Hà Nội: Hướng đến nền hành chính phục vụ
Sau 5 năm TP Hà Nội thực hiện “Đẩy mạnh CCHC, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020” theo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy, đến nay, các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra cơ bản đã hoàn thành, trong đó có chỉ tiêu về đích sớm, vượt kế hoạch; Hoàn thành 11/15 chỉ tiêu; 4/15 chỉ tiêu ước hoàn thành vào năm 2020; Hoàn thành 30/33 đề án, kế hoạch tổ chức thực hiện.
Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Hà Nội đạt 100% - là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng các thủ tục hành chính cung ứng mức độ 3, 4 và kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công (DVC) quốc gia theo lộ trình lựa chọn DVC của Chính phủ, hướng tới cung cấp DVC không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính... giúp người dân có thể làm các thủ tục hành chính ở bất kỳ nơi nào.
Luôn lấy sự hài lòng của người dân là đích đến, là mục tiêu của sự phục vụ, các cấp chính quyền trên địa bàn TP Hà Nội luôn có những mô hình, cách thức để người dân có thể “chấm điểm” cán bộ hoặc có thể có những cách góp ý trực tiếp hoặc gián tiếp đến các cấp chính quyền.
Người dân đến làm thủ thục hành chính tại bộ phận một cửa quận Cầu Giấy |
Theo ghi nhận, tại quận Cầu Giấy, UBND quận đã chỉ đạo lập 3 tài khoản trên mạng xã hội “Quận Cầu Giấy - Thủ đô Hà Nội”, “Vì quận Cầu Giấy xanh - sạch - đẹp”, “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quận Cầu Giấy”. Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô, bà Phan Thị Thu Hà, Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận Cầu Giấy cho biết, người dân truy cập rất đông và cũng đóng góp các ý kiến, phản ánh, qua đó, chúng tôi kịp thời giải quyết vấn đề Nhân dân quan tâm. Trong hai năm vừa qua, quận Cầu Giấy luôn dẫn đầu trong 30 quận, huyện của TP Hà Nội về CCHC.
Tương tự, tại quận Thanh Xuân, UBND quận đã công khai số điện thoại của lãnh đạo quận để người dân dễ dàng phản ánh thông tin. Khi có ý kiến phản ánh, UBND quận mời công dân đến để ghi nhận, tiếp thu, giải quyết theo thẩm quyền. Cách làm đó đã góp phần thực hiện tốt công tác CCHC, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức.
Xác định, chính quyền điện tử để giảm sự tiếp xúc trực tiếp đồng thời tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp, chính vì vậy, thời gian qua Hà Nội đã đưa vào vận hành hệ thống “một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp của thành phố. Nhìn chung, qua đánh giá của các đơn vị trên địa bàn thông qua phần mềm này giúp cán bộ thực hiện các thao tác nhanh hơn, giải quyết việc dân nhanh gọn hơn. Tuy nhiên, gần đây, hệ thống này cũng đã gặp phải những trục trặc kỹ thuật nhất định. Vì vậy, để tránh người dân và doanh nghiệp phải chờ đợi, cán bộ phải nhận hồ sơ giấy, sau đó khi hệ thống khắc phục được sự cố sẽ phải nhập dữ liệu lại thay công dân.
Theo Sở Nội vụ Hà Nội đến nay, TP Hà Nội đã tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đủ điều kiện tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia là 444 DVCTT, đạt 100% so với chỉ tiêu của Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2020; Cung cấp cho người dân và doanh nghiệp là: 1.685/1.685 thủ tục hành chính (bao gồm các DVCTT của Bộ, ngành và các đơn vị tự triển khai), đạt tỉ lệ 100%, trong đó, mức độ 3 là 1.217 DVCTT và mức độ 4 là 468 DVCTT.
Kết quả đo lường Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước khối quận, huyện, thị xã thuộc thành phố năm 2020 đạt chỉ số trung bình là 81,32%. Trong đó, nhóm đơn vị đạt chỉ số hài lòng trung bình cao (trên 90%): Mỹ Đức 99,90%, Thanh Oai 97,30%, Phú Xuyên 95,39%, Chương Mỹ 95,31%, Sơn Tây 91,68%, Hoài Đức 91,37%; nhóm đơn vị đạt chỉ số hài lòng trung bình (dưới 70%): Hà Đông 67,14%, Sóc Sơn 68%, Phúc Thọ 69,46%, Đông Anh 69,66%.
Tổng hợp kết quả đo lường chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước khối sở và các cơ quan tương đương sở thuộc thành phố năm 2020 đạt chỉ số trung bình là 78,56%. Trong đó, có 1/20 đơn vị thuộc khối sở và các cơ quan tương đương sở đạt chỉ số hài lòng trung bình cao (trên 90%).
Cụ thể, Sở Nội vụ đạt 91,56% và 7 đơn vị đạt chỉ số hài lòng trên 80% (Sở NN&PTNT 87,04%, Sở Giáo dục và Đào tạo 86,16%, Sở Công Thương 86,02%, Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội 83,42%, Sở Tư pháp 83,14%, Sở Du lịch 82,83%, Sở Khoa học và Công nghệ 81,45%). Hai đơn vị đạt chỉ số hài lòng trung bình dưới 70%: Sở Kế hoạch và Đầu tư 65,54%, Sở Thông tin và Truyền thông 69,40%.
Vừa qua, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai xác định Chỉ số CCHC năm 2021 đối với các Sở, cơ quan tương và UBND các quận, huyện, thị xã nhằm xác định kết quả Chỉ số CCHC năm 2021.
Thành phố yêu cầu các đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ hoặc tham gia phối hợp triển khai xác định Chỉ số CCHC năm 2021 thực hiện đúng trách nhiệm về đánh giá, chấm điểm công tác CCHC của cơ quan, đơn vị, bảo đảm trung thực, chính xác, đúng thời gian quy định; Tổ chức điều tra xã hội học khách quan, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế; Chỉ số CCHC năm 2021 được xác định trên cơ sở kết hợp giữa đánh giá của Hội đồng thẩm định và đánh giá qua điều tra xã hội học.
Đối với đánh giá của Hội đồng thẩm định, Sở, cơ quan tương đương Sở và UBND các quận, huyện, thị xã tự theo dõi, đánh giá và cho điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC của cơ quan, đơn vị và các đơn vị trực thuộc theo các tiêu chí được quy định và hướng dẫn của Sở Nội vụ. Điểm tự đánh giá của các cơ quan, đơn vị được Hội đồng thẩm định của thành phố thẩm định để xem xét, công nhận hoặc điều chỉnh (nếu cần thiết).
Đối với đánh giá qua điều tra xã hội học, bộ câu hỏi điều tra được xây dựng với số lượng, nội dung câu hỏi tương ứng với các tiêu chí được đánh giá qua điều tra xã hội học.Thực hiện đúng, đủ các nhiệm vụ về đánh giá chấm điểm công tác CCHC hướng đến nền hành chính phục vụ.
* Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021