Hà Nội xây dựng thành phố thông minh, hiện đại trong cải cách hành chính
Nhiều chuyển biến tích cực trong cải cách hành chính
Cải cách hành chính được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội trong thời gian qua. Công cuộc cải cách hành chính luôn được người dân quan tâm, mong mỏi.
Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho biết: Đến nay, công tác cải cách hành chính của Hà Nội trong 7 tháng năm 2022 đã được cải thiện và nâng cao, chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố năm 2021 được duy trì và có sự chuyển biến: Chỉ số PAR-INDEX của Hà Nội nằm trong 10 địa phương dẫn đầu cả nước (xếp thứ 10/63); Chỉ số SIPAS tăng 3 bậc so với năm 2020, vượt chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu đề ra năm 2021 là 86%); Chỉ số PAPI tăng 39 bậc so với năm 2020, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố.
Về cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, thành phố Hà Nội đã sắp xếp giảm 280 đơn vị sự nghiệp so với năm 2015, giảm 10,1%; Sắp xếp các Ban Quản lý dự án chuyên ngành (từ 6 xuống còn 4 đơn vị), sắp xếp các trường cao đẳng, trung cấp và sắp xếp các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (giảm 1 chi cục, 1 đơn vị sự nghiệp).
Cán bộ viên chức hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận “một cửa” UBND huyện Mỹ Đức |
Hà Nội cũng đã hoàn thành các chỉ tiêu tinh giản 10% biên chế công chức, viên chức so với 2015 (giảm 1.473 biên chế công chức, 15.204 biên chế viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước).
UBND thành phố đã thành lập Tổ Công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số PAR-INDEX và Chỉ số SIPAS để theo dõi, đánh giá những nhiệm vụ trọng tâm, tháo gỡ vướng mắc và đề xuất các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đến nay, thành phố đã đơn giản hóa 26 thủ tục hành chính; Công bố công khai 3 thủ tục hành chính, danh mục 500 thủ tục hành chính, thay thế 33 thủ tục hành chính, bãi bỏ 476 thủ tục hành chính. TP ban hành 10 Quyết định phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính để các cơ quan, đơn vị phối hợp liên thông, giải quyết thủ tục hành chính thông suốt, hiệu quả, rút ngắn thời gian, giảm thời gian đi lại của người dân, tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính.
Toàn thành phố Hà Nội đã có 156/175 phường (đạt 89,14%) thực hiện ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch đủ điều kiện tiêu chuẩn. Việc ủy quyền giúp giảm đầu mối, lược bỏ các bước xử lý nội bộ, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, được người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Đến nay, 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Hệ thống thông tin Một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến của thành phố đã thực hiện đồng bộ với Cổng dịch vụ công Quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin theo quy định.
TP tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính được giám sát, kiểm soát chặt chẽ nên đã hạn chế tối đa việc nhũng nhiễu, chậm trễ trong việc giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo các quy định trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Kết quả giải quyết hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn trên toàn thành phố là hơn 1 triệu hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,78%.
Tạo thuận lợi để thành phố đổi mới theo hướng hiện đại hóa, đồng bộ hóa
Tại hội nghị "Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính thành phố Hà Nội năm 2022" được tổ chức mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết: Cải cách hành chính được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội trong thời gian qua. Công cuộc cải cách hành chính luôn được người dân quan tâm, mong mỏi.
Vì vậy, bản chất cải cách hành chính là thái độ của cán bộ, công chức chính quyền với người dân và doanh nghiệp, trên cơ sở thiết kế quy trình giải quyết công việc phù hợp. Tuy nhiên, dù có thiết kế bộ máy phù hợp thế nào, quan trọng vẫn là người ngồi vận hành bộ máy đó và mối quan hệ trong hệ thống.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị, mỗi đơn vị, địa phương sẽ có kế hoạch riêng để khắc phục những điểm hạn chế đã được chỉ ra, nâng cao công tác cải cách hành chính. Lãnh đạo các đơn vị chuyển tải thông điệp tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để tạo nên sự khác biệt tốt về thái độ đối với người dân và doanh nghiệp trên tinh thần tôn trọng, phục vụ.
Hiện thành phố Hà Nội đang tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính |
Hà Nội là địa phương tiên phong về thực hiện phân cấp trong quản lý và có hệ thống văn bản quy phạm về phân cấp tương đối bao quát trong các ngành, lĩnh vực. Về giải pháp phát huy hiệu quả của cải cách hành chính trong năm 2022, hiện thành phố đang rà soát, bóc tách từng nhiệm vụ để tiếp tục phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện, cấp xã theo tinh thần giảm đầu mối. Cấp nào sát thực tế và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của người dân thì giao cho cấp đó thực hiện.
Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đang tham mưu triển khai Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn. Trong đó, tập trung vào công tác ủy quyền, nhất là đối với những nhiệm vụ, thủ tục hành chính do các Sở, ngành đang thực hiện, trên tinh thần phân cấp, ủy quyền triệt để, phù hợp với việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi.
Chỉ đạo trong quá trình xây dựng Đề án, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh về nguyên tắc phân cấp, ủy quyền cần phải làm từng bước, có thể thí điểm đối với một số lĩnh vực, một số địa bàn phù hợp, vừa bảo đảm tính ổn định, vừa tính đến yếu tố đổi mới, rõ trách nhiệm gắn với công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ.
Việc xây dựng quy định phân cấp, ủy quyền theo tinh thần phân cấp, ủy quyền triệt để theo quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn và cần phải được thực hiện quyết liệt theo phương châm "từ trên xuống" trên cơ sở đề xuất "từ dưới lên".
Bên cạnh xây dựng Đề án về phân cấp, ủy quyền, Hà Nội đang đẩy mạnh việc phân cấp đối với các cơ quan, đơn vị đủ điều kiện để thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương: Phân cấp, ủy quyền một số nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế xã hội; Đất đai, xây dựng, công trình thủy lợi.
Việc này nhằm bảo đảm tính nhanh chóng, kịp thời trong khâu tổ chức thực hiện nhiệm vụ, tạo thuận lợi để thành phố đổi mới theo hướng hiện đại hóa, đồng bộ hóa và tập trung quản lý khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị.