Hành trình chống dịch vạn dặm thương nhớ
Điểm chung là tinh thần chống dịch
Nhóm tình nguyện Lan tỏa yêu thương |
Nhóm tình nguyện ra đời trong những ngày miền Nam đang oằn mình chống dịch. "Lúc đó mình chỉ mong có thể đi chống dịch ngay lập tức”, chị Phạm Thị Thúy (trưởng nhóm) bồi hồi nhớ lại. Từ những con người xa lạ, người ở Hà Nội, người tận Đà Nẵng, Phú Yên, người chỉ vừa mới mười tám, đôi mươi cho đến những anh chị đã đi làm. Tất cả đã tạo nên “cuộc hội ngộ” của những tấm lòng Việt Nam.
Điểm chung duy nhất của nhóm chính là tinh thần sẵn sàng chống dịch đã được “tôi luyện” qua những ngày tháng chống dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội,.. “Một nửa thành viên của nhóm đều có kiến thức y dược, còn lại là sinh viên, người đi làm và thậm chí là những em vừa tốt nghiệp cấp 3. Ngày 25/8, Đoàn chính thức bắt đầu hành trình chống dịch tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai" - Chị Phạm Thị Thúy nói.
Công việc lấy mẫu đòi hỏi sự khẩn trương và chính xác cao |
Thời tiết những ngày cuối tháng 8 khắc nghiệt vô cùng. Những chiếc áo luôn ướt sũng nước còn đôi mắt thì luôn cay xè vì mồ hôi chảy vào. Vào thời điểm đó, tình hình dịch bệnh tại Đồng Nai đang vô cùng căng thẳng và phức tạp, việc sàng lọc và xét nghiệm đòi hỏi sự khẩn trương và chính xác.
“Trung bình mỗi ngày chúng mình lấy 2000 mẫu để truy vết, tầm soát F0. Có những ngày chúng mình cố làm xuyên trưa để kịp khoanh vùng”, bạn Phạm Thu Thảo, thành viên của nhóm nhớ lại. Không chỉ có vậy, việc không hiểu ngôn ngữ giữa 2 miền Bắc -Nam khiến đoàn tình nguyện gặp không ít khó khăn, nhất là đối với những người dân tộc. Họ nói nhóm không hiểu, nhóm nói họ cũng không hiểu.
Những bữa cơm vội lúc đêm muộn của nhóm tình nguyện Lan tỏa yêu thương |
Vượt trên mọi khó khăn, đoàn tình nguyện đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, dần dần kiểm soát dịch ở 2 khu vực Phú Đông và Hiệp Phước của huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Gần 1 tháng với biết bao kỉ niệm, cảm xúc sẽ là những tháng ngày thanh xuân rực cháy không thể nào quên!
Những “chiến sĩ” F0
Nụ cười lạc quan của những chàng trai, cô gái vừa đôi mươi |
Tính tới thời điểm hiện nay, nhóm tình nguyện viên đã có 8 người đang là F0, bị lây nhiễm trong quá trình làm việc. “Mình xác định sẽ có khả năng cao bị nhiễm khi đi chống dịch, có lo lắng nhưng rồi lại phấn chấn trở lại”, bạn Nguyễn Thị Kim Chi nhớ lại.
Khi tình hình sức khỏe được ổn định, Kim Chi đã đăng ký tham gia hỗ trợ những người bệnh F0 “mình là sinh viên y dược nên cũng có chút kiến thức, vì vậy mình đã xin đi phát đồ ăn, phát thuốc và kiểm tra sức khỏe cho mọi người. Dẫu đang bị bệnh nhưng với tinh thần và sức trẻ, mình không thể ngồi yên khi mọi người đang cần đến mình" - Chi nói.
Còn đối với Lê Hữu Hoàng, trong những ngày tháng điều trị bệnh, câu bạn luôn luôn tâm niệm một điều rằng “Phải mong chóng khỏi bệnh để còn tham gia chống dịch cùng mọi người”. Chính khao khát được cống hiến đã giúp cho Hoàng có thêm sức mạnh chiến thắng Covid và chỉ cần một lần xét nghiệm PCR âm tính là Hoàng đã có thể tiếp tục quay trở lại chống dịch.
“Con nhớ mẹ rất nhiều”...
Đằng sau sự lạc quan là nỗi nhớ nhà của những chàng trai, cô gái |
Đêm đến, sau khi kết thúc ngày dài làm việc, mỗi thành viên trong đoàn lại lặng mình đi vì nỗi nhớ, nỗi lo cho người thân, gia đình. Chị Thúy nói “Có những đêm nằm nhớ nhà mà nước mắt cứ trực trào ra. Tết trung thu đoàn viên sắp tới khiến mình nhớ nhà, nhớ mẹ nhiều lắm.”
Đợt đi chống dịch lần này, Kim Chi không nói cho mẹ vì sợ mẹ lo lắng, nhất là khi cô bạn vô tình bị nhiễm bệnh trong quá trình làm nhiệm vụ. “Đôi lúc mình muốn gọi để kể cho mẹ, nhưng sợ mẹ lo lắng nên lại thôi”. Đối với Hữu Hoàng, cậu bạn vừa nhận được giấy trúng tuyển Học viện Tòa án, nhận được tin báo trong khu cách ly quả thật là một điều Hoàng chưa bao giờ nghĩ tới.
Quyết tâm “chống hết dịch” mới về |
Theo kế hoạch, đoàn tình nguyện sẽ kết thúc hành trình vào ngày 25/9 sắp tới, thế nhưng tất cả lại xin ở lại vì muốn “chống hết dịch”. “Tình hình dịch đã ổn hơn nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, mình muốn ở lại để giúp đỡ bà con chống dịch”, bạn Thu Thảo chia sẻ.
Gần 1 tháng gắn bó, tình cảm giữa những người dân dễ mến cùng đoàn tình nguyện đã được hình thành từ lúc nào không hay. Những ngày đầu mới đến, thấy đoàn làm việc vất vả quá, bà con “có gì cho nấy”, mang từng quả cam, trái mít và thậm chí là mớ rau để gửi cho đoàn bồi dưỡng thêm. Chứng kiến sự nồng hậu và tình cảm chân chất đó, nhóm càng quyết tâm sẽ ở lại để đi cùng bà con, đến khi hết dịch mới thôi
Dẫu khó khăn những vẫn sẵn sàng cống hiến |
Còn trẻ là còn cống hiến, nếu ai cũng sợ thì lấy ai ra tuyến đầu. Hành trình chống dịch vạn dặm thương nhớ không chỉ của riêng đoàn tình nguyện mà còn trong lòng những người dân địa phương, nơi các bạn trẻ đã từng đến, đi qua...