Hàng trăm dự án chậm tiến độ, thu hồi chẳng bao nhiêu
Nhiều dự án nhà ở tại Mê Linh vẫn bỏ hoang sau tròn 1 thập kỷ triển khai
Hàng trăm dự án bỏ hoang
Mê Linh (Hà Nội) khoảng 10 năm trước là thời điểm hàng loạt các chủ đầu tư triển khai rất nhiều dự án nhà ở. Trong đó, 18 dự án được ký trong một tháng trước ngày quyết định mở rộng Hà Nội có hiệu lực (tháng 8/2008). Những dự án giao dịch sôi động nhất thời điểm đó như Khu đô thị Minh Giang - Đầm Và, Cienco 5, VIT Tiền Phong, Hà Phong, Chi Đông... đều bán dưới dạng hợp đồng góp vốn.
Đa số chủ đầu tư đã thu của nhà đầu tư 50 đến 80%, thậm chí có nơi 100% giá trị các lô đất nền liền kề, biệt thự. Các nhà đầu tư thường phải mua các suất nhà ở với giá chênh từ vài trăm đến cả tỷ đồng so với hợp đồng với kỳ vọng sẽ nhanh chóng kiếm được 1 khoản tiền lớn từ việc đất tăng giá.
Tuy nhiên, không những kỳ vọng của các nhà đầu tư nhanh chóng tan biến. Hàng nghìn người đã mắc kẹt tại các dự án nhà ở tại Mê Linh do bất động sản xuống thấp và các chủ đầu tư không thực hiện dự án hoặc thực hiện cầm chừng. Hàng nghìn ha đất đai tại Mê Linh bị bỏ hoang suốt một thập kỷ.
Không chỉ riêng Mê Linh, theo kết quả giám sát của HĐND TP Hà Nội mới công bố, trong số 383 dự án bất động sản đang “đắp chiếu”, xảy ra nhiều nhất ở huyện Hoài Đức với 51 dự án, huyện Mê Linh 50 dự án, huyện Nam Từ Liêm 48 dự án, huyện Hoàng Mai 25 dự án, huyện Bắc Từ Liêm 23 dự án...
Thu hồi hàng chục dự án
Thậm chí, tại các địa phương này, có những dự án chủ đầu tư được chính quyền giao đất xong không phối hợp với chính quyền để triển khai các thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định. Nhiều dự án hơn 10 năm qua chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện giải phóng mặt bằng, người dân còn đang khiếu kiện, khiếu nại, chưa nhận tiền đền bù. Hệ lụy là người dân mất đất sản xuất, hàng trăm hecta đất bị bỏ hoang.
Nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ được đưa ra rất nhiều như chủ đầu tư không đủ năng lực; thủ tục phê duyệt dự án, quy hoạch, giấy phép xây dựng kéo dài; thị trường thay đổi, nếu theo phương án đầu tư trước khi giao đất thì thua lỗ; vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng…
Theo quy định tại Luật Đất đai, nếu dự án quá 1 năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt sẽ bị thu hồi. Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra và xử lý tình trạng các khu đô thị bị bỏ hoang gây lãng phí nghiêm trọng. UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-UBND rà soát các dự án có sử dụng đất trên toàn địa bàn thành phố từ năm 2008 đến nay bao gồm cả các dự án chưa triển khai, đang triển khai từ trước năm 2008.
Tuy nhiên, trên thực tế số dự án thu hồi rất ít. Đến này, UBND TP Hà Nội mới chấm dứt hoạt động 30 dự án, đang thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của 5 dự án trong tổng danh mục 383 dự án có sử dụng đất chậm tiến độ. Như vậy, còn tới hơn 300 dự án “treo” khiến bộ mặt thành phố trở nên nhếch nhác, người dân sống trong vùng chịu ảnh hưởng quy hoạch dự án gặp nhiều khó khăn, lãng phí tài nguyên đất, mất đi cơ hội canh tác cũng như cơ hội đầu tư của các dự án khác.
Mới đây, tại Công văn số 3106/UBND-KHĐT về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019 do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký, một trong các nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra là xử lý các dự án chậm triển khai.
Cụ thể, UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục chỉ đạo rà soát, xử lý các dự án có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn theo các kế hoạch của UBND thành phố đã ban hành; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm; Đồng thời, chủ trì đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thực hiện quyết liệt các giải pháp, nhất là các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản.