nghĩa là một mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm, tăng khả năng, sự thuận tiện cho người dân tiếp cận các điểm trung chuyển, các ga đường sắt đô thị, qua đó giảm thiểu nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng và tạo ra các khu đô thị bền vững, thân thiện với môi trường.
TOD được hiểu như một mô hình phát triển đô thị, trong đó lấy đầu mối giao thông công cộng, thường là các nhà ga đường sắt, để tích hợp các chức năng sử dụng khác như nhà ở, văn phòng, tài chính thương mại vào khu vực bên trong và xung quanh nhà ga. Trong đó, cốt lõi là thúc đẩy phát triển đô thị theo chiều đứng thành đô thị nén, thay vì theo chiều ngang dàn trải, gây lãng phí quỹ đất.
Ngoài phát huy tối đa lợi thế của quỹ đất đô thị xung quanh các nhà ga, là cơ hội để tái thiết đô thị theo hướng hiện đại – văn minh, TOD cũng đem lại hiệu quả tích cực cho các tuyến đường sắt đô thị khi thu hút nhiều người dân sử dụng phương tiện này.
Thực tế, TOD đã và đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia, tuy nhiên, đây vẫn còn là một mô hình mới mẻ tại nước ta. Do đó, để triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình này, thời gian tới, cần tạo hành lang pháp lý, cơ chế chính sách phù hợp. Trong đó, trước hết cần xác định rõ quan điểm ưu tiên gắn sử dụng đất với phát triển giao thông công cộng như hệ thống đường sắt đô thị.
Trước thực tế trên, từ 17-19/1, UBND thành phố Hà Nội và UBND thành phố Hồ Chí Minh đồng tổ chức hội thảo khoa học về phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.
Tham dự hội thảo sẽ có khoảng 200 đại biểu của các cơ quan Trung ương, địa phương, các chuyên gia về lĩnh vực pháp luật, đầu tư, đất đai, quy hoạch, đường sắt đô thị của Việt Nam và quốc tế và các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, phát phát triển đô thị…
Hội thảo diễn ra tại Hà Nội với mục tiêu nhằm trao đổi, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh theo yêu cầu tại Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.
Hội thảo cũng sẽ tổng hợp các kinh nghiệm quốc tế để nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện thể chế có liên quan về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), quy hoạch xây dựng, chỉnh trang đô thị, đất đai, đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác đường sắt đô thị.
Cùng với đó, các đại biểu, chuyên gia tham dự hội thảo sẽ trao đổi nhằm hoàn thiện đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2035 theo 5 lĩnh vực trọng yếu: Quy hoạch; thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; huy động nguồn lực từ đất đai; tiêu chuẩn, giải pháp công nghệ; mô hình tổ chức, quản lý thực hiện dự án.
Hội thảo “Hội thảo khoa học về Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh” diễn ra từ ngày 17 - 19/1/2024 tại Hà Nội gồm 4 phiên: (1) Tổng quan phát triển đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh theo mô hình TOD; (2) Giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để phát triển đường sắt đô thị và khu vực TOD; (3) Huy động nguồn lực từ đất đai; (4) Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật – công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị. |