Kết nối giao thương, kích cầu tiêu dùng nội địa trong trạng thái "bình thường mới"
Theo đó, về chương trình bán hàng Việt, kích cầu tiêu dùng trên địa bàn thành phố, Sở Công thương Hà Nội đã triển khai hàng loạt các Chương trình khuyến mại tập trung TP Hà Nội được tổ chức vào tháng 6, tháng 7 và tháng 11 với chủ đề “60 ngày vàng - rộn ràng mua sắm” trên toàn địa bàn.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương thông tin tại hội nghị |
Đến nay, Sở đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thành công lễ khai mạc Chương trình Khuyến mại tập trung TP Hà Nội năm 2020; Tiếp nhận 4.963 thông báo, đăng ký khuyến mại của các doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình trong tháng 6, tháng 7 và tháng 11/2020 với hạn mức khuyến mại thấp nhất là 10% và cao nhất là 100%. Tổng giá trị khuyến mại đạt trên 20.000 tỷ đồng, trong đó, tập trung chủ yếu vào các ngành hàng gồm: Điện máy chiếm 30%, giá trị khuyến mại đạt 6.000 tỷ đồng; Tiêu dùng chiếm 20%, giá trị khuyến mại đạt 4.000 tỷ đồng; Ngành hàng thực phẩm chiếm 30%, giá trị khuyến mại đạt 6.000 tỷ đồng; Ngành hàng khác chiếm 20%, giá trị khuyến mại đạt 4.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Sở tổ chức triển khai Chương trình “Nhận diện hàng Việt Nam, Tự hào hàng Việt Nam” gắn với thực hiện các hoạt động kích cầu tiêu dùng theo chỉ đạo của Bộ Công thương và UBND TP Hà Nội; Thực hiện các hoạt động kích cầu tiêu dùng, thực hiện các chương trình ưu đãi, khuyến mại, giảm giá sản phẩm, treo băng rôn quảng bá, hình ảnh tuyên truyền “Tự hào hàng Việt Nam” lên website của doanh nghiệp.
Về công tác chỉ đạo điều hành, tháo gỡ khó khăn, triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp Việt đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và ứng phó với dịch Covid-19, Sở đã tham mưu UBND thành phố tổ chức Hội nghị với các doanh nghiệp bán lẻ; Chủ trì tổ chức đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới tăng trưởng của thành phố năm 2020 nói chung, ngành Công thương nói riêng… Qua nắm bắt thông tin, nắm bắt những khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội để đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn về thuế, nguồn vốn vay của doanh nghiệp;
Đồng thời, hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nộp hồ sơ online, chưa tổ chức thẩm định thực tế thay bằng bản tự báo cáo để cấp giấy chứng nhận đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong thời gian diễn ra dịch bệnh và thực hiện hậu kiểm sau khi hết dịch.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục và ứng phó với những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sở Công thương đã hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp mở mới 74 địa điểm kinh doanh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu về thực phẩm của người dân. Việc kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc tại các siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện ích về cơ bản được kiểm soát đảm bảo an toàn thực phẩm…
Trước diễn biến bất thường của dịch Covid-19, thành phố đã chủ động theo dõi từ sớm diễn biến dịch, xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời 4 phương án bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa ứng phó với thay đổi của dịch. Tại phương án 4, thành phố đã huy động, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp lớn trên địa bàn, chủ yếu là các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn, bảo đảm dự trữ 17 nhóm hàng hóa thiết yếu trong 3 tháng quý III/2020 với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng, đồng thời xây dựng phương án dự trữ thêm lượng hàng hóa phục vụ các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng Bắc Bộ với trị giá hàng hóa khoảng 21.500 tỷ đồng.
Để nắm sát tình hình hàng hóa, từ ngày 10-14/8/2020, Sở Công thương đã thành lập đoàn làm việc về công tác chuẩn bị hàng hóa và công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các đơn vị thương mại trên địa bàn; Làm việc với 4 doanh nghiệp kinh doanh thương mại lớn và 1 chợ. Theo báo cáo của các đơn vị, các doanh nghiệp trên địa bàn đã tăng cường dự trữ hàng hóa, các mặt hàng thiết yếu với lượng dự trữ tăng 2-5 lần nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu của người dân trong mùa dịch. Các doanh nghiệp cũng chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố sẵn sàng cung ứng đưa hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra.
Trong những tháng cuối năm, bà Trần Thị Phương Lan cho hay, Sở sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện các chương trình cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình bình chọn hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích; Chương trình bình ổn thị trường 4 tháng cuối năm 2020 theo kế hoạch. Bên cạnh đó, tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, các chương trình công tác thúc đẩy phát triển sản xuất hàng Việt theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Đồng thời, Sở tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố năm 2020 và phương án 4 bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân theo các cấp độ của Trung ương và thành phố nhằm ứng phó với dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố (giai đoạn 3); Tiếp tục chỉ đạo tập trung kiểm tra công tác bảo đảm hàng hóa, bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố…