Hiệu quả từ mô hình "An toàn tới trường, đường tới tương lai"
Mô hình “An toàn tới trường, đường tới tương lai” được các phụ huynh hưởng ứng tại Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt
Bài liên quan
Hà Nội: Triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông dịp Tết 2020
Các trường học nỗ lực tuyên truyền đảm bảo an toàn giao thông
Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn: Sân chơi bổ ích cho học sinh và giáo viên tiểu học
Giờ đây, câu chuyện đó không còn là “bài toán khó” tại quận Đống Đa khi mô hình “An toàn tới trường, đường tới tương lai” của quận được triển khai ở cả ba cấp học.
Không còn nhốn nháo, ùn tắc
Dù đang giờ tan trường, song trước cổng Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (phường Văn Miếu) vỉa hè rất thông thoáng, không có tình trạng tắc nghẽn. Những vạch kẻ nơi đỗ xe đón học sinh được nhà trường thiết lập và được phụ huynh ủng hộ bằng cách đỗ, đậu xe đúng nơi quy định. Hàng chục phụ huynh đến đón con không ai bảo ai, đều tự giác đỗ xe sát mép đường, xếp hàng ngay ngắn và không hề có hiện tượng chen lấn, giành chỗ của nhau.
Ngồi chờ đón con học lớp 1A, Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, chị Lê Minh Thu (ngõ Văn Chương, Đống Đa) nhớ lại: "Trước đây, mỗi giờ tan tầm, phụ huynh thường dừng đỗ xe ngay dưới lòng đường. Không ít phụ huynh đón con xong thì ngang nhiên đi ngược chiều, gây ra cảnh nhốn nháo, ùn tắc. Từ ngày nhà trường triển khai mô hình này chúng tôi đã được hướng dẫn đỗ xe đúng nơi quy định nên việc đón con được nhanh, thuận lợi hơn”, chị Thu cho hay.
Theo chị Thu, những hình ảnh đẹp giao thông trước cổng trường là bài học trực quan nhất để các em học sinh nhìn vào và noi theo, vì vậy, mô hình này cần nhân rộng để tạo thói quen, ý thức chấp hành giao thông không chỉ phụ huynh mà với cả học sinh.
Đến đón cháu, ông Phạm Vũ Đức (phường Văn Miếu) cho biết, gần 1 tháng nay, ông đều tự giác xếp hàng như bao người. Nếu hôm nào đến muộn, các xe đông quá thì những người đến sau sẽ nép vào sát lề đường chứ không đi lộn xộn ra giữa đường hay đứng dàn hàng trước cổng trường gây cản trở giao thông như trước kia. "Bản thân phụ huynh chúng tôi cũng thấy rất yên tâm, không còn bất an khi đưa đón con cháu đi học. Tôi cũng rất phấn khởi khi thấy việc này đã góp phần thay đổi nhận thức của nhiều người khi tham gia giao thông, chấn chỉnh bằng những hành động đúng và đẹp hơn", ông Đức nói.
Cô Đặng Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt cho biết, vị trí của trường có hai tuyến đường Nguyễn Khuyến và Nguyễn Thái Học chạy qua đều không có vỉa hè hoặc rất bé gây khó khăn trong công tác đưa đón học sinh. Vì vậy, sau khi nghiên cứu, cán bộ, nhân viên nhà trường thực hiện kẻ vẽ vạch đỗ xe tạo thuận lợi cho phụ huynh đón con.
Bên cạnh việc hướng dẫn phụ huynh thực hiện mô hình, cán bộ, giáo viên nhà trường cũng tích cực tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh về quy định khi tham gia giao thông. Đồng thời, trường đã bố trí giãn giờ tan học của các khối lệch nhau từ 5 - 7 phút và phân công giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn dạy tiết học cuối hướng dẫn học sinh xếp hàng khi tan học tạo thuận lợi cho phụ huynh đến đón.
