Hải Phòng: Hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp bị hoang hóa
Hàng trăm ha đất lúa ruộng mật bờ xôi của An Dương bị bỏ hoang từ nghiều năm nay |
Theo Phòng NN&PTNT huyện An Dương, Hải Phòng, tổng diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn là 3.800ha. Trong đó, diện tích cấy lúa vụ Đông Xuân thường xuyên khoảng 1.800 - 1.900ha, vụ mùa khoảng 1.700ha; Trồng hoa cây cảnh khoảng 500ha; 750ha rau màu chuyên canh và gần 300ha nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, thống kê trong vụ mùa năm 2020, trên địa bàn huyện có tới 740,8ha đất ruộng bị bỏ không canh tác, trong đó có 716,99ha bị bỏ nhiều năm. Theo đó, xã Đại Bản là địa phương có diện tích bỏ ruộng nhiều năm cao nhất với 134,27ha, tiếp đến là xã Hồng Thái 127,19ha, xã Quốc Tuấn có 61,64ha và ít nhất là xã An Hồng với 3ha.
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Vũ Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thái và ông Nguyễn Văn Thùy, Chủ tịch UBND xã Đồng Thái đều cho biết: Việc người dân bỏ ruộng trên địa bàn do 4 nguyên nhân chính: Trồng lúa đạt năng suất thấp, chuột bọ ngày càng gia tăng, thiếu nguồn lao động và nhiều diện tích ruộng sâu trũng gây khó khăn cho việc sản xuất. Trước thực trạng trên, cả hai địa phương đã tuyên truyền vận động người dân tham gia trồng lúa, đồng thời, khuyến khích kết hợp với chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng thêm thu nhập.
Nhiều diện tích ruộng bỏ hoang trở thành đầm lầy |
Ông Bùi Xuân Khải, Trưởng phòng NN&PTNT huyện An Dương cho rằng: “Ngoài những nguyên nhân như đã nêu trên, còn có nguyên nhân khác là tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh, dẫn đến việc phá vỡ hệ thống hạ tầng sản xuất nông nghiệp, phá vỡ quy hoạch vùng sản xuất, chia cắt diện tích, đất xen kẽ, nhỏ lẻ…”.
Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, hàng năm, ngoài ngân sách thành phố hỗ trợ thì huyện An Dương cũng trích ngân sách khoảng 400 - 500 triệu để phục vụ công tác diệt chuột. Năm 2020, thành phố hỗ trợ 100% xi măng, huyện hỗ trợ 100% cát, đá với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng để triển khai làm tuyến đường giao thông nội đồng dài khoảng 14km. Dự kiến, trong 3 tháng cuối năm 2020, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ tiếp tục đề xuất làm thêm 18km đường nội đồng.
Từ đầu năm 2020 đến nay, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy Lợi An Hải đã đầu tư gần 20 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa các hệ thống thủy lợi nội đồng. Đồng thời, công ty này còn phối hợp với ngành nông nghiệp tiến hành đi kiểm tra, rà soát các hệ thống để có biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo cho việc tưới tiêu…
Đường giao thông nội đồng được quan tâm đầu tư nhưng dường như không phát huy hiệu quả khi ruộng đã bị bỏ hoang |
Có thể thấy việc đầu tư cho nông nghiệp ở huyện An Dương rất lớn nhưng đang “vênh” với hiệu quả từ sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần nghiêm túc xem xét lại việc đầu tư nói trên để tránh việc đầu tư láng phí.
Trước đó, Ban Thường vụ huyện ủy An Dương đã giao Phòng NN&PTNT, UBND các xã, thị trấn tăng cường đẩy mạnh đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đô thị sinh thái bền vững gắn với việc khắc phục bỏ ruộng và thực hiện theo Kế hoạch số 33 của UBND thành phố về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa linh hoạt.
Cùng với đó, phấn đấu từ nay đến năm 2025, trên địa bàn huyện sẽ chuyển đổi 883ha đất kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thủy sản. Hơn nữa, huyện cũng phấn đấu đưa chương trình xây dựng giống cây trồng vào xây dựng vùng quy hoạch sản xuất tập trung để tạo nguyên liệu rau củ quả cung cấp thực phẩm cho thành phố và thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Hiện, UBND huyện An Dương đang thực hiện công tác dồn điền đổi thửa.
Tuy nhiên, do tình hình phát triển đô thị của huyện An Dương diễn ra rất nhanh nên tư tưởng của người nông dân mặc dù bỏ hoang nhưng không muốn trả ruộng cho Nhà nước. Họ còn muốn đợi xem thửa ruộng của mình có dự án nào vào thu hồi không để hưởng các khoản bồi thường, hỗ trợ. Việc này đã gây khó khăn rất lớn cho việc chính quyền các cấp triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn hoặc cho doanh nghiệp thuê diện tích đất rộng để làm các mô hình nông nghiệp nhà kính, sản phẩm chất lượng cao.
Theo Luật Đất đai 2013, đối với đất lúa bỏ hoang trên 12 tháng, đất cây trồng là 18 tháng thì sẽ đề xuất thu hồi. Vì vậy, đề nghị UBND huyện An Dương cần nghiên cứu, triển khai việc thu hồi đất ruộng bỏ hoang đưa vào sản xuất, tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất đai tại địa phương./.