Đừng làm giàu kiểu... Khá “bảnh”
Trần Thị Khánh Chi
Kiếm tiền một cách dễ dãi, bằng những chiêu trò phản cảm liệu có phải là cách làm hay của thanh niên thời đại 4.0?
Những ngày giới trẻ cả nước xôn xao với “hiện tượng” Khá “bảnh”, “Thánh chửi” Dương Minh Tuyền sục sôi trên các trang mạng xã hội thì cô gái trẻ Trần Thị Khánh Chi (Hà Nội) vẫn cắm cúi cả ngày với ga, vải, đơn hàng từ sáng sớm tới tận đêm muộn.
Khánh Chi là bà chủ của cửa hàng chuyên sản xuất, kinh doanh áo mưa cao cấp, đặt may ga gối các loại ở Hà Nội. Kinh doanh được hơn 4 năm, Chi có một lượng khách hàng “khủng” chủ yếu từ mạng xã hội facebook. Bán hàng chủ yếu trên mạng, vào mạng xã hội hàng ngày nhưng Chi không quan tâm lắm đến những câu chuyện ì xèo, vô bổ của giới trẻ trên mạng.
Nghe thông tin Khá “bảnh” kiếm hơn 400 triệu đồng/tháng chỉ bằng những video phản cảm, tục tĩu, giang hồ trên Youtube, Chi chia sẻ: “Mình nghĩ, đó chỉ là một số ít người “may mắn” vì có được lượng theo dõi khủng như thế chỉ bằng các chiêu trò. Nguyên nhân của may mắn ấy cũng xuất phát 1 phần từ sự cổ súy, nhận thức lệch lạc và adua của 1 bộ phận giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên, dù gì đi nữa, đó cũng không phải là một cách kinh doanh bền vững”. Bằng chứng là Khá “bảnh” đã bị cơ quan công an tạm giam. Tài khoản Youtube của Khá “bảnh”, Dương Minh Tuyền cũng bị đóng.
Chi cho rằng, chỉ có làm ăn chân chính, bằng sức lao động, tài năng của mình mới là cách tồn tại bền lâu. Ít ai biết rằng, từ việc bán hàng trên trang facebook cá nhân, bằng uy tín và sự chân thành trong kinh doanh, Chi đã có một lượng khách quen khá ổn định.Chi chia sẻ: “Gia đình mình không có truyền thống kinh doanh hay buôn bán. Bản thân mình trước đây cũng chưa từng nghĩ đến chuyện sẽ bỏ công việc ổn định để đi kinh doanh nhưng có lẽ ước mơ, khao khát được làm giàu, làm chủ quá lớn lao đã khiến mình rẽ ngang tự lúc nào”. Chi bỏ ngang khi đang công tác ở một viện nghiên cứu để bước chân vào con đường kinh doanh với đầy khó khăn, thử thách.
Chi tâm sự: “Kinh doanh chưa bao giờ là công việc dễ dàng, với người không am hiểu về kinh doanh như mình thì lại càng khó khăn hơn gấp bội. Việc buôn bán với mình có đôi khi chỉ xuất phát từ trái tim. Mình sử dụng cái này, cái kia thấy tốt và muốn đưa những cái tốt đó tới tay người tiêu dùng khác. Đơn giản chỉ có vậy. Thêm nữa, cũng bởi đồng vốn eo hẹp nên mình luôn phải đi khắp nơi, tìm hiểu mọi chỗ để làm sao tìm được nguồn hàng phù hợp nhất, chất lượng tốt nhất”.
Trong xu hướng phát triển của trào lưu bán hàng trên mạng xã hội hay còn gọi là kinh doanh qua facebook, Chi có những bí quyết riêng để “níu” chân khách hàng: “Mạng là thế giới ảo nhưng có thể đem lại những giá trị thật nếu chúng ta biết sử dụng nó một cách hợp lý. Nếu chúng ta sống một cách chân thành thì mọi người cũng sẽ gần gũi với mình hơn. Mình không bao giờ phóng đại, phô trương, nói khoác những mặt hàng mình kinh doanh để “đánh bóng” thương hiệu. Sản phẩm nào tốt, mình nói tốt. Sản phẩm nào có những hạn chế gì, mình cũng nói rõ để người mua thoải mái lựa chọn phù hợp với nhu cầu và túi tiền của họ. Không ít khách online đã trở thành khách hàng ruột của cửa hàng mình”.
Anh Nguyễn Văn Huy |
Đồng quan điểm như Khánh Chi, anh Nguyễn Văn Huy (xã Phúc Túc, hiệu Phú Xuyên, Hà Nội) cũng cho rằng, các bạn trẻ đừng làm giàu kiểu... Khá “bảnh”. Chỉ có bằng lao động, bàn tay, khối óc, người trẻ mới thực sự trưởng thành, làm giàu cho bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội.
Anh Huy đã biến mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” tại quê nhà thành mô hình kinh tế VAC, mỗi năm thu nhập hàng tỷ đồng.Sau khi học xong cấp III, không thi đại học, anh vào quân đội. Hết nghĩa vụ trở về quê hương, Huy học ĐH Luật (hệ vừa học vừa làm) và gắn với công việc nhà nông. Năm 2006 Huy lập gia đình và được ra ở riêng. Kinh tế của đôi vợ chồng trẻ mới tự lập khá eo hẹp, lại thêm thiếu kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp nên chồng chất khó khăn.
“Cưới xong, vốn liếng của chúng em gom được hơn 10 triệu đồng. Để tồn tại, em phải đi giao hàng cho các đại lý bán bánh kẹo trong nội thành Hà Nội. Còn vợ ở nhà bám trụ nghề nông, cấy lúa, chăn nuôi. Ngày đó, việc gì chân chính mà kiếm được tiền là chúng em làm hết…” - Huy chia sẻ.
Trong đề án mô hình VAC được Huy lên kế hoạch rất chu đáo. Một phần diện tích, anh xây dựng cơ sở sinh hoạt. Anh dành 30.000 m2 đầu tư vào nuôi cá chép và trắm. Diện tích còn lại Huy nuôi lợn, nuôi vịt đẻ lấy trứng, thịt và trồng hoa màu, cây ăn quả.
Sau gần 2 năm vất vả, vật lộn với nghề, giờ đây mô hình VAC của Huy đã ổn định, giúp gia đình anh thu nhập bình quân ổn định khoảng 1,2 tỷ đồng mỗi năm. Trừ tất cả chi phí, gia đình anh lãi 600 - 700 triệu đồng/năm, đời sống gia đình ngày một nâng cao. Mức thu nhập này ở vùng ngoại thành là điều ít ai dám nghĩ tới, thế nhưng anh Huy đã làm được.