Sau gần một tuần triển khai mô hình, ghi nhận cho thấy đã làm thay đổi đáng kể về ý thức tham gia giao thông của phụ huynh, học sinh.
Cô Đặng Thị Mai cho biết thêm, năm học 2019 - 2020, nhà trường cùng các ngành chức năng quận đã tập trung chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn cho học sinh khi tham gia giao thông bằng việc xây dựng các mô hình và biện pháp tuyên truyền; Đồng thời, trang bị cho các em kỹ năng, cách xử lý tình huống để phòng tránh rủi ro khi tham gia giao thông với thông điệp “An toàn tới trường, đường tới tương lai”.
Cùng với Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, trường THCS Đống Đa (phường Kim Liên) cũng tích cực cải thiện những bất cập về giao thông tại cổng trường. Cô Đinh Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, là trường có số học sinh thuộc loại đông nhất trên địa bàn quận với gần 3.000 học sinh, vấn đề an toàn giao thông trường học từng đặt ra nhiều thách thức.
Hiện nay, ngoài việc thường xuyên tuyên truyền về luật giao thông cho học sinh, nhà trường đang triển khai mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”. Sau hơn một tháng triển khai, việc sắp xếp hợp lý khu vực dành cho phụ huynh đỗ xe để đón học sinh, đã góp phần tích cực trong việc đảm bảo an toàn giao thông khu vực cổng trường mỗi giờ tan học.
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa Tạ Ngọc Thắng cho biết, hiện mô hình này đang được quận triển khai 100% tại ba khối trường (mầm non, tiểu học và THCS) trên toàn quận. Để góp phần kiềm chế tai nạn, va chạm giao thông ở trẻ em theo chủ đề năm an toàn giao thông 2019 đã đề ra, thời gian tới, quận sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động phụ huynh cùng tham gia để duy trì nề nếp các mô hình.
Nhân rộng những phương án khả quan
Có thể nói, hiệu quả của mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” tại quận Đống Đa được thấy rõ khi nguy cơ ùn tắc và các vụ tai nạn giao thông được hạn chế. Những cổng trường an toàn giao thông đang lan tỏa được tính hiệu quả, tích cực và cần được nhân rộng.
Trước đó, nhiều mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” đã được triển khai tại Hà Nội. Tiêu biểu như Trường THPT Việt Đức tổ chức các đội thanh niên tình nguyện hướng dẫn giao thông khu vực cổng trường trong giờ cao điểm, tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm an toàn giao thông. Tại Trường Vinshool ở phố Minh Khai Hà Nội, vào các giờ cao điểm đều có lực lượng bảo vệ tòa nhà phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, giữ gìn an ninh trật tự nên không xảy ra cảnh ùn tắc.
Rõ ràng, để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trước cổng trường học rất cần có sự nỗ lực từ nhiều phía. Bên cạnh việc tuyên truyền, nhắc nhở nhằm nâng cao ý thức của phụ huynh và học sinh, các nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tìm phương án bố trí địa điểm chờ cho phụ huynh, phân luồng giao thông, sắp xếp giờ học sao cho phù hợp với đặc điểm địa bàn, bảo đảm tốt nhất tình hình giao thông.
Thành phố cũng nên có chế tài xử lý đối với những phụ huynh học sinh cố tình vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông; quy trách nhiệm đối với các trường học, địa phương chưa làm tròn nhiệm vụ trong việc đề ra các phương án và bố trí lực lượng tham gia bảo đảm an toàn giao thông khu vực cổng trường.
Về lâu dài, đối với việc phát triển mạng lưới trường học, thành phố không chỉ chú ý đến số lượng trường, lớp, mà còn phải bảo đảm về chất lượng cơ sở hạ tầng, trong đó yếu tố hàng đầu là không gian trong trường để vừa phục vụ cho các sinh hoạt học tập, vui chơi, vừa tạo điều kiện cho phụ huynh có địa điểm chờ đón con.