Hiệu quả từ một chính sách
Đề xuất 9 nhóm chính sách trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính cho tăng trưởng xanh Cần có chính sách điều tiết, hạn chế đầu cơ đất đai |
Những chính sách kịp thời, đúng đắn và sự vào cuộc tích cực của người dân trong công tác trồng rừng đã góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng; từ đó cải thiện môi trường sinh thái, giảm thiểu biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào các dân tộc tại địa phương.
Chủ trương, chính sách giao đất giao rừng đã góp phần quan trọng phục hồi rừng và bảo vệ môi trường sinh thái |
Từ một chủ trương đúng
Giao đất, giao rừng là một trong những công cụ quản lý rừng hiệu quả, đảm bảo việc duy trì, khôi phục độ che phủ rừng và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học, năng lực phòng hộ thông qua thực thi quyền sở hữu, quyền sử dụng đất, rừng theo qui định của pháp luật; Đồng thời cải thiện nguồn vốn sinh kế, thu nhập của người dân sinh sống bằng nghề rừng.
Chính vì vậy, đây là giải pháp tích cực được nhiều quốc gia áp dụng để nâng cao chất lượng rừng.
Ở Việt Nam, giao đất, giao rừng được triển khai từ những năm 1980 theo chủ trương “làm cho mỗi khu đất, mỗi cánh rừng, mỗi quả đồi đều có người làm chủ” với kỳ vọng ngăn chặn nạn phá rừng, nâng cao độ che phủ, chất lượng rừng và xóa đói giảm nghèo; kết hợp với sự thay đổi chính sách sở hữu đất đai, chính sách hưởng dụng rừng đã góp phần tạo nguồn động lực yên tâm quản lý, sản xuất.
Năm 1992, nhằm hướng tới mục tiêu cơ bản phủ xanh đồi núi trọc, bảo vệ được rừng và môi trường sinh thái, sử dụng tiềm năng đất trống nhằm tăng thêm sản phẩm hàng hoá và nguyên liệu cho công nghiệp; Hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư, gắn kinh tế với xã hội, từng bước ổn định cải thiện và nâng cao đời sống đồng bào vùng kinh tế mới, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch 327-CT về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước.
Kế hoạch yêu cầu các tỉnh có đất trống, đồi núi trọc xây dựng các dự án, sử dụng hết đất đai của tỉnh mình; những tỉnh không còn đất trống, đồi trọc xây dựng dự án chuyển dân tham gia các dự án ở ngoài tỉnh.
Việc xây dựng các dự án phải phù hợp với khả năng đầu tư của Nhân dân và Nhà nước; Tăng thêm diện tích rừng cấm quốc gia, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn; Lấy hộ gia đình làm đơn vị sản xuất, lấy doanh nghiệp quốc doanh hoặc đơn vị kinh tế tập thể làm chỗ dựa; Kết hợp ngay từ đầu việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái.
Kế hoạch của Chính phủ cũng nêu rõ, tuỳ theo thứ tự ưu tiên, quỹ đất đai, khả năng lao động từng hộ, điều kiện dân cư sinh sống và khả năng đầu tư của Nhà nước... được giao hoặc khoán một số diện tích để trồng mới rừng hoặc để bảo vệ, khoanh nuôi và tái sinh rừng.
Ngoài diện tích đất rừng được giao hoặc khoán, tuỳ theo quỹ đất nông nghiệp và khả năng lao động mà giao thêm cho mỗi hộ một diện tích đất có khả năng nông nghiệp để trồng cây công nghiệp ngắn ngày hoặc dài ngày, cây lương thực...
Nhà nước khuyến khích mạnh mẽ các doanh nghiệp, Công ty cổ phần, Công ty và các hộ tư nhân, kể cả liên doanh giữa Công ty hoặc tư nhân với nước ngoài đầu tư vào việc trồng trọt, chăn nuôi ở vùng đất mới. Các đơn vị kinh tế này được xét cho sử dụng đất trống, đồi trọc, bãi bồi ven biển, mặt nước phù hợp với quỹ đất ở từng vùng và khả năng đầu tư của từng doanh nghiệp, dưới nhiều hình thức, như đồn điền, trang trại, v.v.. kể cả cho tư nhân liên doanh với nước ngoài.
