Hà Nội triển khai các giải pháp đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa
Từ đầu năm 2020 đến nay, chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp sản xuất đứt gãy chuỗi tiêu thụ, doanh nghiệp du lịch “chết lâm sàng”, nhận thấy nếu không có giải pháp kịp thời trong thời Covid-19, năm 2021 - 2022, hàng loạt doanh nghiệp sẽ tiếp tục phá sản, thành phố Hà Nội đã triển khai rất nhiều những chương trình ngắn hạn cũng như tính đến những giải pháp dài hạn để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa đối với doanh nghiệp nhằm thúc đẩy và kích cầu tiêu dùng nội địa, coi đây là điểm tựa vững chắc và an toàn để phát triển bền vững kinh tế Thủ đô.
Thị trường nội địa - “điểm tựa vững chắc” của nền kinh tế
Khác với mọi năm chương trình khuyến mại tập trung chỉ tổ chức vào tháng 11, năm nay thành phố Hà Nội quyết định tổ chức trong ba tháng 6, 7 và 11 trên toàn địa bàn thành phố với mức khuyến mại lên tới 100%. Đặc biệt, sau lễ phát động chương trình “Hà Nội đêm không ngủ”, quảng trường Khu đô thị Times City và một số siêu thị, trung tâm mua sắm thời trang, phố đi bộ, các địa điểm của doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn thành phố Hà Nội đã trở nên sôi động hơn thường lệ.
Hàng loạt các doanh nghiệp như: Tập đoàn Central Retail, hệ thống siêu thị Mediamart, Sài Gòn Co.opmart, Tổng Công ty Dịch vụ viễn thông (VinaPhone)… đã triển khai các gian hàng khuyến mại, gameshow quà tặng, bốc thăm trúng thưởng. Với slogan “Đại tiệc mua sắm, càng khuya càng giảm”, các trung tâm thương mại hoạt động đến tận giữa đêm 28/11 mới ngừng đón khách.
Theo ghi nhận của đoàn công tác Sở Công thương, lượng khách đến tham quan, mua sắm tại các cửa hàng, siêu thị rất lớn. Đặc biệt tại siêu thị Big C Thăng Long, lượng khách rất đông do tại đây triển khai chương trình giảm giá đặc biệt theo hướng càng về khuya càng giảm sâu với hàng nghìn mặt hàng thực phẩm, mỹ phẩm, đồ gia dụng…
Mặt hàng tươi sống tại Big C Thăng Long thu hút khách trong chương trình “Hà Nội đêm không ngủ” |
Cùng với những chương trình khuyến mại, các doanh nghiệp, trung tâm thương mại còn nỗ lực tổ chức tốt hoạt động bán hàng, bảo đảm văn minh thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tất cả cùng hướng tới mục tiêu đưa thị trường nội địa thành đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế.
Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, nhờ hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2020 trên địa bàn thành phố đạt 52.500 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng 9 và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 10 tháng của năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố đạt 474.600 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 312.200 tỷ đồng, chiếm 65,8% tổng mức và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Thực hiện chủ trương kích cầu thị trường nội địa, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, từ nay đến hết năm 2020, ngành Công thương Hà Nội tiếp tục tổ chức các sự kiện như: Tuần lễ cam sành và sản phẩm OCOP Hà Giang dự kiến diễn ra vào tháng 12 này… Đáng chú ý, Sở Công thương đã bố trí 28 điểm (gấp đôi số điểm mà thành phố yêu cầu) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng vùng miền về tiêu thụ tại Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Với hơn 10 triệu người dân đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn, Hà Nội đã, đang và sẽ là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn với mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước, có khả năng tập trung, phát luồng hàng tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu. Đặc biệt, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hà Nội xác định, thị trường nội địa là cứu cánh cho nền kinh tế nên đã đẩy mạnh nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa.
“Outlet" - giải pháp thúc đẩy tiêu dùng, kích thích sản xuất
Thúc đẩy thương mại là ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội từ đầu năm 2020 đến nay nhằm thực hiện cam kết với Trung ương đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn cao ít nhất gấp 1,3 lần tăng trưởng GDP cả nước và hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2020 là 285.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại cuộc làm việc với Huyện ủy Đông Anh vừa qua, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã quan tâm phát triển các khu Outlet quy mô lớn nhằm thúc đẩy thương mại, du lịch, coi đây như là một giải pháp thúc đẩy tiêu dùng, kích thích sản xuất.
“Khi về nhận nhiệm vụ tại thành phố Hà Nội, tôi ngạc nhiên là thành phố vẫn chưa có một khu Outlet nào, trong khi đây là một mô hình kinh doanh thương mại, du lịch rất phát triển trên thế giới. Hiện nay, một số nhà đầu tư đã đề xuất đầu tư mô hình này, tôi đề nghị các đồng chí quan tâm, thúc đẩy đầu tư xây dựng các khu Outlet quy mô lớn. Trong bối cảnh kinh tế thương mại chịu tác động tiêu cực do dịch bệnh Covid-19, đây là giải pháp thúc đẩy tiêu dùng, kích thích sản xuất rất tốt”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nói.
Một cửa hàng Outlet của thương hiệu Adidas |
Được biết, trong khuôn khổ Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” tháng 6/2020, UBND thành phố Hà Nội và Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã ký kết biên bản ghi nhớ cam kết đầu tư 2 dự án quy mô lớn; Trong đó có dự án đầu tư khu Outlet chất lượng cao, hiện đại, xứng tầm khu vực cũng như trên thế giới với quy mô khoảng 100ha, tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng tại huyện Đông Anh. Tuy nhiên, đến nay, dự án này vẫn chưa được khởi động.
Trên thực tế, tiềm năng kinh tế của những tổ hợp trung tâm thương mại hay những outlet được lãnh đạo thành phố Hà Nội quan tâm và các doanh nghiệp, tập đoàn lớn chú ý đến. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, thúc đẩy thị trường nội địa đang là bài toán sống còn đối với sự phát triển kinh tế thủ đô nói chung và doanh nghiệp nói riêng.
Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Hòa Bình Group cho biết, trong dự án tổ hợp trung tâm thương mại, Outlet, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội tại huyện Đông Anh (Hà Nội) có quy mô diện tích 80ha được gửi tới lãnh đạo TP Hà Nội. Ông sẽ dành tới 30ha để xây dựng Trung tâm thương mại, Outlet V+.
Trung tâm thương mại, Outlet V+ khi hoàn thành sẽ có hơn 300.000m2 sàn thương mại đáp ứng hơn 10.000 gian hàng; Hơn 100.000m2 diện tích hậu cần kho bãi; 2,5ha dành riêng cho khu làng nghề có thể phục vụ khoảng 500.000 khách/ngày. Khi đi vào hoạt động, dự kiến, Trung tâm thương mại, Outlet V+ sẽ đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng/ngày, tiền thuế mà Hà Nội thu được khoảng 50 tỷ đồng/ngày (18.250 tỷ đồng/năm), tạo ra khoảng 15.000 - 20.000 việc làm .
Hiện, Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng thành phố Hà Nội năm 2021. Theo đó, Hà Nội sẽ xây dựng và tổ chức chương trình khuyến mại tập trung năm 2021 nhằm thu hút từ 1.000 - 2.000 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia triển khai đa dạng các hình thức khuyến mại, trên quy mô lớn và với mức giảm giá sâu, cung cấp các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ bảo đảm chất lượng, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của Nhân dân, khách du lịch trong nước và quốc tế.
Đây là những giải pháp thiết thực, một mặt tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, kết nối cung cầu theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ; Mặt khác kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước, góp phần thực hiện có hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.