Hà Nội tích cực phòng trừ bệnh đạo ôn gây hại trên lúa vụ Xuân
Người dân phun thuốc phòng bệnh đạo ôn trên lúa
Bài liên quan
Hà Nội phấn đấu có thêm 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2019
Củng cố niềm tin của nhân dân từ những hoạt động thiết thực
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng tại quận Hoàng Mai
Gắn việc triển khai Chương trình 03 với nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới
Ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết: Vụ Xuân năm 2019, diện tích gieo cấy lúa của thành phố là hơn 91.491ha. Vào thời điểm bắt đầu gieo cấy, thời tiết ấm áp nên việc gieo cấy được đẩy sớm hơn từ 5 đến 7 ngày so với kế hoạch, mạ và lúa xuân sinh trưởng phát triển nhanh. Tuy nhiên, đầu tháng 3 xuất hiện 2-3 đợt không khí lạnh, giữa tháng 3 mưa ẩm, mưa phùn, độ ẩm không khí cao tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại trên lúa xuân.
Theo ông Nguyễn Mạnh Phương, bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại trên lúa vụ Xuân từ ngày 20/2, cao điểm gây hại từ 1/4 đến 26/4. Tỷ lệ bệnh trung bình 5-7% số lá, cao 10-15% số lá, cá biệt có nhiều cánh đồng bị nhiễm đạo ôn hơn 30% số lá; diện tích nhiễm 764,2ha, trong đó, nặng 29,2ha. Còn bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh gây hại từ trung tuần tháng 4, cao điếm gây hại đầu tháng 5. Tỷ lệ bệnh trung bình 0,3-0,5% số bông, cao 3-5% số bông, cá biệt có nơi bị nhiễm bệnh đạo ôn hơn 15% số bông; diện tích nhiễm 26,7ha, trong đó nặng 1,6ha. Các giống lúa nhiễm nặng: Nếp, J02, BC15, TBR225, Thiên ưu 8,...
Để phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ lúa Xuân, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã chỉ đạo chủ động phòng chống bệnh đạo ôn hại lúa Xuân. Các trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp huyện, nhân viên trồng trọt, bảo vệ thực vật cấp xã cũng đã tích cực tham mưu với UBND cấp huyện, xã các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền về phòng chống bệnh đạo ôn hại lúa.
Đáng chú ý, Chi cục Bảo vệ Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã cử cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, thường xuyên điều tra phát hiện, hướng dẫn phòng trừ đến hộ, đến ruộng kịp thời, hiệu quả. Tổ chức tập huấn 80 lớp về nhận biết và biện pháp phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa cho trên 4.000 nông dân tham gia; in và cấp phát 4.000 tờ rơi hướng dẫn phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa cho nông dân tại các vùng trọng điểm sản xuất lúa.
Nói về mức độ nguy hiểm của bệnh đạo ôn trên lúa, ông Nguyễn Xuân Phong, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ thực vật cho biết: Bệnh đạo ôn cổ bông hại lúa rất nguy hiểm, khó dự báo, chỉ có thể phun phòng bệnh. Bệnh gây thiệt hại năng suất tương ứng với tỷ lệ bệnh (ví dụ tỷ lệ bệnh 50% số bông thì thiệt hại 50% năng suất) nên sẽ gây hậu quả rất nặng nề nếu không phun phòng kịp thời. Bệnh thường chỉ phát sinh, gây hại ở giai đoạn lúa trổ bông, nếu điều kiện thuận lợi (thời tiết mưa nhỏ, mưa phùn, nhiệt độ thấp, độ ẩm cao…) thì bệnh phát sinh cả ở giai đoạn lúa ngậm sữa.
Việc phòng, chống bệnh đạo ôn cổ bông cần thực hiện ngay từ đầu vụ, chứ không để xảy ra bệnh đạo ôn lá rồi mới phòng chống. Để phòng chống được loại bệnh này về mặt khách quan còn phụ thuộc điều kiện thời tiết, nếu thời tiết mưa ẩm nhiều sẽ là điều kiện thuận lợi để bệnh phát triển. Tuy nhiên, về yếu tố chủ quan, do người dân không tuân thủ cơ cấu giống, nhiều giống lúa đã từng nhiễm đạo ôn nặng ngành nông nghiệp đã khuyến cáo không nên gieo trồng nhưng tại nhiều địa phương người dân vẫn gieo trồng với diện tích lớn.
Do vậy, các địa phương phải tăng cường bám sát hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng, trừ ngay từ đầu vụ. Những ruộng đã bị bệnh đạo ôn lá cần giữ đủ nước, không phun chất kích thích sinh trưởng hay phân bón lá chứa đạm. Khi lúa bắt đầu trổ, cần phun thuốc phòng đạo ôn cổ bông theo hướng dẫn trên bao bì, tranh thủ phun khi trời không mưa. Đối với những diện tích thường bị nhiễm bệnh nặng trong các năm trước, cần phun bằng các loại thuốc đặc hiệu ngay khi lúa trổ được 5% và sau khi trổ thoát.