Người dân tích cực trồng rừng, phát triển kinh tế |
Tạo sự chuyển biến trong nhận thức về bảo vệ rừng
Xuất phát từ chương trình của Chính phủ, đến nay, kết quả của công tác giao đất, giao rừng đã bước đầu đạt được mục tiêu: đảm bảo an ninh môi trường, cải thiện chất lượng tài nguyên rừng; phát triển lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo thị trường đất đai và tạo việc làm, qua đó cải thiện nguồn vốn sinh kế và thu nhập cho người dân, nhất là dân cư sống dựa vào rừng.
Kết quả của việc hiện chủ trương, chính sách giao đất giao rừng, khoán bảo vệ rừng, xã hội hoá nghề rừng đã góp phần quan trọng phục hồi rừng và nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Độ che phủ của thảm thực vật rừng tăng trung bình 0,64%/năm giai đoạn 1990 – 2000 và 0,45%/năm giai đoạn 2000 – 2010. Nhiều tổ chức, hộ gia đình cá nhân được giao đất trồng rừng sản xuất gắn với thị trường nguyên liệu đã đầu tư trồng rừng hiệu quả và có thu nhập ổn định từ nghề rừng.
Đặc biệt, giao rừng, giao đất gắn với cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đến hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng đã tác động đến tư duy kinh tế, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của nhiều hộ gia đình nông dân miền núi, tạo điều kiện nâng cao quyền tự chủ về kinh tế. Xuất hiện nhiều mô hình hộ gia đình, mô hình liên kết cộng đồng quản lý sử dụng rừng và đất rừng hiệu quả bằng việc kết hợp các biện pháp khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên với trồng bổ sung cây bản địa gắn với quy hoạch các vùng nông lâm kết hợp, trồng xen dưới tán rừng lấy ngắn nuôi dài.
Một kết quả nữa đáng lưu ý là cộng đồng đã làm rất tốt việc bảo vệ rừng, thể hiện qua số vụ vi phạm giảm hẳn, cháy rừng cũng giảm hẳn. Từ việc được giao đất giao rừng có đem lại nguồn thu nhập nên người dân, cộng đồng sống gần rừng đã rất quan tâm đến công tác quản lý bảo vệ rừng; thường xuyên thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi xâm hại đến tài nguyên rừng trên diện tích được giao. Bên cạnh đó, một số hộ gia đình đã thực hiện nhiều hoạt động tích cực như tự khoanh nuôi phục hồi rừng, trồng bổ sung cây lâm nghiệp... trên diện tích được giao.
Một nghiên cứu của GS.TS. Đặng Kim Vui, Đại học Thái Nguyên cũng chỉ ra rằng, phong trào trồng cây gây rừng từ đồng bằng đã dịch chuyển lên vùng trung du, miền núi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong Nhân dân về lợi ích của rừng, thấy được hiệu quả trồng rừng và rừng trồng nên mong muốn được giao đất để trồng rừng nguyên liệu.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2022 tác động của biến đổi khí hậu tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Với vai trò là “bức tường xanh” ứng phó với biến đổi khí hậu và góp phần tăng trưởng xanh, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế rừng là nhiệm vụ hàng đầu của không chỉ ngành lâm nghiệp mà của các địa phương và doanh nghiệp, cá nhân, cộng đồng xã hội.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay là các địa phương cần hạn chế đến mức thấp nhất chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích ngoài lâm nghiệp; Hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, bảo đảm tất cả diện tích rừng và đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp phải được giao, cho thuê đến những chủ rừng thật sự; Bảo đảm đủ các điều kiện để tổ chức quản lý bảo vệ rừng và phát triển bền vững tài nguyên rừng...