Hiệu quả trong triển khai dịch vụ công trực tuyến ở Đà Nẵng
Cổng dịch vụ công trực tuyến thành phố Đà Nẵng là nơi người dân, doanh nghiệp thực hiện việc nộp hồ sơ thủ tục hành chính và theo dõi tình hình xử lý trực tuyến. Bên cạnh đó, cung cấp chức năng tra cứu về tình trạng xử lý hồ sơ, thông tin thủ tục hành chính của các Sở Ban Ngành, Ủy ban nhân dân Quận, Huyện, Xã, Phường của thành phố Đà Nẵng.
Báo cáo của Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết, tính đến tháng 9/2021, cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin đã được thành phố đầu tư khá đồng bộ, hình thành các cơ sở dữ liệu nền và chuyên ngành; Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) hiện đạt hơn 97%, trong đó 75% ở mức 4, bước đầu hình thành các nền tảng đô thị thông minh và triển khai một số dịch vụ đô thị thông minh.
Theo đó, cá nhân, tổ chức dễ dàng truy cập Cổng Dịch vụ công tại địa chỉ www.dichvucong.danang.gov.vn theo nhu cầu người dùng từ máy tính, máy tính bảng hoặc điện thoại di động được kết nối internet để hưởng nhiều lợi ích từ Cổng Dịch vụ công như: Truy cập vào hệ thống chính quyền điện tử thành phố (egov.danang.gov.vn); Thực hiện các DVCTT (nộp hồ sơ qua mạng điện tử) như đăng ký khai sinh, kết hôn, đăng ký hộ kinh doanh, cấp giấy phép xây dựng...; Gửi ý kiến góp ý trên ứng dụng góp ý của thành phố về các vần đề nóng như: vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông...
Ngoài ra, các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ số cung cấp thông tin y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe (người dân có thể tiếp cận hệ thống y bác sỹ giỏi ở mọi lúc, mọi nơi), cung cấp thông tin về y tế cộng đồng, y tế cơ sở, đặt biệt cảnh báo kịp thời các vùng có nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19… cũng đã được TP Đà Nẵng chú trọng triển khai trong thời gian vừa qua.
Bộ phận một cửa quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng tiếp công dân |
Bên cạnh đó, việc Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng đưa vào sử dụng ứng dụng 1022 Đà Nẵng hoạt động trên điện thoại thông minh (nền tảng iOS và Android), cho phép người dùng gọi điện, nhắn tin miễn phí (qua internet) đến Tổng đài 1022 để được giải đáp thông tin, thắc mắc của người dân qua tính năng chat; Tra cứu các thông tin cần thiết như: Hồ sơ một cửa, thông tin tuyến xe buýt, giá đất, an toàn thực phẩm, lịch cúp điện, cơ sở khám chữa bệnh, xe vi phạm TTATGT… Thông qua ứng dụng này, người dùng có thể dễ dàng, kịp thời tiếp cận và nắm bắt thông tin thông qua các bản tin, thông báo từ Tổng đài, góp phần đưa người dân thành phố và du khách tiếp cận với công nghệ số ngày càng rộng rãi và phổ biến hơn.
Được biết, hiện nay TP Đà Nẵng đang ưu tiên phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ hỗ trợ chính quyền, người dân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, tư vấn sức khỏe từ xa để giảm tải cho các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn. Cùng với đó, thành phố phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ số hỗ trợ công tác giáo dục, đa dạng hóa hình thức giảng dạy để chủ động duy trì kế hoạch học tập trong mọi điều kiện.
Theo Thành ủy Đà Nẵng, việc đẩy mạnh DVCTT được thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp. Đây cũng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài nên phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm.
Trước đó, 3/7/2021, UBND TP Đà Nẵng đã tiến hành khảo sát khung mức độ hài lòng của tổ chức, công dân đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công trực tuyến của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ người dân, doanh nghiệp, tổ chức hài lòng với DVCTT ở mức cao.
Trong đó, việc rút ngắn thời gian giải quyết, xử lý thành phần hồ sơ công khai minh bạch trên Cổng thông tin điện tử thành phố ở mức độ 3 và 4 đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hiệu quả thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Đặc biệt trong thời điểm thành phố thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, xã hội thì việc đẩy mạnh ứng dụng DVCTT mức độ 3 và 4 đã phát huy tính hiệu quả trong công tác quản lý, xử lý thủ tục hồ sơ.
Chị Đinh Thị Liên, ở quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng cho rằng: “Từ khi sử dụng DVCTT, tôi có thể giao tiếp và thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước tại bất cứ địa điểm nào có kết nối internet. Ngoài ra, tôi có thể theo dõi được tiến độ xử lý hồ sơ để chủ động kế hoạch công việc của mình, tiết kiệm thời gian, không mất công ngồi chờ, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay”.
Theo Sở TT&TT Đà Nẵng, trong thời gian đến, để thúc đẩy quá trình sử dụng DVCTT mức độ 3 và 4, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả của người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng khi sử dụng DVCTT, nhất là thiết kế các tài liệu hướng dẫn theo từng bước thực hiện dịch vụ dưới dạng tờ gấp để cung cấp cho người dùng tại Bộ phận một cửa; Tuyên truyền trên mạng xã hội Facebook, Zalo để tạo thêm kênh thông tin về lợi ích khi sử dụng DVCTT đến từng hộ gia đình.
Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết thêm, thành phố cũng đã đưa vào sử dụng ứng dụng khảo sát, lấy ý kiến về mức độ sẵn sàng và nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tại địa chỉ: https://dx.danang.gov.vn từ ngày 28/8/2021. Việc triển khai khảo sát toàn bộ các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ngành nghề, quy mô khác nhau để thành phố biết được những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó có hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số thuận lợi, hiệu quả.
Nội dung khảo sát được đưa ra gồm: Đánh giá được nhu cầu chuyển đổi số của từng lĩnh vực doanh nghiệp để có hướng dẫn, tư vấn phù hợp, đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp; Hình thành các mô hình, nền tảng ứng dụng phù hợp với từng lĩnh vực doanh nghiệp, từng nhóm doanh nghiệp. Thông qua kết quả khảo sát này, UBND thành phố sẽ có cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong thời gian tới.
Có thể khẳng định, việc đẩy mạnh sử dụng các DVCTT để giải quyết các thủ tục hành chính trong thời gian qua tại TP Đà Nẵng đã tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính cần thiết mà không cần trực tiếp tiếp xúc để phòng tránh dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó. DVCTT mức độ 4 đang góp phần rút ngắn quá trình hiện thực hóa chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trong tương lai của thành phố.
* Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021