Gỡ điểm nghẽn cho thị trường bất động sản
Thị trường bất động sản cả nước hiện đang gặp nhiều khó khăn; Trong đó, những “vướng mắc” về pháp lý chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở mà nếu không kịp thời xử lý hiệu quả có thể dẫn tới suy thoái, tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội. Do vậy, cần thiết phải đồng bộ nhiều giải pháp giúp cho doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn và hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, tăng trưởng theo hướng lành mạnh, an toàn, bền vững.
Trục đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội (Ảnh minh họa: Phạm Mạnh) |
Trong bối cảnh hiện tại, nhằm lành mạnh hóa thị trường bất động sản cần phải thực hiện một số giải pháp ngắn, trung và dài hạn. Theo đó, về giải pháp trung và dài hạn, Nhà nước đang tập trung thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” đã xác định mục tiêu cụ thể là “đến năm 2023, phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất” để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về pháp lý của thị trường bất động sản.
Đồng thời, Chính phủ cũng đã có Nghị quyết số 156/NQ-CP ngày 06/12/2022 về “Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2022”, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29/08/2022 của Thủ tướng Chính phủ “Về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” và Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 17/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ “Thành lập tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương doanh nghiệp”.
Về giải pháp ngắn hạn, Chính phủ đang khẩn trương xem xét ban hành 2 nghị định gồm: Dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng” và Dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực đất đai”. Cùng với đó là sửa đổi một số Thông tư liên quan để khắc phục ngay một số bất cập, vướng mắc nhưng vẫn phải bảo đảm phù hợp với luật hiện hành, trong thời gian chờ các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (mới) và một số luật liên quan được ban hành và có hiệu lực.
Gần đây nhất, ngày 14/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện 1164/CĐ-TTg để đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện theo Quyết định 1435 nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở.
Trong công điện, Thủ tướng yêu cầu rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật theo thẩm quyền còn chồng chéo, bất cập gây cản trở trong triển khai thực hiện dự án bất động sản thuộc lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản.
Đồng thời, Thủ tướng ra hàng loạt các công điện gửi đến các Bộ ngành như Bộ Tài chính để yêu cầu xem xét các vấn đề đang tạo điểm nghẽn cho thị trường, cho doanh nghiệp như tín dụng, phát hành trái phiếu...
Cùng với đó, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; Ban hành các văn bản theo thẩm quyền hoặc đề xuất ban hành Nghị định của Chính phủ hướng dẫn về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và khu đô thị…
Các doanh nghiệp bất động sản cũng được yêu cầu phải tự nghiên cứu các vấn đề liên quan, xem xét phát triển hàng hóa cho phù hợp với nhu cầu của thị trường...
Những động thái này không chỉ góp phần "phá băng" thị trường bất động sản, thúc đẩy thanh khoản trở lại, gỡ khó cho doanh nghiệp kinh doanh... mà còn hạn chế rủi ro cho nền kinh tế, giúp người lao động có cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội dễ dàng hơn trong thời gian tới.
Năm 2023, Quốc hội sẽ thông qua các đạo luật liên quan đến thị trường bất động sản nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn để phát triển (Ảnh minh họa: Phạm Mạnh) |
Trong thời điểm cận kề năm 2023, những động thái quyết liệt và liên tục của Chính phủ được kỳ vọng không chỉ tháo gỡ các nút thắt cho thị trường mà còn là "liều thuốc" vực dậy tâm lý nhà đầu tư.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản, mặc dù thị trường nội tại vẫn rất ổn định bởi tốc độ phát triển đô thị, đầu tư hạ tầng lớn mạnh nhưng lại đang có dấu hiệu chững lại. Lực hấp thụ yếu trong khi lực cầu vẫn rất mạnh, đó là một nghịch lý của thị trường bất động sản cần được xem xét.
Thị trường bất động sản suy giảm bất thường đã tạo ra những hệ lụy xấu cho nền kinh tế. Trước hết là ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp bất động sản và sau đó là gần 40 ngành nghề xem thị trường bất động sản là thị trường đầu ra, như: Ngành sắt thép, cát đá, máy móc, logistics, hàng hóa tiêu dùng phục vụ nhà ở...
- Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản đang gặp phải một số điểm nghẽn. Trước tiên là những vấn đề về pháp lý. Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, khoảng 70% doanh nghiệp hiện nay đang bị vướng vào các vấn đề về pháp lý. Hơn 10 bộ luật cần được xem xét liên quan đến các vấn đề về đất đai, đầu tư, nhà ở.
Điểm nghẽn tiếp theo là nguồn vốn tín dụng, đặc biệt dành cho người mua nhà, cho thị trường người tiêu dùng. Các kênh tạo vốn cho doanh nghiệp như phát hành trái phiếu và nhiều kênh dẫn vốn khác đang "trục trặc". Hàng hóa trên thị trường hiện nay đang có tính chất không phù hợp với nhu cầu, chủ yếu là những hàng hóa nằm ở phân khúc cao cấp. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin còn rất yếu để phục vụ cho các hoạt động đầu tư mua sắm trên thị trường; Chưa có nhiều kênh thông tin phù hợp.
Do đó, "nếu không tháo gỡ các điểm nghẽn này thì sẽ không thể thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển và làm khó cho kế hoạch phát triển kinh tế chung của quốc gia. Động thái của Thủ tướng, các Bộ ngành hết sức quan trọng, chắc chắn sẽ giúp cho thị trường khởi sắc trở lại. Dù không "bùng nổ" như trước nhưng sẽ có tính ổn định cho sự phát triển lâu dài", ông Đính nhấn mạnh.